27/09/2019 - 14:17

Liên kết để đạt hiệu quả cao hơn 

Những năm qua, nông dân TP Cần Thơ không chỉ đẩy mạnh phát triển sản xuất lúa, xen canh giữa lúa-rau màu mà còn hình thành được nhiều mô hình chuyên canh trồng rau màu. Qua đó, giúp mang lại hiệu quả kinh tế và thu nhập cao hơn cho nông hộ so với độc canh cây lúa, góp phần đa dạng hóa sản xuất, tạo công ăn việc làm và thu nhập quanh năm cho nhiều hộ dân...

►Hiệu quả từ trồng rau

Ông Nguyễn Văn Tâm ngụ khu vực Thới Hòa, phường Thới An, quận Ô Môn, cho biết: "Các loại rau, màu thường có thời gian trồng ngắn nên mỗi năm nông dân có thể trồng rất nhiều vụ, nhất là đối với rau ăn lá. Nông dân có thu nhập đều các tháng trong năm và cao hơn trồng lúa. Chẳng hạn như rau muống, trồng chỉ khoảng trên dưới 20 ngày là thu nhập một đợt, mỗi năm có thể trồng từ 13-14 vụ. Tôi có 2 công đất chuyên canh trồng rau muống, mỗi vụ kiếm lời trên dưới 3 triệu đồng/công".

Nông dân tại nhiều, quận huyện của thành phố cũng có thu nhập khá tốt từ các loại rau ăn quả hay rau mầm và rau thủy canh. Ông Nguyễn Kha Minh ở thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai, cho biết: "Những năm gần đây, các loại rau ăn quả như: mướp hương, bầu, bí đao, khổ qua…được tiểu thương thu mua tiêu thụ tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ rất lớn tại các khu công nghiệp. Theo đó, nhiều nông dân thực hiện các mô hình chuyên canh trồng rau ăn quả có thể kiếm lời trên 200 triệu đồng/ha/năm".

Tuy nhiên, phần lớn nông dân trồng rau, màu chưa có hợp đồng bao tiêu đầu ra với doanh nghiệp, việc tiêu thụ còn phụ thuộc nhiều vào thương lái, giá cả đầu ra sản phẩm bấp bênh theo biến động của thị trường. Mối liên kết "4 nhà" hiện nay chưa chặt chẽ, có những thời điểm nhiều loại rau dội chợ, khó tiêu thụ. Diện tích canh tác rau bình quân của nông hộ nhỏ lẻ và còn phân tán, khó cơ giới hóa và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất một cách đồng bộ. Khả năng đầu tư của nông dân cũng hạn chế, nên nguời dân chưa mạnh dạn mở rộng diện tích và tích cực tham gia sản xuất rau an toàn. Vì vậy, nông dân sản xuất rau an toàn còn gặp khó khi đưa hàng vào bán tại siêu thị và cũng khó tham gia bán lẻ, chủ yếu phải bán buôn sản phẩm cho thương lái với giá như rau thông thường...

►Để đầu ra sản phẩm tốt hơn

Hợp tác xã (HTX) Nông sản xanh Cần Thơ là một trong những đơn vị tiêu thụ nông sản, giữ vai trò tích cực liên kết với nông dân và các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp đưa sản phẩm vào tiêu thụ tại các siêu thị. Bà Nguyễn Minh Thùy Trân, Giám đốc HTX Nông sản xanh Cần Thơ, cho biết: "Cần Thơ đang có nhiều cơ hội sản xuất và tiêu thụ các mặt hàng rau và nông - thủy sản tươi sống nói chung. Hiện nay, các doanh nghiệp, siêu thị đã và đang tìm về Cần Thơ mở nhiều siêu thị, cửa hàng tiện ích và các kho thu mua rất lớn để thu mua, cung ứng rau và các mặt hàng nông thủy sản cho hệ thống bán hàng của họ ở cả trong và ngoài thành phố. Cần Thơ đã có diện tích gieo trồng rau củ quả khá lớn và nhiều nông dân có kinh nghiệp tạo ra các sản phẩm chất lượng. Tuy nhiên, chúng ta còn yếu về thông tin, thiếu cách liên kết với nhau để tạo ra các nguồn sản phẩm ổn định, có thương hiệu đặc trưng và những nơi thuận lợi để các siêu thị tìm đến và thu mua sản phẩm. Ngoài ra, việc kết nối giữa siêu thị và nông dân cũng còn gặp các khó khăn về yêu cầu chất lượng, sản lượng, cách thức giao hàng và thanh toán tiền".

Thu hoạch bông bí tại quận Bình Thủy,  TP Cần Thơ.

Theo ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, an toàn vệ sinh thực phẩm và dùng rau sạch là vấn đề xã hội đang rất cần, chúng ta nên đẩy mạnh sản xuất rau theo hướng sạch, đảm bảo an toàn để không chỉ tiêu thụ mạnh tại các chợ mà còn đưa vào các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích. Nông dân và các HTX sản xuất rau cần quan tâm áp dụng các quy trình kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất để giảm chi phí, sản phẩm đảm bảo an toàn và chất lượng tốt, có chứng nhận VietGAP, GlobalGAP… để có thị trường tốt hơn.

Để khai thác và phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế trong trồng rau, nông dân cần quan tâm tăng cường liên kết để khắc phục ngay tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, cũng như có thể phát triển sản xuất đa dạng sản phẩm, tạo thuận lợi liên kết với doanh nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và tăng cường trồng rau theo hướng an toàn, đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng của thị trường và các đơn đặt hàng của các siêu thị và nhà tiêu thụ.

Hiện nay, nông dân khó đưa rau vào bán tại siêu thị vì đòi hỏi cao về chất lượng và phải có đa dạng nhiều chủng loại, lại chậm thanh toán tiền khi mua hàng. Trong khi đó, nông dân thường chỉ tập trung trồng một vài loại rau với số lượng khá lớn và muốn lấy tiền ngay khi bán… Để giải quyết các vướng mắc trên, đòi hỏi các ngành chức năng tiếp tục tăng cường hỗ trợ, kết nối giữa nông dân và doanh nghiệp, đồng thời thúc đẩy các bên giải quyết các bất đồng theo hướng hài hòa lợi ích và trách nhiệm với nhau để đôi bên cùng hưởng lợi lâu dài.

Năm qua, diện tích gieo trồng rau các loại của TP Cần Thơ đạt 11.320ha, tổng sản lượng trên 432.236 tấn, trong đó rau ăn lá 2.799ha, sản lượng 85.922 tấn. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, qua gần 9 tháng của năm 2019, nông dân tại các quận, huyện thành phố đã trồng được 10.270ha rau các loại, cao hơn 1.065ha so với cùng kỳ năm trước và đã thu hoạch được 8.303ha.

Bài, ảnh: Khánh Trung

Chia sẻ bài viết