06/02/2020 - 08:59

Liên kết, nâng cao chuỗi giá trị nông sản 

Tăng cường áp dụng công nghệ, tiêu chuẩn sản xuất sản phẩm an toàn, vệ sinh, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm dài hạn với các doanh nghiệp là hướng đi đột phá được nhiều hợp tác xã (HTX) kiểu mới trên địa bàn TP Cần Thơ triển khai. Qua đó, không chỉ mang lại lợi ích cho thành viên HTX, mà còn gia tăng chất lượng và giá trị nông sản tại thị trường nội địa và xuất khẩu.

Liên minh HTX TP Cần Thơ tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa nông sản cho các HTX trên địa bàn thành phố. 

Năm qua, TP Cần Thơ đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ cho 30 HTX kiểu mới, phát triển sản xuất gắn với chuỗi giá trị. Trong đó, trọng tâm hướng đến là các HTX sản xuất lúa gạo, thủy sản, trái cây…, bởi đây là các mặt hàng chủ lực có lợi thế cạnh tranh và nhiều tiềm năng xuất khẩu của thành phố. Qua đó, đã thúc đẩy nhiều HTX mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị, tăng doanh thu và lợi nhuận cho thành viên HTX. Cùng với đó, thành phố còn triển khai đa dạng các chương trình, dự án hỗ trợ các HTX chuyển đổi công nghệ, hỗ trợ HTX tham gia các hội chợ, xúc tiến thương mại trong và ngoài thành phố. Qua đó, đã giúp cho HTX hiểu rõ nhu cầu thị trường, tăng cường ứng dụng các công nghệ, tiêu chuẩn GAP vào sản xuất để tăng chất lượng hàng nông sản, hợp tác với các đơn vị, doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ, tham gia sâu hơn vào các phân đoạn trong chuỗi giá trị nông sản.

Ứng dụng công nghệ 4.0 vào quy trình trồng, chăm sóc và thu hoạch ổi ruột hồng theo hợp đồng ký kết dài hạn (5 năm) với doanh nghiệp đã mang lại hiệu quả kinh tế cho nhiều nhà nông ở HTX Trường Trung A, xã Tân Thới, huyện Phong Điền. Hiện HTX này có trên 40 thành viên, với tổng diện tích trên 18ha, có năng lực cung ứng gần 300 tấn ổi ruột hồng/năm cho doanh nghiệp xuất khẩu; ước tính mỗi năm, nông dân trồng ổi ruột hồng trong HTX Trường Trung A, thu lợi nhuận bình quân khoảng 100 triệu đồng. Anh Ngô Văn Đoàn, ấp Trường Tây, xã Tân Thới, huyện Phong Điền, chia sẻ: Năm 2016, tôi tham gia vào HTX Trường Trung A và trồng ổi ruột hồng theo quy trình của doanh nghiệp. Theo đó, từ việc trồng, chăm sóc đến các khâu thu hoạch, giao hàng, nông dân cần phải báo cáo rõ ràng và minh bạch cho “nhóm trồng ổi” trên Zalo do doanh nghiệp quản lý trực tiếp. Và mỗi khi cây hoặc trái ổi bị dịch bệnh, nông dân phải chụp ảnh đưa lên nhóm và cho biết tình trạng chi tiết; từ đó, cán bộ kỹ thuật trên nhóm trồng ổi, sẽ hướng dẫn nhà nông sử dụng loại thuốc điều trị bệnh phù hợp,... Ngược lại, nông dân tự ý dùng thuốc xử lý bệnh mà không thông báo, khi giao hàng, doanh nghiệp sẽ kiểm tra về tồn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và trả hàng dựa trên mã số đã cấp cho từng hộ trồng ổi ruột hồng. Theo ông Lý Văn Tịnh, Giám đốc HTX Trường Trung A, hầu hết nông dân trồng ổi ruột hồng của HTX đều được doanh nghiệp cấp phát một chiếc điện thoại cảm ứng để quản lý trực tiếp trên Zalo. Nhờ vậy, mà bà con trong HTX ngày càng thông thạo quy trình. Không những vậy, đây là loại cây dễ trồng, ít sâu bệnh, cho thu hoạch chỉ sau 10 tháng trồng, đầu ra ổn định, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm cho nhà nông, nên khá phù hợp với điều kiện của nhiều nông dân có ít đất canh tác tại địa phương.

Trồng ổi ruột hồng theo quy trình GAP, đã giúp cho nông dân ở HTX Trường Trung A, xã Tân Thới, huyện Phong Điền nâng cao thu nhập. 

Nắm bắt nhu cầu thị trường, áp dụng tốt tiêu chuẩn VietGAP vào trồng xoài cát Hòa Lộc cùng các loại xoài tượng da xanh và da vàng, đã giúp cho HTX nông nghiệp Lộc Hưng, xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ “ăn nên làm ra”, mang lại thu nhập đáng kể cho nhà nông, gia tăng giá trị cho sản phẩm nông sản đặc trưng của địa phương. HTX nông nghiệp Lộc Hưng được thành lập năm 2018, có 19 thành viên, với tổng diện tích 47ha, trong đó, có 30,5ha xoài được canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP theo hợp đồng liên kết với doanh nghiệp. Ông Phan Văn Tây, Giám đốc HTX nông nghiệp Lộc Hưng, cho biết: Trong xu thế kinh tế thị trường, muốn làm ăn lớn và nhất là tăng giá trị cho trái xoài đặc sản của địa phương, HTX nông nghiệp Lộc Hưng đã xác định phải liên kết theo chuỗi, trực tiếp ký kết tiêu thụ hàng với đối tác, doanh nghiệp. Theo hướng này, Ban Giám đốc HTX đã từng bước vận động các thành viên cam kết, thực hiện đúng các quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản trái xoài theo tiêu chuẩn VietGAP. Cùng với đó, làm tốt các khâu xử lý đất, chọn giống, bón phân, tưới nước và xử lý cho cây ra hoa đúng lúc và đúng cách; đồng thời thực hiện các công đoạn sau thu hoạch là cắt tỉa, bỏ bớt những cành già, tạo tán cho cây phát triển vững chắc,… Không những vậy, HTX còn sử dụng phân hữu cơ bón cho cây, thực hiện bao trái ngay từ ban đầu theo đúng quy trình, nên không ảnh hưởng đến chất lượng trái sau thu hoạch, đảm bảo trọng lượng trái xoài đạt từ 400gr trở lên… Vì thế, đa phần xoài của HTX đều đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm và được doanh nghiệp thu mua giá cao hơn so với thị trường bên ngoài từ 1.000-2.000 đồng/kg, lợi nhuận mang đến cho thành viên HTX cũng cao hơn 10%. Bình quân, mỗi hộ trong HTX nông nghiệp Lộc Hưng trồng xoài 2 vụ, sẽ thu lợi nhuận bình quân từ 100 triệu đồng/năm trở lên.

Ông Nguyễn Đức Phương, Chủ tịch Liên minh HTX TP Cần Thơ, cho biết: Thay đổi cách nghĩ, cách làm bằng cách ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tổ chức sản xuất có hiệu quả, nâng cao hiệu quả liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị, không chỉ giúp các HTX tiết giảm chi phí sản xuất kinh doanh, mà còn tăng doanh thu và lợi nhuận, mang lại nhiều lợi ích cho thành viên tham gia HTX. Cùng đó, tạo ra liên kết chặt chẽ giữa các thành viên và HTX, giữa HTX với doanh nghiệp, mở rộng thị trường cung ứng và tiêu thụ nông sản, góp phần gia tăng chuỗi giá trị sản phẩm, hàng hóa nông sản của thành phố.

Bài, ảnh: Mỹ Hoa

Chia sẻ bài viết