07/05/2014 - 15:00

Liên kết “4 nhà” để gỡ “nút thắt” giống lúa

Nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao giá trị gia tăng cho gạo xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành Kế hoạch sản xuất giống lúa vùng ĐBSCL giai đoạn 2014-2015 với mục tiêu chính là xác định cơ cấu giống lúa phù hợp cho toàn vùng ĐBSCL và từng địa phương. Đồng thời nâng cao năng lực sản xuất và quản lý chất lượng giống lúa, phấn đấu đến năm 2015 đạt 50% diện tích được gieo trồng bằng giống lúa xác nhận. Căn cứ vào Kế hoạch này, Viện Lúa ĐBSCL vừa tổ chức Hội nghị "Hợp tác sản xuất và phát triển giống lúa cho vùng ĐBSCL" để đánh giá thực trạng sản xuất, cung ứng giống lúa tại các địa phương và tìm hướng kết nối để cung ứng giống đầu vào cho chuỗi sản xuất lúa gạo của vùng.

* Vẫn còn bị động

Trong chuỗi sản xuất lúa gạo, khâu chọn giống và sử dụng giống xác nhận được xem là vô cùng quan trọng quyết định đến năng suất, sản lượng, chi phí đầu tư và đầu ra của sản phẩm lúa hàng hóa. Yêu cầu phải sử dụng giống xác nhận cung ứng cho sản xuất lúa vùng ĐBSCL là rất cần thiết, song khả năng cung ứng giống 3 cấp của hệ thống giống chính quy và hệ thống giống nông hộ vẫn còn ít nhiều hạn chế. Ông Nguyễn Trung Tiền, Giám đốc Trung tâm Giống Nông lâm ngư nghiệp tỉnh Kiên Giang, nói: "Nhu cầu sử dụng giống lúa của nông dân hiện nay thường xuyên biến động theo thị trường rất khó lường trước. Ở những năm trước khi lúa Jasmine được tiêu thụ mạnh thì đa số nông dân đều có nhu cầu mua giống Jasmine từ các Trung tâm Giống, các đơn vị chuyên kinh doanh giống lúa để canh tác. Vào những thời điểm giống Jasmine bán không được giá, sang vụ sau nông dân đổi sang giống khác khiến các đơn vị sản xuất giống hoàn toàn bị động. Mặt khác, đối với Trung tâm giống, để đáp ứng kịp thời nhu cầu thị trường, trong mỗi vụ Trung tâm tổ chức sản xuất trên dưới 10 giống. Sau khi qua sàng lọc của thị trường chỉ còn từ 5-6 giống được nông dân chấp nhận mua về gieo sạ. Đến khi đi vào sản xuất thực tế chỉ còn từ 3-4 giống là nông dân chọn canh tác qua nhiều vụ" .

Vai trò của Viện Lúa ĐBSCL là giữ và duy trì giống gốc, nhân giống 3 cấp cung ứng cho các địa phương trong vùng. Trong ảnh: Tham quan khu vực sản xuất giống của Viện Lúa ĐBSCL.

Muốn có giống để gieo sạ trong vụ sắp tới thì nguồn giống xác nhận phải được sản xuất từ 1-2 vụ trước. Nếu nhân giống cấp siêu nguyên chủng và nguyên chủng ra xác nhận sẽ đòi hỏi phải qua nhiều vụ hơn. Theo ông Hồ Minh Khải, Giám đốc Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Cờ Đỏ, muốn chủ động cung ứng giống lúa kịp thời phục vụ nhu cầu sản xuất đòi hỏi các đơn vị sản xuất giống phải xây dựng kế hoạch từ trước trên cơ sở nắm bắt và dự báo nhu cầu thị trường giống cho những vụ tiếp theo. Song song đó, đơn vị sản xuất giống cần phải có cơ sở hạ tầng đi kèm như lò sấy, kho chứa để xử lý và bảo quản tốt hạt giống. Ngoài ra, cần có nguồn vốn để dự trữ lúa giống chờ phân phối trong các vụ tiếp theo. Đối với Công ty Nông nghiệp Cờ Đỏ, do vừa là đơn vị sản xuất lúa giống và lúa hàng hóa vừa thu mua, chế biến lúa gạo xuất khẩu nên có thể căn cứ vào tình hình xuất khẩu để cân đối kế hoạch sản xuất giống gì, sản lượng bao nhiêu phục vụ gieo sạ cho các vụ tiếp theo. Song không phải đơn vị sản xuất nào cũng có điều kiện và năng lực sản xuất giống chủ động như Công ty Nông nghiệp Cờ Đỏ. Bởi lẽ nhu cầu sử dụng giống lúa ở ĐBSCL thường xuyên biến động khiến các đơn vị chuyên sản xuất và kinh doanh giống không thể chủ động nguồn cung từ các vụ trước. Các đơn vị này thường rơi vào tình trạng giống đã sản xuất ra không thể tiêu thụ hết do nông dân không đón nhận hoặc khi nhu cầu về một loại giống nào đó tăng đột biến lại không có nguồn cung kịp thời.

Hiện hay, vấn đề quản lý chất lượng nguồn giống xác nhận cung ứng ra thị trường cũng được các địa phương, những người tâm huyết với công tác giống đặc biệt quan tâm. Ông Nguyễn Viết Cường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp Đồng Tháp Mười, cho biết: "Hiện nay xuất hiện tình trạng cạnh tranh không bình đẳng giữa một số đơn vị sản xuất, kinh doanh giống lúa. Cùng một giống, giá bán có thể chênh lệch từ vài trăm đồng thậm chí 1.000 hoặc 2.000 đồng, trong khi tâm lý nông dân thường thấy cơ sở nào bán giá rẻ là mua. Vì thế, song song với công tác kiểm định, kiểm nghiệm chất lượng hạt giống trước khi đóng bao còn phải tăng cường quản lý chất lượng trong quá trình phân phối của các cơ sở kinh doanh giống để nông dân sản xuất lúa không bị thiệt thòi khi đưa giống vào canh tác".

* Quản lý cơ cấu giống

Hằng năm, Cục Trồng trọt và các địa phương đều khuyến cáo về các giống lúa chủ lực để nông dân chọn lựa canh tác. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng nông dân chọn giống lúa để canh tác theo thị hiếu. Đối với yêu cầu xuất khẩu, đa số các DN vẫn chủ yếu thu gom nhiều giống lúa về chế biến và đấu trộn lại để xuất theo hình thức gạo 5% tấm hoặc 25% tấm. Vì thế nhu cầu thu mua lúa qua các vụ của DN cũng thường xuyên thay đổi, ngành nông nghiệp khó có thể dự báo chính xác để chuẩn bị nguồn giống cung ứng ra thị trường. Ông Nguyễn Trung Tiền, Giám đốc Trung tâm Giống Nông lâm ngư nghiệp Kiên Giang, đề xuất: "Để tháo gỡ khó khăn trong quá trình sản xuất giống lúa đòi hỏi phải có sự thảo luận thêm giữa các đơn vị sản xuất giống, các cơ quan quản lý ngành nông nghiệp cùng các DN xuất khẩu gạo. Bởi lẽ đơn vị sản xuất giống không thể dự đoán được sự phát triển và nhu cầu của thị trường lúa giống, trong vụ tới hoặc trong 1-2 năm tới cần những giống lúa nào. Các DN xuất khẩu gạo với kinh nghiệm kinh doanh qua nhiều năm mới có thể phân tích, dự báo chính xác nhu cầu thị trường, đề ra mục tiêu kinh doanh lúa gạo trong dài hạn, xác định chủng loại gạo cần xuất khẩu để đặt hàng nông dân sản xuất".

Theo Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, vai trò của Viện Lúa là giữ và duy trì giống gốc, tổ chức sản xuất nhân giống cấp siêu nguyên chủng, nguyên chủng và xác nhận. Với mục tiêu tham gia cung ứng giống cho các cánh đồng lớn, Viện đã giới thiệu những giống lúa có thể phát triển sản xuất với khối lượng lớn để đáp ứng nhu cầu giống cho sản xuất trên cơ sở hợp tác, sản xuất bao tiêu giống với địa phương và doanh nghiệp. Thông qua hội nghị này, Viện Lúa ĐBSCL mong muốn tăng cường mối quan hệ hợp tác với các địa phương, doanh nghiệp sản xuất và phát triển các giống lúa chất lượng cao và cung ứng lượng giống theo nhu cầu sản xuất lúa gạo xuất khẩu vùng ĐBSCL.

Phó Giáo sư-Tiến sĩ Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết: "Trên cơ sở dự báo thị trường của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, căn cứ vào bộ giống lúa hiện có, điều kiện các tiểu vùng sinh thái, Cục Trồng trọt đưa ra cơ cấu giống lúa cho ĐBSCL theo hướng mỗi vụ xác định 6-8 giống chủ lực cho toàn vùng, mỗi tiểu vùng sinh thái từ 4-6 giống chủ lực. Trước mắt sẽ xác định 4-5 giống chủ lực chất lượng cao, phục vụ ổn định các cánh đồng lớn trong toàn vùng giai đoạn 2014-2015. Trong đó, vận động DN liên kết với Viện Lúa, các Trung tâm giống tại địa phương đặt hàng sản xuất giống cung ứng giống cho nông dân trong cánh đồng lớn. Việc đầu tư giống đầu vào sẽ góp phần khắc phục tình trạng phá vỡ hợp đồng giữa DN và nông dân, từ đó thắt chặt liên kết trong cánh đồng lớn nhằm hình thành vùng nguyên liệu lúa hàng hóa quy mô lớn và ổn định phục vụ yêu cầu xuất khẩu.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết