06/06/2015 - 19:54

Lễ hội dân gian ở Cần Thơ

Lễ hội là nghi thức tế lễ của một cộng đồng người hướng đến đối tượng được suy tôn, diễn ra trong một không gian, thời gian nhất định, với sự tham gia của quần chúng nhân dân. Thông thường lễ hội gồm phần lễ và phần hội. Lễ thiên về tinh thần, những nghi thức cúng tế hướng đến đối tượng suy tôn. Hội có phần thiên về vật chất gồm những trò chơi, những hoạt cảnh… đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí.

Lễ hội thể hiện và phản ánh phong tục tập quán, tôn giáo tín ngưỡng và một số sinh hoạt văn hóa tinh thần của một cộng đồng người. Lễ hội dân gian ở Cần Thơ phần lớn đều bắt nguồn từ các lễ hội truyền thống của dân tộc. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của điều kiện địa lý, môi trường tự nhiên và đặc điểm xã hội của vùng đất mới mà lễ hội truyền thống ở Cần Thơ có một số điểm khác biệt.

Những nét đặc trưng

Đặc điểm đầu tiên phải kể đến là tính mới trong lễ hội ở Cần Thơ. Nếu như lễ hội cổ truyền ở phía Bắc và miền Trung có lịch sử hàng ngàn năm, đã ăn sâu vào tâm thức dân tộc thì đa số các lễ hội ở Cần Thơ chỉ mới xuất hiện cách đây vài trăm năm, thậm chí có những lễ hội chỉ xuất hiện khoảng vài mươi năm như lễ tế Bà Cố Hỉ hay còn gọi là lễ hội Giàn Gừa. Cũng bắt nguồn từ các lễ hội truyền thống của dân tộc, nhưng lễ hội Cần Thơ có sự thay đổi, cải biên cho phù hợp với tình hình thực tế, như các lễ hội cúng đình, cúng Thần Nông…

 Lễ cúng đình ở Cần Thơ.

Ngoài việc kế thừa dòng chảy văn hóa dân tộc trong lễ hội, người dân Cần Thơ còn tiếp thu lễ hội của các dân tộc khác hay sáng tạo ra những lễ hội mới phù hợp với nhu cầu thực tế của địa phương. Cho nên có thể nói, lễ hội truyền thống ở Nam Bộ nói chung, Cần Thơ nói riêng là một chặng mới, tiếp tục dòng chảy của lễ hội cổ truyền từ Bắc vào Nam trong tiến trình lịch sử của dân tộc. Nó vừa kế thừa những di sản tinh thần và văn hóa lâu đời của quê hương cội nguồn, vừa phát huy và tiếp nhận những nhân tố mới từ thực tiễn đời sống, sáng tạo nên những nếp sinh hoạt văn hóa mới đáp ứng nhu cầu của cộng đồng dân cư ở nơi vùng đất khai phá(1).

Vì có sự tiếp thu văn hóa của các dân tộc cùng cộng cư mà lễ hội truyền thống ở Cần Thơ còn có tính giao thoa. Cũng như các địa phương khác ở Nam Bộ, Cần Thơ là vùng đất hội tụ của nhiều dân tộc cùng cộng cư nên sự giao thoa trong văn hóa giữa các dân tộc là điều tất yếu. Trong các lễ hội diễn ra ở đây, bất kể là của dân tộc nào, người ta đều thấy dấu ấn về sự giao thoa đó.

Rõ nét nhất là sự không câu nệ về tín ngưỡng, dân tộc... của những người tham gia các lễ hội. Người ta đến tham gia lễ hội là do nhu cầu tự thân, xuất phát từ tâm lý ngưỡng vọng thần thánh nên chuyện bà con người Việt tham gia các lễ hội của người Hoa hay Khmer và ngược lại là bình thường. Bởi suy cho cùng, thần thánh của dân tộc nào cũng không ngoài mục đích khuyến thiện trừ tà, phù hộ cho con người được cuộc sống bình an, hạnh phúc. Vì vậy, lễ tế Thành Hoàng đâu chỉ có bà con người Việt tham gia mà còn có cả người Khmer và người Hoa. Còn lễ tế Bà Cố Hỉ là minh chứng cho con đường giao lưu văn hóa Việt- Chăm trên mảnh đất Cần Thơ nói riêng, Nam Bộ nói chung. Lễ Tống ôn hằng năm diễn ra trên địa bàn Cần Thơ đã thể hiện cho cho sự giao thoa văn hóa giữa người Việt, người Khmer và người Hoa.

Trong đa số lễ hội truyền thống ở Cần Thơ đều có sự tham dự được chế định hóa của sinh hoạt hát bội và một số diễn xướng dân gian khác (như Hát bóng rỗi…) vào lễ hội truyền thống(2). Người ta không thể hình dung cúng đình mà không có hát bội. Hát bội trong các buổi cúng đình ở Cần Thơ như là một phần nghi thức trong buổi lễ. Trừ những nơi cực kỳ khó khăn người ta mới không tổ chức hát bội trong lúc cúng đình. Còn lại, đa số các đình, dù giàu, dù nghèo cũng cố gắng rước về một đoàn hát bội mua vui cho thần và phục vụ cho bà con. Ngoài hát bội, các dịp cúng đình hay lễ tế Bà Cố Hỉ đều có tổ chức múa bóng rỗi.

Ý nghĩa trong đời sống tâm linh

Các lưu dân từ buổi đầu đến Cần Thơ lập nghiệp phải đối mặt muôn vàn hiểm nguy, gian khổ. Thực tế khắc nghiệt của buổi đầu khai phá ấy đã dẫn đến ý niệm về thần chi phối. Lúc bấy giờ, người ta chưa thể lý giải được các hiện tượng tự nhiên xảy ra xung quanh mình nên cho rằng mọi thứ đều có linh hồn. Từ cục đá, gốc cây đến ao đầm… đâu đâu cũng có thần linh trú ngụ. Các vị thần này sẽ phá phách con người nếu họ đến khai phá mà không xin phép, không làm lễ ra mắt. Từ quan niệm này, các vị thần được “dựng lên” thành đối tượng suy tôn, và hằng năm, người ta cầu cúng để được bình an cho mình, cho xóm làng.

Lễ hội là cầu nối giữa hiện tại và quá khứ, giữa môi trường thực tế và tâm thức cội nguồn. Lễ hội truyền thống ở Cần Thơ là sự phản ánh tâm thức dân tộc. Việc tổ chức lễ hội hằng năm không chỉ là để thỏa mãn nhu cầu tâm linh, sinh hoạt giải trí của con người thời hiện tại mà còn góp phần giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Khi lễ hội diễn ra cũng là lúc các giá trị văn hóa truyền thống được lưu giữ trong ký ức bao thế hệ có dịp tái hiện. Đó có thể là sự tri ân của hậu bối đối với tiền nhân trong tiến trình mở cõi, xây chợ, lập làng, tạo lập cuộc sống bình an cho con người. Các lễ tế Thành Hoàng, tế Thần Hổ, tế Thần Nông đã chứng minh cho đạo lý này và còn lưu được những lớp văn hóa xa xưa(3). Mặt khác, giáo dục các thế hệ tiếp theo về tính nhân văn, lòng vị tha, đạo lý uống nước nhớ nguồn, tình đoàn kết xóm làng và tình yêu quê hương đất nước.

Lễ hội bao giờ cũng là sinh hoạt của cộng đồng người. Các cộng đồng người này có cùng một đối tượng suy tôn, cùng mục đích suy tôn nên trong các dịp lễ hội, có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng. Mỗi người một việc, tất cả hướng đến thần thánh. Đứng trước thần, những tị hiềm, đố kỵ, thành kiến cá nhân đều được dẹp bỏ để chung sức chung lòng sắm sửa lễ vật, trang hoàng đình, miếu phục vụ cho mục đích cao cả hơn. Vì vậy, trong những sự kiện thiêng liêng này, người ta trở nên gần gũi nhau hơn, thân thiện hơn, nhân văn hơn. Và tình đoàn kết xóm làng từ đó thêm keo sơn hơn.

Vì lẽ đó, lễ hội truyền thống ở Cần Thơ bao đời nay vẫn giữ được nét đẹp của thuở sơ khai, tri ân tiền nhân, không biến chất bởi mê tín dị đoan, không có cảnh tranh giành để cầu danh lợi cá nhân.

TRẦN PHỎNG DIỀU

1. Thạch Phương - Hồ Lê - Huỳnh Lứa - Nguyễn Quang Vinh (1992), Văn hóa dân gian người Việt ở Nam Bộ, Nxb KHXH, Hà Nội, tr.73-74.

2. Thạch Phương - Hồ Lê - Huỳnh Lứa - Nguyễn Quang Vinh, sđd, tr.77.

3. Vũ Ngọc Khánh (2007), Nghiên cứu văn hóa cổ truyền Việt Nam, Nxb Giáo Dục, tr.35.

Chia sẻ bài viết