Tế Thần Nông là một trong 6 nghi thức tại lễ cúng đình (5 lễ kia là: Túc yết, Hùng Vương, Tiên Sư, Tiên Thường, Chánh tế Thần đình), thể hiện tín ngưỡng và mong mỏi của người nông dân gắn liền với thành quả lao động nông nghiệp trong từng mùa vụ. Ở nước ta, tục tế Thần Nông trước kia chịu ảnh hưởng ít nhiều nghi lễ Trung Quốc, xuất phát từ tín ngưỡng dân gian Trung Quốc thờ Phục Hy, Nữ Oa, Thần Nông (Tam Hoàng) "những vị vua đầu tiên của con người"?. Nhưng đến thời Minh Mạng ở nước ta thì đối tượng và thời điểm tế lễ đã có biến đổi. Đặc biệt sau khi vùng Đồng bằng sông Cửu Long khai thác có hiệu quả nghề trồng lúa (những năm sau 1850) các vua triều Nguyễn lập ra thiết chế "phong thần" qui định việc tế Thần Nông theo mùa màng nông nghiệp. Vậy Thần Nông là ai? Việc tín ngưỡng, thờ phượng, và tế lễ của dân ta nói chung và vùng Đồng bằng sông Cửu Long có gì khác biệt với người Trung Quốc?
 |
Lễ tế thần nông. |
Theo dân gian Trung Quốc, Thần Nông là nhân vật huyền thoại trong lịch sử Trung Hoa cách đây trên 4.000 năm - đó là vị thánh tổ của ngũ cốc, có hình dáng người nhưng đầu bò có sừng. Thần Nông còn là ông Tổ của nghề y dược do tìm ra hàng trăm loài thảo dược giúp dân chữa bệnh. Ông còn sáng chế ra cây cày, lưỡi cuốc giúp dân cày xới, dạy dân làm nhà ở.v.v
Do vậy, biểu tượng tôn thờ của người Tàu là hình dáng vị thần mang hia, đội mão, hai tay cầm cày trong tư thế cày đất. Thế nhưng với dân ta, phần đông quan niệm Thần Nông là vị Thần trông coi nông nghiệp được tưởng tượng trong tín ngưỡng tiềm thức chứ không có hình tượng cụ thể. Những thập niên đầu thời triều Nguyễn việc tế lễ Thần Nông được diễn ra vào tiết xuân (sau Tết Nguyên Đán khoảng tháng 2 âm lịch), còn gọi là lễ tế Xuân. Biểu tượng làm lễ là con trâu và mục đồng được nắn bằng đất nung, hoặc đẽo từ gỗ, sau khi tế xong cả hai được đem chôn, thấy việc mỗi năm mỗi nắn, đẽo tượng hao phí công sức, sau nầy khi tế lễ xong, hình tượng trâu và mục đồng được lưu giữ tại nhà Trưởng lão, Già làng, riêng ở hoàng cung thì giao cho bộ lễ lưu giữ tại phủ Thừa Thiên, hàng năm tới ngày lễ tổ chức đưa rước rất trọng thể.
Sau khi vua Gia Long thống nhất đất nước, triều Nguyễn chú trọng khai thác nghề nông vùng Tây Nam bộ, xúc tiến khẩn hoang lập ấp, xây dựng đình làng phục vụ trị an và đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh (tính từ sau năm 1850 khi các đình đã có Sắc phong). Hầu hết các đình thần Tây Nam bộ hàng năm làm lễ Thượng Điền, Hạ Điền được thay đổi theo mùa vụ. Theo đó thì Lễ Hạ Điền thường tiến hành vào các tháng 3-4-5 âm lịch, Lễ Thượng Điền thường diễn ra tháng 11 12 âm lịch. Xưa lúc dân ta còn làm lúa mùa (1 vụ) thì Lễ Hạ Điền thường cử hành trọng thể 3 ngày 3 đêm, có mướn gánh hát bội (bộ) diễn tuồng. Sau nầy, khi xuất hiện lúa Thần Nông- ngắn ngày (năm 1967 Thốt Nốt và Phú Tân (Hòa Hảo) là hai địa phương thử nghiệm thành công đầu tiên giống lúa ngắn ngày, cao sản), dần dần những năm sau cả hai lễ Thượng, Hạ (Điền) đều tổ chức trọng thể như nhau
Do quá trình dày công khai thác, vun đắp vùng sông nước Tây Nam bộ trũng ngập trở thành vựa lúa của cả nước. Để ghi nhớ và giáo dục thế hệ con cháu không quên công sức tổ tiên, dân miền Tây kết hợp việc tế Thần Nông với tế đàn Xã Tắc. Thật ra ngữ Hán Nôm: Xã là Thần Đất, Tắc là Thần Nếp, Thần Lúa, gọi chung là Thần Nông nhưng với dân ta Xã Tắc còn ngầm ý nghĩa rộng hơn, sâu sắc hơn. "Xã Tắc" luôn đi cùng với "Sơn Hà" mà "Sơn Hà Xã Tắc" là nói đến đất nước hay Tổ quốc cũng thế. Phải chăng dân mình "tâm truyền tâm" nhắc nhở nhau phải lấy ơn Tổ quốc làm trọng. Xuất phát từ ý niệm nầy mà mỗi đình miền Tây Nam bộ đều có lập đàn Xã Tắc. Việc cúng tế không chỉ thực hiện tín ngưỡng tâm linh Thần Nông mà trong cầu nguyện văn tế luôn gắn liền với câu: "Quốc thới dân an".
Theo nghi thức các đình Tây Nam bộ, phần lớn lễ tế Thần nông được thực hiện ngày đầu, sau khi an vị Sắc Thần và làm lễ tế Tiên thường, cũng có nơi tiến hành lễ tế buổi sáng sớm ngày hôm sau, nhằm để tránh mưa (thường gặp mưa buổi chiều). Lúc tế lễ, Ban tế tự khăn đóng áo dài chỉnh tề tiến ra sân đình tại nơi có đàn Xã Tắc, Ban tế tự đứng thành hàng ngang (có thể đứng nhiều hàng tùy số lượng người dự). Sau đó người đại diện Ban tế tự, thường là Hương văn, đứng ra nguyện hương. Trống được đánh lên 3 hồi, tiếp theo là 3 hồi chiêng, ba hồi mõ, tất cả cùng quỳ hướng tâm thả hồn theo bài văn tế của vị chánh bái, cụ thể như sau: (đọc sau khi nêu ngày, tháng, đơn vị hành chính từ tỉnh, thành phố, quận (huyện), xã (phường), thị trấn, mỗi câu đọc xong phải chờ dàn nhạc lễ tấu bè theo sau mỗi câu mới đọc tiếp theo).
Hậu hiền khai cơ.!!!
Tiền thánh hậu thánh !!!
Tam nhị thánh tổ !!!
Tổ quốc đất nước !!!
Phục Hy Thần Nông !!!
Huỳnh Đế Châu Công !!!
Đất đai dương trạch !!!
Bạch mã Thái giám !!!
Du Thần Du Thánh !!!
Viên quan Hương chức !!!
Ban tế tự, thân hào, nhân sĩ !!!
Đại, tiểu, tân, cựu !!!
Binh đinh đồng đẳng !!!
Đồng tâm cầu kính !!!
Quốc thái dân an !!!
Mùa màng tươi tốt !!!
Nông vụ bội thu !!!
Ấm no hạnh phúc
(lạy 4 lạy)
Sau đó tiếp tục đọc bài nguyện hương:
Thần hương, nguyện hương, thấu thập phương
ư ư ư
Tạ thiên tạ địa tạ quân vương
ư ư ư
Phục Hy viên đế Thần Nông vị
ị ị ị
Ngũ cốc phong đăng thậm cảm tình
ì ì ì
(đứng lên thẳng lưng xá 4 xá cấm hương)(*)
Khi Hương văn xướng ngâm bài văn tế, bài nguyện hương, thì dàn nhạc phải phụ họa theo cung bậc ngân nga của bài văn, những người làm nhiệm vụ học trò lễ phải thực hiện động tác cung bái, đi, đá chân, lên xuống, xoay trở theo nhịp trống, thường thì nhịp 4, nhịp 8, hồi xưa phải đi theo nhịp 12, 16
Vật cúng Thần Nông thường là con heo sống, hoặc thủ vỉ chưa nấu chín. Cũng có nơi xẻ thịt heo nấu chín dọn ra thành mâm. Đặc biệt khu vực tỉnh An Giang phần đông các món ăn cúng tế Thần Nông được nấu chín đem nguyên nồi, chảo, bày ra trước sân đàn Xã Tắc khi tế lễ xong mới được đem vô nhà dọn ra mâm bàn đãi khách. Cũng có đình tế Thần Nông cúng chay (do ảnh hưởng tín ngưỡng Phật giáo Hòa Hảo). Lúc tế lễ Ban tế tự cử ra từ 2 đến 4 học trò lễ đứng cầm lọng, dù, để che lư hương, bài vị của Thần (bài vị có chữ Diêm Đế Thần Nông, hay Hậu Tắc Thần Nông, không có hình, tượng con trâu, mục đồng như ngoài Bắc). Dù trời có nắng nóng thế nào Ban tế tự cũng phải giữ nghiêm qui lệ tế lễ ngoài trời. Sở dĩ Thần Nông không được tế lễ trong đình là theo truyền thuyết dân gian, thuở con người còn ăn lông ở lỗ, Thần Nông bỗng một hôm nghĩ ra cách lấy cây lá làm nhà tránh mưa nắng. Thế nhưng, nhà Thần Nông làm có mái che ngang giống như giàn bầu, giàn bí, ở được không bao lâu thì gặp phải cơn gió lớn cuốn bay. Lúc xảy ra cơn giông cũng là lúc bà Cửu Thiên xuất hiện, bà chống nạnh hai tay, cười bí hiểm. Cũng là thần thánh với nhau, nên Thần Nông ngầm hiểu bà Cửu Thiên chê mình dốt, cất nhà mái ngang làm sao chống được gió, dột. Động tác chống nạnh là có ý chỉ dạy cho Thần Nông phải cất nhà đậu mái (hình tam giác) mới có sức chống chịu gió mưa. Từ suy nghĩ đó, Thần Nông sáng tạo ra cây thước nách (cây thước thầy tổ của các loại thước). Quả nhiên, Thần Nông làm nhà đâu mái, vô họng kèo theo độ lài hình tam giác, từ đó nhà đủ sức chống chịu mưa giông. Ông phổ biến trong dân để làm theo, vì vậy dân tôn thờ ông là tổ của nghề thợ mộc. Thế nhưng, riêng ông thì không ở. Xuất phát từ truyền tích dân gian trên mà người đời tế Thần Nông ngoài trời là như vậy. Còn ý nghĩa khác thực tiễn hơn: Thần Nông là người trông coi nông nghiệp sẻ chia sương nắng với người nông dân "một nắng hai sương", "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" nên Thần Nông luôn sống ngoài trời, việc tế lễ cũng phải tế ngoài trời cho phù hợp với tính cách của Thần
Mấy năm gần đây, lễ hội Kỳ Yên cúng Thượng Điền, Hạ Điền được bà con ta tổ chức hàng năm tại các đình Thần Tây Nam bộ rất trọng thể, ngoài tín ngưỡng tâm linh, lễ hội còn là nơi họp mặt người nông dân trao đổi kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp, là dịp để người trong xã, phường giữ mối quan hệ "tình làng, nghĩa xóm" truyền thống tốt đẹp xưa nay của dân ta.
Bài, ảnh: Đoàn Nô
---------------------
(*) Bài văn tế do chánh bái Đỗ Hữu Tông đình Tân Lộc Tây, Thốt Nốt cung cấp.