09/06/2024 - 10:42

Lễ phục hiện rước tượng Bà Chúa Xứ núi Sam 

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam là nét tín ngưỡng tâm linh gắn bó với cư dân TP Châu Đốc, tỉnh An Giang nói riêng và người dân miền Tây Nam Bộ nói chung. Năm nay Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam diễn ra từ ngày 29-5 đến ngày 3-6-2024 (nhằm ngày 22 đến ngày 27 tháng 4 âm lịch). Trong đó phải kể đến lễ phục hiện rước tượng Bà Chúa Xứ núi Sam từ đỉnh núi Sam về đến Miếu Bà. Đây là nghi lễ quan trọng, mở đầu cho chuỗi các nghi lễ tiếp theo trong Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam.

Lễ phục hiện rước tượng Bà Chúa Xứ từ đỉnh núi Sam xuống Miếu Bà thu hút hàng ngàn du khách thập phương tham dự. Ảnh: MINH ANH

Ban tổ chức Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam năm 2024 tỉnh An Giang phối hợp UBND TP Châu Đốc và Ban Quản trị Lăng miếu núi Sam tổ chức Lễ phục hiện rước tượng Bà Chúa Xứ núi Sam vào ngày 29-5 (ngày 22 tháng 4 âm lịch); mở đầu cho Lễ hội cấp quốc gia Vía Bà Chúa Xứ núi Sam năm 2024. Lễ phục hiện rước tượng Bà Chúa Xứ núi Sam diễn ra trong không khí trang nghiêm, với các nghi thức: Lễ Khai thủy - Đăng sơn - Thỉnh Thánh Mẫu; Dâng hương Đài Liệt sĩ; thực hiện lễ phục hiện thỉnh áo, mão Bà lên kiệu... Bắt đầu Lễ phục hiện, trong tiếng trống múa lân rộn ràng, hàng ngàn du khách và nhân dân trong vùng xếp hàng dài theo sau các vị cao niên và lãnh đạo thành kính đến dâng hương tại Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, Nhà bia Liệt sĩ và tiến hành các nghi thức rước tượng Bà Chúa Xứ Thánh Mẫu từ trên đỉnh núi Sam về Miếu Bà (nơi an vị tượng Bà ở dưới chân núi Sam, thuộc phường Núi Sam, TP Châu Đốc). Tại đây diễn ra chương trình sân khấu hóa Lễ phục dựng rước tượng Bà Chúa Xứ núi Sam.

Theo truyền thuyết, sau khi đánh đuổi quân Xiêm sang xâm lược, dân làng Vĩnh Tế (nay là phường Núi Sam, TP Châu Đốc) phát hiện có một pho tượng Bà trên đỉnh núi Sam nên cùng nhau lên núi để thỉnh tượng Bà về thờ cúng. Nhưng lạ thay, bao trai làng, tráng sĩ với sức mạnh thể lực dù làm mọi cách nhưng vẫn không sao nhấc pho tượng Bà lên được. Lúc bấy giờ, có một lời phán rằng cần có chín cô gái đức hạnh sáng trong thì mới có thể khiêng tượng Bà xuống núi được. Dân làng làm theo thì quả nhiên chín cô gái khiêng tượng nhẹ như không, đến vị trí của miếu Bà Chúa Xứ hiện nay thì tượng Bà bỗng nặng trở lại, các bô lão trong làng hiểu được rằng Bà đã chọn nơi này để an nghỉ và kể từ đó dân làng lập miếu để thờ cúng. Theo thời gian, ngôi miếu được tu sửa, phát triển dần dần khang trang và đẹp đẽ như Miếu Bà hiện nay. Nhằm tái hiện lại những hình ảnh đó, Lễ phục hiện rước tượng Bà được tổ chức vô cùng long trọng, thu hút hàng ngàn người dân địa phương và du khách thập phương tham dự.

Đúng 15 giờ chiều ngày 29-5-2024 (nhằm ngày 22 tháng 4 âm lịch), nghi lễ bắt đầu diễn ra với các tiết mục múa, hát ca ngợi về sự ấm no hạnh phúc và sự chan hòa của bốn dân tộc anh em cùng chung sống trên mảnh đất An Giang là Kinh, Chăm, Hoa, Khmer cùng với hoạt cảnh tái hiện khoảnh khắc khi dân làng Vĩnh Tế phát hiện có một pho tượng Bà trên đỉnh núi Sam và kêu gọi nhau lên núi thỉnh tượng Bà về thờ cúng. Đoàn rước lễ bắt đầu xuất phát lên đỉnh núi Sam để thực hiện nghi lễ rước tượng Bà. Chiếc kiệu rước Bà được trang trí lộng lẫy với rất nhiều hoa tươi và đôi phượng được làm bằng hoa củ hết sức đẹp mắt. Dù trời mưa nhưng đoàn rước lễ vẫn trang nghiêm di chuyển lên núi cùng với sự hộ tống của các đoàn lân sư rồng từ khắp các tỉnh tụ hội về và hàng ngàn người dân cũng như du khách thập phương cũng nối nhau lên núi rước tượng Bà. Tiếng trống lân rộn rã cùng đoàn người chen chân nhau lên núi, không khí lễ hội hết sức tưng bừng và vui tươi.

Sau khoảng một giờ đồng hồ, đoàn rước lễ cũng đã lên tới đỉnh núi Sam. Các vị cao niên cùng lãnh đạo địa phương bắt đầu nghi thức tại vị trí bệ đá Bà ngự khi xưa. Bộ áo, mão của Bà có giá trị vô cùng đặc biệt đã được chọn lựa trước đó để tượng trưng cho pho tượng Bà năm xưa được đặt tại vị trí này. Sau khi tiến hành các nghi thức, các bậc cao niên đưa áo, mão của Bà vào trong chiếc kiệu được trang hoàng lộng lẫy. Các diễn viên múa bắt đầu tái hiện truyền thuyết năm xưa, sau đó đoàn rước lễ bắt đầu di chuyển xuống núi. Hàng chục đoàn lân sư rồng hai bên đường chào đón Thánh Mẫu Chúa Xứ hạ sơn bằng những hồi trống rộn ràng, cờ, lộng, binh lính cầm theo binh khí cho đến các bô lão đều được tái hiện một cách trang trọng. Hàng ngàn người dân và du khách chen chân phía sau theo đoàn rước lễ xuống núi.

Khi đoàn rước kiệu Bà xuống đến chân núi thì trời cũng sụp tối, nhưng không khí náo nhiệt vui tươi của lễ hội vẫn không hạ nhiệt, người dân và du khách đứng chờ đón xem hai bên đường rất đông. Nghi lễ phục hiện rước tượng Bà kết thúc sau khi diễn ra phần văn nghệ tại sân khấu Miếu Bà và các vị bô lão thực hiện các nghi thức để thỉnh áo, mão Bà trong kiệu nhập miếu.

Long Hồ

 

 

Chia sẻ bài viết