10/09/2012 - 21:20

Lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Hiến pháp là một trong những hoạt động hiện thực hóa quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân

Ngày 10-9, phát biểu tại Hội thảo “Quy trình, thủ tục, cách thức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992” được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, TS. Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp đã nhấn mạnh: Lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Hiến pháp là một trong những hoạt động hiện thực hóa quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân và là phương thức dân chủ nhất để nhân dân trực tiếp thể hiện ý chí của mình về các vấn đề được Hiến pháp quy định.

Tham dự Hội thảo này có các nhà nghiên cứu đầu ngành trong lĩnh vực lập pháp của Việt Nam và 2 chuyên gia quốc tế là ông Winluck Wahiu, Giám đốc dự án về Quy trình lập hiến, Viện hỗ trợ dân chủ và bầu cử quốc tế IDEA và TS Nicholas Booth, chuyên gia luật hiến pháp của UNDP cũng đã tham dự hội thảo. Các tham luận tại Hội thảo đã tập trung trao đổi, thảo luận vào những vấn đề chính như: Làm thế nào để lấy ý kiến nhân dân một cách hiệu quả và thực chất nhất; cần lấy ý kiến về những nội dung nào, bằng cách nào, lấy ý kiến ai, tổ chức nào và cơ chế tiếp nhận, thu thập, tổng hợp, phân tích và đặc biệt là phản hồi ý kiến đóng góp của nhân dân để đạt hiệu quả cao nhất, thể hiện sự trân trọng trí tuệ và tình cảm của nhân dân, đáp ứng cả “ý Đảng và lòng dân”, làm sao để mang cuộc sống vào Hiến pháp và để sau này đưa được Hiến pháp vào cuộc sống.

Tại hội thảo, ông Winluck Wahiu đã giới thiệu những kinh nghiệm quốc tế về quy trình, thủ tục lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Hiến pháp; TS Nicholas Booth nói về chủ đề: Sự tham gia của công chúng và các công cụ lấy ý kiến nhân dân - kinh nghiệm của Nam Phi và một số nền dân chủ mới...

HÀ HUY HIỆP (TTXVN)

Chia sẻ bài viết