* Lấy ý kiến đóng góp Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
(CT)- Theo HĐND quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ), từ ngày 14 đến 19-3, tất cả các phường của quận đồng loạt tổ chức việc lấy ý kiến của Hộ gia đình đóng góp về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 qua phiếu. Toàn quận có hơn 37.000 phiếu (trong đó, 300 phiếu hộ tiểu thương; hơn 36.785 hộ gia đình) tham gia đóng góp ý kiến. Theo đó, có 63 báo cáo viên cấp quận và phường tham gia. Dự kiến, mỗi khu vực của phường sẽ tổ chức 3-4 điểm để lấy ý kiến nhân dân. Từ ngày 20 đến 22-3, các phường và quận tập hợp các phiếu đóng góp ý kiến gởi về Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND thành phố theo quy định.
Trước đó, quận Thốt Nốt đã tổ chức 17 cuộc hội nghị lấy ý kiến của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn, với hơn 1.624 người dự, 379 người phát biểu ý kiến đóng góp các điều khoản quy định trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
* HĐND huyện Cờ Đỏ khẩn trương triển khai, thực hiện kế hoạch về tổ chức lấy ý kiến của hộ gia đình đóng góp Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Toàn huyện có 29.359 phiếu, được phân bổ cho 10 xã, thị trấn trên địa bàn. Trong đó, xã Trung Hưng có số phiếu cao nhất (5.108 phiếu); xã Đông Thắng có số phiếu thấp nhất (1.220 phiếu). Chậm nhất vào ngày 22-3-2013, các xã, thị trấn và huyện sẽ tập hợp số phiếu, gởi đến Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND thành phố theo quy định.
Trước đó, huyện Cờ Đỏ đã tổ chức 101 cuộc hội nghị lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, với 4.230 người tham dự, hơn 1.090 ý kiến đóng góp. Qua các hội nghị, hầu hết các đại biểu đều bày tỏ sự đồng tình và thống nhất cao với việc cần sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm và tham gia đóng góp ý kiến gồm: Chế độ chính trị; quyền con người; quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; một số vấn đề liên quan đến lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường
* Sáng 14-3-2013, Đoàn Trường Đại học Tây Đô tổ chức lấy ý kiến đóng góp Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 bằng phiếu cho đoàn viên của trường.
Tại buổi đóng góp ý kiến, có 300 học sinh sinh viên là đoàn viên của trường được phát phiếu đóng góp ý kiến. Hiện Trường Đại học Tây Đô có khoảng 13.000 học sinh sinh viên, trong đó có khoảng 11.000 là đoàn viên. Sau buổi lấy ý kiến đóng góp này, đơn vị tổ chức sẽ phát phiếu lấy ý kiến đóng góp về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cho số đoàn viên còn lại.
Nội dung ý kiến đóng góp của các đoàn viên tập trung chủ yếu về các quy định của Hiến pháp dành cho học sinh sinh viên.
* Ngày 14-3-2013, UBND quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ) tổ chức Hội nghị lấy ý kiến cán bộ lãnh đạo khối Đảng, Ủy ban MTTQ Việt Nam, đoàn thể, ban ngành cấp quận, Bí thư, Phó Bí thư, Chủ tịch và Phó Chủ tịch cấp phường đóng góp về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Phát biểu tại Hội nghị, lãnh đạo quận Thốt Nốt nhấn mạnh đây là đợt sinh hoạt sâu rộng, các đồng chí thẳng thắn, mạnh dạn đóng góp ý kiến về các quy định trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), tập trung đóng góp vào các nội dung mới, sửa đổi bổ sung. Nhằm phát huy hiệu quả việc sử dụng, khai thác tiềm năng, nguồn lực của đất đai, nâng cao hiệu lực quản lý của nhà nước về đất đai, đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch, thuận tiện cho người sử dụng đất và giải quyết các vướng mắc, bất cập trong quản lý..., Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bao gồm: 14 chương, với 206 điều, so với Luật Đất đai 2003 thì Dự thảo tăng 7 chương, 60 điều. Tại Hội thảo, các cán bộ chủ chốt của quận đã đóng góp một số điều, khoản trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) như: Khoản 1, Điều 14 cần bổ sung thêm "hạn mức công nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp", vì đảm bảo đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của công dân đối với đất nông nghiệp. Tại Điều 35 cần bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp xã, do đây là cấp quy hoạch, quản lý thực tế tại cơ sở và có tầm quan trọng trong quy hoạch. Tại Điều 120 cần bổ sung thêm đối tượng sử dụng đất lâu dài, có công nhận quyền sử dụng đất hoặc khi hết hạn nhưng tiếp tục cho sử dụng, vì đảm bảo hết các đối tượng sử dụng ổn định. Điều 83 Dự thảo cần bổ sung thêm một khoản quy định nội dung như: "Hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất thuộc đối tượng phải di chuyển chỗ ở khác được bố trí tái định cư trước khi giao đất". Ngoài ra, một số đại biểu khác cũng có ý kiến đóng góp xoay quanh các quy định về bảng giá đất, thời hạn sử dụng đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư
Theo kế hoạch, quận Thốt Nốt sẽ tổ chức 24 cuộc lấy ý kiến đóng góp Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cho tất cả tầng lớp nhân dân trên địa bàn và phấn đấu hoàn thành trước ngày 21-3-2013. Từ ngày 26 đến 29-3-2013, quận sẽ tập hợp, hoàn chỉnh báo cáo gởi đến Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố theo quy định.
* Cùng ngày, ông Bùi Hữu Hiền, Phó Giám đốc Công ty Nông nghiệp Sông Hậu đã chủ trì Hội nghị lấy ý kiến cán bộ, công nhân viên đóng góp Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Sau khi được nghe báo cáo viên tóm tắt về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), các cán bộ, công nhân viên của công ty đã đóng góp một số điều, khoản trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) như: Điều 25, những đảm bảo của Nhà nước đối với người sử dụng đất; Điều 50: căn cứ để giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; Điều 121: Đất sử dụng có thời hạn
Một số đại biểu cho rằng các điều khoản quy định về quản lý đất của nông, lâm trường nằm rải rác trong Dự thảo, nên gom các điều khoản này lại thành một chương riêng, để quy định rõ, tránh chồng chéo, dễ thực hiện. Ngoài ra, một số đại biểu kiến nghị nhà nước nên định giá đất theo định kỳ 5 năm 1 lần; thống nhất với quy định về thời hạn giao đất; cần có quy định về chế tài xử lý đối với người nhận khoán đất, nhưng lại không thực hiện nghĩa vụ tài chính trong bao nhiêu năm thì sẽ thu hồi lại đất khoán
Các ý kiến đóng góp của đại biểu sẽ được tập hợp đầy đủ, báo cáo đến UBND huyện theo quy định.
* Đến nay, huyện Cờ Đỏ đã tổ chức 30 cuộc Hội nghị lấy ý kiến của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn đóng góp Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), với hơn 2.944 người tham dự (hoàn thành kế hoạch đề ra).
Các tầng lớp nhân dân quan tâm, tham gia đóng góp ý kiến về: các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; tài chính về đất đai và giá đất
Theo kế hoạch của UBND huyện Cờ Đỏ, từ ngày 15 đến 20-3-2013, huyện sẽ tổng hợp, hoàn chỉnh báo cáo gởi đến Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố theo quy định.
C.H-TM