02/04/2008 - 21:46

Liên kết khai thác hải sản để giảm chi phí

Tàu nằm bờ tại Gành Dầu (Phú Quốc, Kiên Giang).

Sau mỗi lần tăng giá dầu, mỗi chuyến tàu ra khơi ngư dân càng gánh áp lực nặng nề hơn. Đợt tăng giá xăng dầu vừa qua, chi phí mỗi chuyến biển tăng thêm khoảng 50-80 triệu đồng/chiếc tàu và khoảng 180-220 triệu đồng/cặp cào đôi. Cùng với việc tăng giá xăng dầu, tất cả các mặt hàng thiết yếu cho mỗi chuyến biển như: lương thực, thực phẩm, ngư lưới cụ, nước đá dùng để ướp cá... cũng tăng thêm 20-40%. Trong khi đó, giá hải sản nguyên liệu do đầu nậu, doanh nghiệp chế biến thu vào không tăng. Giá cá phân, cá mồi nằm ở mức 4.000-4.500 đồng/kg, cá tạp 8.500 đồng/kg. Mức giá này đã “trụ” lại trong ít nhất 3 lần tăng giá dầu trở lại đây. Chi phí tăng, sản lượng giảm kéo theo nguồn thu nhập ít đi. Ngư phủ sau mỗi chuyến biển, túi vẫn nhẹ tênh. Mâm cơm gia đình họ cũng đạm bạc hơn, ít chất lượng hơn.

Cả nước hiện có trên 14.000 tàu đánh bắt xa bờ. Ngay sau đợt tăng giá xăng dầu vừa qua, nhiều tàu không đủ năng lực hoạt động đã phải lên bờ. Một số chủ tàu vẫn phải “cắn răng” trở lại ngư trường. Dù biết là ra khơi bị lỗ nhưng vẫn phải ra khơi để có đồng vốn xoay vòng, chi trả lãi suất ngân hàng, chia cho bạn thuyền. Và điều cốt yếu là bảo trì được máy móc, thân tàu. Nếu đậu một chỗ, thiết bị tàu mau xuống cấp, nên nhiều chủ tàu thà hoạt động lỗ còn hơn để tài sản trị giá trên 1 tỉ đồng trở thành đống đổ nát.

Tuy nhiên, nhiều người cũng lo ngại trước tình trạng phần lớn lượng tàu nằm bờ (theo các cơ quan chức năng là từ 30-40%, nhưng theo ngư dân, con số này cao hơn nhiều, ít nhất là 50-60%), chỉ có một lượng tàu có đủ năng lực tài chính bám biển chờ thời. Khi đó, việc “lũng đoạn thị trường” sẽ xảy ra do cung không đủ cầu, giá hải sản sẽ tăng vọt, góp phần cho cơn bão giá mới. Vô tình người giàu sẽ giàu hơn, còn người nghèo, rất đông ngư phủ của đội tàu đã phải nằm bờ, lại càng khó khăn. Bỏ biển, họ rất khó có cơ hội để tiếp cận với ngành nghề, lao động lĩnh vực khác. Đó là chưa kể vô vàn những khó khăn của gia đình ngư phủ vì hầu hết một ngư phủ phải lo cuộc sống cho cả gia đình ít nhất là 4 người.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành một số chính sách hỗ trợ ngư dân: Mức 3-8 triệu đồng tiền nhiên liệu cho mỗi chuyến đánh bắt; tàu có công suất 90 CV trở lên được hỗ trợ 3 lần/năm (mức hỗ trợ và số lần hỗ trợ tùy thuộc vào công suất); hỗ trợ 70 triệu đồng cho ngư dân mua tàu mới; 10-18 triệu đồng để thay máy ít tốn nhiên liệu... Chính sách này giải quyết được một phần khó khăn cho ngư dân. Điều quan trọng là tự ngư dân phải tổ chức lại hoạt động khai thác đánh bắt để giảm bớt chi phí cho mỗi chuyến biển.

Trong đợt làm việc tại Kiên Giang kéo dài 3 ngày mới đây của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, lãnh đạo tỉnh đã báo cáo một mô hình tổ chức khai thác hải sản được xem là hiệu quả: Các chủ tàu tự hợp tác thành đội 10-20 chiếc. Hàng ngày, có một tàu thu gom nguyên liệu của cả đội để đưa vào đất liền; đồng thời, chở nhiên liệu, các nhu yếu phẩm trở lại biển cung cấp cho tàu khai thác. Làm như thế, mỗi chuyến biển có thể kéo dài đến 6 tháng so với thời gian 30-40 ngày của nhiều tàu hiện nay, giảm được nhiên liệu tiêu tốn cho quãng đường từ đất liền đến ngư trường, tăng công suất khai thác. Ngư phủ cũng được thay phiên nhau về đất liền trong suốt chuyến biển.

Tổng Bí thư rất tán thành và khuyến khích phổ biến mô hình này cho nhiều địa phương. Có thể cách làm này chưa bù được giá dầu nhưng cũng là một cách tổ chức ngành nghề, loại trừ những khoản tiêu hao không đáng có. Về lâu dài, giải pháp đóng tàu công suất lớn, khai thác được nguyên liệu giá trị cao, hoạt động ở ngư trường xa thì mới mong giúp ngư phủ đổi đời...

Bài, ảnh: THÀNH NGUYỄN

Chia sẻ bài viết