20/01/2008 - 09:00

Liên kết để khôi phục, phát triển chăn nuôi bền vững ở ĐBSCL

Không chỉ là vựa lúa gạo của cả nước, vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) còn nổi tiếng về những sản phẩm gia súc, gia cầm (GS-GC), không chỉ đủ cung cấp để tiêu thụ tại chỗ mà còn góp phần điều hòa thực phẩm cho TP Hồ Chí Minh và nhiều địa phương khác trong nước. Thế nhưng, thời gian gần đây, dịch cúm gia cầm, dịch bệnh heo tai xanh, lở mồm long móng trên gia súc... kèm theo đó là giá nhiều loại thức ăn GS-GC tăng đã làm cho nhiều người sống bằng nghề chăn nuôi dở khóc dở mếu! Làm gì để vực dậy và phát triển ngành chăn nuôi ở ĐBSCL một cách bền vững trong thời gian tới đang là câu hỏi chưa có lời đáp rõ ràng.

Với dân số hơn 18 triệu người, hàng năm có hàng triệu lượt người đến tham quan, du lịch, dự lễ hội... vùng ĐBSCL trở thành một thị trường tiêu thụ lương thực, thực phẩm không nhỏ- trong đó, các sản phẩm GS - GC có vai trò khá quan trọng. Mỗi năm, toàn vùng tiêu thụ tối thiểu cũng đến hàng chục triệu con gà, vịt và hàng trăm ngàn con heo, trâu, bò, dê... Điều đó cho thấy tiềm năng thị trường sản phẩm chăn nuôi ở đây không nhỏ, ngành chăn nuôi có đầu ra tại chỗ rất lớn. Nếu tổ chức chăn nuôi tốt, bài bản, có được sản phẩm dồi dào, an toàn thì không chỉ giải quyết tốt nhu cầu thực phẩm trong vùng, mà còn có thể xuất bán cho những tỉnh, thành khác trong nước, thậm chí xuất khẩu, thu về nguồn lợi không nhỏ, tạo được nhiều công ăn việc làm, góp phần giải quyết những vấn đề xã hội bức xúc khác. Nhưng hiện nay, nghề chăn nuôi ở ĐBSCL đang bị ngưng trệ do nhiều loại dịch bệnh phát sinh. Đây quả là một tổn thất lớn cho nhiều nông dân và cho nền kinh tế.

 Một cơ sở nuôi gia cầm theo phương pháp an toàn sinh học ở An Giang. Ảnh: BÌNH NGUYÊN 
Để khôi phục và phát triển ngành chăn nuôi, yêu cầu lớn đang đặt ra là các địa phương trong vùng cần có định hướng và chiến lược phát triển chăn nuôi đồng bộ, toàn diện; có bước đi và quy hoạch vùng nuôi, chọn đối tượng nuôi cụ thể cho từng vùng, từng mùa vụ một cách hợp lý. Thí dụ, có thể xây dựng chính sách khuyến khích đầu tư phát triển chăn nuôi GS-GC tại các vùng ít dân cư, xa khu dân cư, xa đô thị, vùng nông nghiệp thưa dân... để tận dụng lợi thế tự nhiên rộng thoáng, không khí trong lành, thuận tiện cho việc xây dựng các tiểu vùng chăn nuôi an toàn về mặt sinh học, vùng an toàn dịch bệnh...

Nên áp dụng chính sách khuyến khích về sản xuất, kinh doanh con giống sạch bệnh, chế biến thức ăn GS-GC, hỗ trợ doanh nghiệp giết mổ, tiêu thụ thịt sạch giai đoạn đầu bằng tín dụng ưu đãi, giảm các thứ thuế không hợp lý, cấp đất, miễn giảm thuế sử dụng đất dùng cho chăn nuôi... Song song đó, cần hỗ trợ kỹ thuật cho người nuôi thông qua tập huấn chuyên môn; quan tâm đến chăm sóc thú y như tiêm phòng, phát hiện điều trị bệnh thông thường, tăng cường hoạt động kiểm dịch, phòng chống dịch kịp thời...

Nhưng điều cần làm trước tiên là phải khẩn trương củng cố mạng lưới thú y cơ sở, tăng cường đầu tư trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật để nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng thú y huyện, tỉnh. Tiếp tục đào tạo cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ cho cán bộ thú y các cấp- nhất là cấp xã phường- giúp họ đủ sức nhận biết và ứng phó tốt hơn trước tình hình dịch bệnh.

Song song với củng cố mạng lưới thú y nên phải tính đến việc hình thành mạng lưới cung ứng giống GS- GC chất lượng, sạch bệnh cho người chăn nuôi theo hình thức cung cấp thông qua các trại giống tỉnh, huyện. Công việc này có thể do nhà nước tổ chức hoặc hệ thống trang trại, cộng tác viên tại địa phương có đăng ký sản xuất, cung ứng con giống đạt chuẩn, đã được hỗ trợ kỹ thuật, kiểm soát an toàn dịch bệnh từ cơ quan thú y đảm nhiệm. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác giám sát giết mổ, hỗ trợ kỹ thuật trong công tác giống, chăm sóc thú y, tiêm phòng... để xây dựng các tiểu vùng an toàn dịch bệnh. Làm tốt được việc củng cố mạng lưới thú y và hình thành được mạng lưới cung cấp giống GS-GC sạch bệnh thì mới hy vọng ngành chăn nuôi phát triển tốt được.

Mỗi địa phương cần có sự liên kết với nhau, có sự phân công hợp lý, dựa vào những lợi thế riêng mà quy hoạch, xây dựng những tiểu vùng chăn nuôi công nghiệp tập trung chuyên biệt cho từng đối tượng. Kèm theo đó là những quy chế quản lý và hình thức hợp tác riêng trong “mối liên kết nhiều nhà” nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thú y và cả thị trường.

Về phía người chăn nuôi, nhất thiết phải tập hợp, liên kết lại với nhau và với “các nhà”: khoa học, ngân hàng, nhà nước, doanh nghiệp... để khắc phục tình trạng nuôi nhỏ lẻ khó kiểm soát. Sự liên kết này sẽ giúp người chăn nuôi được hỗ trợ nhau về vốn, con giống, thức ăn, tiến bộ kỹ thuật và quan trọng hơn là có thị trường tiêu thụ ổn định. Từ đó mới có thể tiến lên hình thành những trang trại chăn nuôi có qui mô lớn, hiện đại, có sản phẩm chất lượng cao, giá thành hạ, đủ sức cạnh tranh và đứng vững trên thương trường. Trên cơ sở các mối liên kết đó, từng thành viên sẽ có điều kiện phát triển cơ sở, mở rộng thị trường và xây dựng thương hiệu sản phẩm sạch, an toàn, từng bước đáp ứng nhu cầu thị trường một cách ổn định. Khi chăn nuôi phát triển sẽ tạo ra công ăn việc làm và nhiều dịch vụ khác đi kèm. Nhờ đó, sẽ giúp nhiều gia đình có cơ hội xóa đói giảm nghèo tốt hơn.

Để nghề chăn nuôi ở ĐBSCL sớm được khôi phục và phát triển được ổn định, lâu dài, từng bước giúp nông dân vươn lên sản xuất lớn và làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương, các tỉnh, thành trong vùng cần sớm liên kết xây dựng chiến lược phát triển ngành chăn nuôi cùng các chính sách hỗ trợ phù hợp.

NGUYỄN VĂN THƯỚC

Chia sẻ bài viết