19/01/2015 - 20:36

TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ

Liên kết đào tạo nguồn nhân lực cho khu vực ĐBSCL

Là trung tâm văn hóa - khoa học kỹ thuật vùng ĐBSCL, hằng năm, Trường Đại học (ĐH) Cần Thơ luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ đào tạo. Song song đó, Trường ĐH Cần Thơ còn quan tâm đẩy mạnh liên kết đào tạo ĐH, cao đẳng với các đơn vị ngoài trường, góp phần nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho lực lượng tri thức trẻ ĐBSCL và cả nước. Công tác này đang được Trường ĐH Cần Thơ tập trung thực hiện và nhân rộng thời gian tới...

ĐẨY MẠNH LIÊN KẾT ĐÀO TẠO

Theo Trường ĐH Cần Thơ, công tác liên kết đào tạo với các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp khu vực ĐBSCL và các tỉnh, thành lân cận của Trường ĐH Cần Thơ bắt đầu từ năm 2010. Khi đó, Trường ĐH Cần Thơ được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ liên kết đào tạo bậc đại học hệ từ xa với 4 chuyên ngành là luật, tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh và hướng dẫn viên du lịch. Đến năm 2012, đào tạo đại học hệ vừa làm vừa học, đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn bắt đầu triển khai, với nhiều chuyên ngành khác nhau. Thời gian này, việc liên kết đào tạo gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân do cơ sở vật chất, trang thiết bị hạn chế; các khoa chưa xây dựng chương trình đào tạo hệ từ xa, hệ vừa làm vừa học, liên thông, bằng 2; tài liệu hướng dẫn học tập chưa đầy đủ, cán bộ thực hiện nhiệm vụ quản lý chưa có kinh nghiệm...

Ban Giám hiệu Trường ĐH Cần Thơ trao bằng tốt nghiệp cho khóa đầu tiên hệ đào tạo từ xa.

PGS.TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, cho biết: "Được sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng ủy, Ban Giám hiệu cùng với sự đoàn kết của các đơn vị, phòng, ban và các khoa, công tác liên kết đào tạo của trường dần dần khắc phục hạn chế, khó khăn. Quy mô tuyển sinh hằng năm từ các hệ đào tạo duy trì ổn định, đảm bảo đúng và đủ chỉ tiêu được phân bổ. Ban Giám hiệu nhà trường chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo. Nhờ đó, công tác chọn ngành nghề đào tạo đáp ứng được nhu cầu từng địa phương, góp phần đào tạo lực lượng lao động phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị".

Trung tâm Đào tạo Từ xa (thuộc Trường ĐH Cần Thơ) được thành lập theo Quyết định số 620/QĐ-ĐHCT ngày 4-5-2009 của Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ. Căn cứ nhu cầu công tác của trường và đề nghị của Giám đốc Trung tâm Đào tạo Từ xa, ngày 30-7-2012, Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ ban hành Quyết định số 2121/QĐ-ĐHCT đổi tên Trung tâm Đào tạo Từ xa thành Trung tâm Liên kết Đào tạo, với nhiệm vụ trực tiếp tổ chức và quản lý các hoạt động về đào tạo nguồn nhân lực có trình độ Cao đẳng, Đại học theo hình thức giáo dục từ xa và vừa làm vừa học. Thạc sĩ Phạm Phương Tâm, Giám đốc Trung tâm Liên kết Đào tạo Trường ĐH Cần Thơ, cho biết: "Mục tiêu liên kết là đào tạo lực lượng cán bộ khoa học kỹ thuật có trình độ cao đẳng, đại học để phục vụ trong các thành phần kinh tế, góp phần đào tạo nhân lực cho các địa phương".

PHÁT HUY HIỆU QUẢ

Hiện Trường ĐH Cần Thơ có 14 khoa, 3 viện nghiên cứu, 7 đơn vị trực thuộc và 12 phòng, ban chức năng đảm nhận đào tạo 93 chuyên ngành bậc đại học, 32 chuyên ngành trình độ thạc sĩ, 13 chuyên ngành trình độ tiến sĩ. Hầu hết giảng viên các khoa, viện của trường đều tham gia giảng dạy, đào tạo sinh viên thuộc các hệ đào tạo liên kết. Theo Trung tâm Đào tạo Liên kết Trường ĐH Cần Thơ, hiện trường đang liên kết đào tạo với 63 đơn vị là các trường ĐH, cao đẳng, Trung tâm giáo dục thường xuyên tại ĐBSCL, TP Hồ Chí Minh, với 14 ngành đào tạo hệ từ xa, 93 chuyên ngành cho hệ đào tạo vừa làm vừa học (theo yêu cầu của đơn vị liên kết). Thời gian qua, Trường ĐH Cần Thơ cùng các đơn vị liên kết giữ vai trò quan trọng trong công tác đào tạo nhân lực cho các địa phương. Trong đó, năm 2014, hệ đào tạo vừa làm vừa học tuyển sinh đạt chỉ tiêu 6.772 sinh viên, nâng tổng số sinh viên, học viên đang đào tạo là 15.850 người; hệ đào tạo từ xa tuyển sinh đạt chỉ tiêu 2.096 sinh viên, nâng tổng số sinh viên đang đào tạo là 9.473 người. Đặc biệt, năm 2014, trường tổ chức lễ phát bằng tốt nghiệp khóa đầu tiên hệ đào tạo từ xa cho 562/875 sinh viên tốt nghiệp... Ngoài ra, Trường ĐH Cần Thơ còn phối hợp với các đơn vị liên kết mở các lớp bồi dưỡng ngoại ngữ, kế toán trưởng, pháp luật cho cán bộ công chức địa phương, giáo viên dạy môn Giáo dục Công dân và lớp bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục cho đối tượng là giáo viên, lãnh đạo các trường THCS, tiểu học, mầm non...

Thạc sĩ Phạm Phương Tâm cho biết thêm: "Hầu hết học viên, sinh viên các hệ đào tạo liên kết được tạo điều kiện thuận lợi trong học tập. Trường ĐH Cần Thơ và các đơn vị liên kết thiết kế và tổ chức chương trình đào tạo theo yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp; tạo điều kiện cho sinh viên, học viên sử dụng nguồn học liệu của trường; bố trí thời gian đào tạo kể cả lớp đêm, thứ bảy, chủ nhật (hệ vừa làm vừa học)... cho học viên, sinh viên thuận lợi trong học tập".

Theo kế hoạch, năm 2015, Trường ĐH Cần Thơ khuyến khích, hỗ trợ các đơn vị liên kết mở các ngành đào tạo mới; khảo sát và đào tạo theo yêu cầu của các đơn vị, doanh nghiệp ở các địa phương; triển khai Elearning - thành lập Ban nghiên cứu và phát triển đào tạo từ xa qua Elearning; tổ chức học tập, trao đổi sinh viên với các trường đại học, cao đẳng ở Thái Lan; tăng cường tuyển sinh hệ đào tạo vừa làm vừa học, từ xa... PGS.TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, khẳng định: "Thời gian tới, Ban Giám hiệu, tập thể cán bộ, viên chức, giảng viên trường quyết tâm nâng cao tinh thần trách nhiệm, đầu tư nghiên cứu, chất lượng giảng dạy... để đào tạo, nâng cao dân trí, cung cấp nguồn nhân lực chuyên môn cao cho khu vực ĐBSCL".

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết