25/11/2015 - 21:09

Lắng nghe và hành động theo “Trái tim mách bảo”

Đó là thông điệp của tác phẩm văn học nổi tiếng "Follow your heart" ("Trái tim mách bảo") của tác giả người Ý Susanna Tamaro. Đây là cuốn sách được mua nhiều nhất trong thế kỷ 20 tại Ý; được dịch ra gần 40 thứ tiếng và được chuyển thể thành phim.
Sách do NXB Trẻ ấn hành.

"Trái tim mách bảo" được viết dưới dạng nhật ký, đúng hơn là những bức thư của người bà ở Ý viết cho cháu gái đang du học tại Mỹ. Những bức thư ấy không bao giờ được gửi mà là nơi để người bà gần đất xa trời trút hết nỗi niềm, những lời chưa kịp nói với đứa cháu ngoại. Bởi bà sợ rằng: "Sự vắng mặt của người chết không làm chúng ta day dứt bằng những lời chưa kịp nói khi họ đã ra đi" (trang 20).

Con gái bà qua đời khi cháu ngoại còn rất nhỏ, một tay bà nuôi cháu. Tuy nhiên, khi cháu gái càng lớn thì tình cảm của hai bà cháu ngày càng xa cách với những xung đột do khoảng cách thế hệ. Đỉnh điểm là việc cháu gái quyết định du học để được sống xa bà. Sau một cơn đột quỵ và may mắn thoát chết, người bà quyết định viết những bức thư, để phòng khi bà mất, đứa cháu quay về có thể hiểu được tình cảm của bà. Những lời tâm tình của bà được viết bằng những ngôn từ tươi sáng, đẹp đẽ, giàu cảm xúc, đi vào lòng người. Qua những trang thư, cuộc đời và những bí mật của ba thế hệ (bà, mẹ, cháu) được người bà giữ kín bấy lâu nay dần được hé lộ…

Đó là tuổi thơ thiếu thốn tình yêu thương và cuộc hôn nhân không hạnh phúc của bà, sự thật về ông ngoại, về người cha vô danh và người mẹ yếu đuối đoản mệnh của cô bé. Nhưng day dứt hơn cả chính là những nỗi niềm không thể tỏ cùng ai của bà, người phụ nữ chịu nhiều bất hạnh, đau khổ nhưng cả cuộc đời phải kiên cường vượt lên số phận. Những trang thư không chỉ kể về đời người mà còn tái hiện những giai đoạn lịch sử, những đặc trưng văn hóa xã hội của nước Ý và nước Đức trong thế kỷ XX. Trong đó, người bà là một nhân chứng của các cuộc nội chiến, chiến tranh thế giới; là nạn nhân của những lề thói, tư tưởng cổ hủ của xã hội giai đoạn đầu thế kỷ XX; là người chịu nhiều bất hạnh khi những xáo trộn của xã hội tác động tiêu cực đến tình thân gia đình…

Những bức thư ấy còn chứa đựng sự trải nghiệm và triết lý sống của người viết. Chính sự đan xen, lồng ghép khéo léo giữa tình tiết truyện với tâm tư, tình cảm của nhân vật đã tạo nên bố cục đặc biệt cho câu chuyện. Tất cả được tác giả dụng công, bố trí có lớp lang, mỗi bức thư đều có một sự kiện chính được nêu lên hoặc một chi tiết quan trọng được hé lộ. Qua nhiều bức thư, các chi tiết, sự kiện ấy được kết nối, xâu chuỗi thành một câu chuyện đầy đủ, lý giải rõ ràng nhân quả.

Gấp sách lại, những lời dặn dò cuối cùng của người bà với cháu gái sẽ tiếp thêm sức mạnh, niềm tin cho những ai còn hoang mang, bối rối trên đường đời: "Khi có nhiều con đường mở ra trước mắt và cháu không biết nên đi lối nào thì đừng chọn bừa nhé; hãy ngồi xuống và chờ đợi. Hãy thở thật sâu với tất cả niềm tin, như cái cách cháu thở vào ngày mình chào đời ấy, đừng để bất cứ thứ gì làm cháu xao động, hãy đợi, và đợi thêm chút nữa. Hãy ngồi yên, thật im lặng và lắng nghe trái tim của cháu. Và rồi khi nó cất tiếng, hãy đứng lên và đi theo những lời trái tim mách bảo" (trang 214).

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết