11/12/2019 - 10:37

Liên kết, đưa khởi nghiệp ĐBSCL thành điểm sáng 

Năm 2016 được Chính phủ chọn là năm quốc gia khởi nghiệp. Ngay thời điểm này, các tỉnh, thành ĐBSCL đã nhanh chóng xây dựng chương trình khởi nghiệp cho riêng mình. Đến nay, các địa phương trong vùng đã định vị và xây dựng được hệ sinh thái khởi nghiệp mang đậm bản sắc của địa phương. Các địa phương cho rằng, đã đến lúc cần hình thành khung hành động chung mang tính hợp tác toàn diện, đưa khởi nghiệp của khu vực ĐBSCL thành điểm sáng trên bản đồ khởi nghiệp quốc gia và khu vực trong tương lai.

Định vị hệ sinh thái khởi nghiệp

Tỉnh Bến Tre đã có hơn 3 năm triển khai thực hiện Chương trình Đồng Khởi khởi nghiệp và Phát triển doanh nghiệp, tỉnh đã cơ bản xây dựng được Hệ sinh thái khởi nghiệp tương đối hoàn chỉnh. Bao gồm nhiều thành tố: Hội đồng Tư vấn Khởi nghiệp; Hội đồng Bảo trợ Khởi nghiệp; Câu lạc bộ doanh nghiệp dẫn đầu; Câu lạc bộ Khởi nghiệp Tiên phong; Quỹ Đầu tư khởi nghiệp tỉnh Bến Tre và các đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp là Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Khởi nghiệp, Tỉnh đoàn Bến Tre. Trong đó, mỗi thành tố đóng vai trò quan trọng, tương hỗ nhau cùng phát triển hệ sinh thái ngày càng hoàn chỉnh. “Nếu như ba năm trước khởi nghiệp vẫn còn là khái niệm xa lạ, thì sau những nỗ lực chia sẻ của các chuyên gia cùng các hoạt động hỗ trợ, khởi nghiệp đã thành phong trào ở Bến Tre. Từ vị thế tự ti, không hình dung được phải bắt đầu như thế nào và bắt đầu từ đâu, giờ đây nhiều người dân Bến Tre đang chủ động “xâm nhập thị trường” - ông Nguyễn Hữu Lập, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, chia sẻ.

Trà hoa trái cây là ý tưởng khởi nghiệp thân thiện môi trường của các bạn trẻ ở Cần Thơ.

Ở TP Cần Thơ, chính quyền quan tâm xây dựng môi trường sáng tạo, đẩy mạnh các chương trình đào tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nhân và doanh nghiệp khởi nghiệp. Theo ông Vũ Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ, Cần Thơ hiện có một số thành phần cơ bản của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo như: 18 viện/trường, 89.000 sinh viên, 15 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp… 51% viện/trường/doanh nghiệp/sở, ngành đã biết đến khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, 36% có mong muốn khởi nghiệp, 90% mong muốn có không gian kết nối hỗ trợ khởi nghiệp… Tháng 7 vừa qua, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố đã ra mắt “Không gian khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo Cần Thơ” (Cantho Startup and Innovation Hub-CASTI HUB). CASTI HUB được thành lập với sứ mệnh kết nối, thúc đẩy phát triển hoàn thiện Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại TP Cần Thơ; liên kết các nguồn lực hỗ trợ cá nhân, nhóm cá nhân có hoạt động khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…

Theo ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, cộng đồng doanh nghiệp của Đồng Tháp, những doanh nghiệp đã thành công trong thương trường hay là những doanh nghiệp có tiềm năng của tỉnh đã tổ chức ra các câu lạc bộ để hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp. Thông qua các sân chơi đó, các doanh nghiệp thành công với tư duy, nguồn lực và những ý tưởng của mình đã dẫn dắt doanh nghiệp khởi nghiệp. Đồng Tháp rất tự hào có một mô hình “doanh nghiệp đi trước rước doanh nghiệp đi sau” như vậy, bởi thông qua các câu lạc bộ, những không gian của các doanh nghiệp, chúng ta kết nối được rất nhiều các chuyên gia đến để hỗ trợ kiến thức, kỹ năng, cung cấp thông tin về mặt thị trường, quản trị, về mặt văn hóa doanh nghiệp. Việc này, vừa tác động cho các cộng đồng doanh nghiệp đã đứng vững trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp và tác động giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp có thêm nhiều năng lượng và tư duy mới…

Hợp sức để vươn xa

Theo các chuyên gia, để chuỗi liên kết kinh tế của các địa phương vùng ĐBSCL được hình thành, hàng hóa sẽ bán được giá cao, do trao đổi và bổ sung cho nhau, không còn lãng phí tài nguyên bán thô… rất cần liên kết khởi nghiệp. Trong đó, cần quan tâm về xây dựng “Cánh đồng lớn” trên cơ sở doanh nghiệp thuê đất của người dân để hình thành vùng nguyên liệu, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, để từng bước thay đổi tư duy, nhận thức của người nông dân; phát triển các hình thức chế biến nông sản, xây dựng và quảng bá thương hiệu; quan tâm phát triển nguồn nhân lực trẻ có đủ đức, đủ tài; đổi mới sản xuất nông nghiệp từ “tư duy sản xuất” sang “tư duy kinh tế”…

Nhấn mạnh vai trò yếu tố con người trong khởi nghiệp, ông Nguyễn Ảnh Nhuận Tống, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Yeah1, cho rằng: Bức tranh khởi nghiệp ở Việt Nam không phải màu hồng, dù phong trào khởi nghiệp diễn ra rất mạnh mẽ nhưng số doanh nghiệp thành công chỉ đếm trên đầu ngón tay. Một trong những yếu tố quan trọng nhất để doanh nghiệp khởi nghiệp thành công là con người. Con người muốn khởi nghiệp thành công trước hết phải có khát vọng lớn để đủ sức vượt qua khó khăn trong quá trình phát triển. Chúng ta không tạo ra phong trào khởi nghiệp mà tạo ra nhiều công ty khởi nghiệp thành công và muốn tạo ra nhiều công ty khởi nghiệp thành công thì phải đào tạo được nguồn nhân lực, lực lượng doanh nghiệp cốt lõi để phát triển lâu dài với địa phương.

Nhiều sản phẩm của tỉnh Đồng Tháp trưng bày tại Mekong Connect 2019 tại TP Cần Thơ. 

Đồng quan điểm trên, ông Huỳnh Kỳ Trân, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Mỹ phẩm Lan Hảo, cho biết: Các bạn trẻ khởi nghiệp cần phải có niềm mơ ước, khát vọng vươn lên, đồng thời phải luôn suy nghĩ để “nghe” được, “hiểu” được sản phẩm của mình và chú trọng xây dựng, giữ vững uy tín.

Về vấn đề liên kết khởi nghiệp vùng ĐBSCL, bà Nguyễn Thị Thương Linh, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh Cần Thơ, chia sẻ: Với vai trò của mình, VCCI thấy rõ rất tầm quan trọng của vấn đề liên kết các địa phương trong vùng. Vì vậy, VCCI Cần Thơ đã thành lập mạng lưới khởi nghiệp ĐBSCL (năm 2017). Đây là mạng lưới khởi nghiệp có quy mô cấp vùng đầu tiên của cả nước, thực hiện kết nối, hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp của từng địa phương nhằm tạo ra hệ sinh thái khởi nghiệp chung của vùng ĐBSCL, góp phần phát triển kinh tế xã hội. Đến nay, mạng lưới hoạt động rất hiệu quả, các thành viên thường xuyên trao đổi, chia sẻ thông tin, hỗ trợ lẫn nhau. Nếu như thời gian đầu, chỉ có 1-2 hoạt động/năm, năm 2019, VCCI Cần Thơ tổ chức 20 hoạt động cho các thành viên mạng lưới…

Ở khía cạnh khác, ông Phan Văn Mãi, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, cho rằng: Câu chuyện khởi nghiệp, hay nói lớn hơn là câu chuyện phát triển của ĐBSCL, nếu chúng ta cùng đi, chia sẻ tài nguyên, lợi thế và kinh nghiệm, thì chúng ta sẽ khởi nghiệp được tốt hơn. Liên kết khởi nghiệp giữa các địa phương là để tận dụng thế mạnh của nhau và xây dựng hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp. Từ đó đưa hoạt động khởi nghiệp vùng ĐBSCL ngày càng khởi sắc, là điểm sáng trong bản đồ khởi nghiệp của cả nước.

Bài, ảnh: LẠC MẪN

Chia sẻ bài viết