04/10/2015 - 15:36

Làng nghề gạch gốm Vĩnh Long kêu cứu !

* Phóng sự: HUỲNH BIỂN

Từ lâu, Vĩnh Long được mệnh danh là "vương quốc" gạch, ngói, gốm đỏ của vùng ĐBSCL. Thời hưng thịnh, Vĩnh Long có hàng ngàn lò gạch, ngói, gốm, thu hút hàng chục ngàn lao động. Vậy mà bây giờ có đến cả ngàn lò gạch, gốm đóng cửa, cả chủ và người làm công phải đi làm thuê làm mướn, buôn gánh bán bưng kiếm sống qua ngày…

* "Đại gia" làm bánh, bán cơm để kiếm sống qua ngày…

Về làng nghề gạch, ngói, gốm Vĩnh Long vào trung tuần tháng 9. Cơn mưa tầm tã của áp thấp nhiệt đới do ảnh hưởng bão số 3 dai dẳng cả ngày. Đi đến các cơ sở gạch, ngói, gốm từng nổi tiếng một thời nay không còn cảnh nhộn nhịp, tất bật mà buồn hiu vắng vẻ. Các miệng lò không phì phò nhả khói mà đã tắt lâu rồi, rêu phong phủ kín.

Ông Cù Văn Trưng ( ấp Cái Chanh, xã Mỹ Phước, huyện Mang Thít), gần 30 năm làm nghề gạch ngói, đã từng một thời là ông chủ 4 lò gạch, trị giá 4-5 tỉ đồng, mỗi tháng lãi hàng chục triệu đồng, tiếp chúng tôi tại nhà kho gạch nay đã hoang tàn, mái nhà kho mục nát, đượm buồn nói: " Thời hoàng kim, một tháng tôi kiếm vài chục triệu dễ lắm! Lúc đó, cơ sở của tôi trị giá 4-5 tỉ đồng, nói bán là có người mua liền nhưng mình nuôi hy vọng đầu tư phát triển cho con cái sau này nên đâu bán làm gì. Không ngờ, thời cuộc đổi thay, đất sét ngày càng khan hiếm, trấu tăng giá, nhân công cũng tăng theo mà giá bán không tăng. Càng làm càng lỗ nên tôi đành ngưng đốt lò…" Ông Trưng cho biết thêm lúc được thời làm đâu được đó, không ngại ngần vay ngân hàng để đầu tư, bây giờ ngưng sản xuất nợ ngân hàng vẫn còn, lãi mẹ đẻ lãi con muốn bán cơ sở sản xuất để có tiền trả nợ ngân hàng cũng không ai mua. Hàng ngày, ông Trưng phụ tiếp với vợ gói bánh ú, bánh tét đem ra chợ bán để kiếm sống qua ngày.

Cảnh đìu hiu ở các lò gạch Vĩnh Long.

Chuyện "đại gia" làng nghề gạch, ngói, gốm Vĩnh Long lâm vào tình cảnh như ông Cù Văn Trưng không ít. Nói đến nghề gốm xuất khẩu Vĩnh Long, ít ai không biết ông Nguyễn Phước Lộc, thường gọi là ông Sáu Lộc (xã Thanh Đức, huyện Long Hồ). Thời hưng thịnh, ông Sáu Lộc được xem là "đại gia" bởi ông là chủ của hai công ty xuất khẩu gốm (Công ty CP Nam Hưng và Công ty gốm đỏ Mekong), là một trong những người tiên phong đầu tư hàng tỉ đồng để sản xuất gốm đất sét (gốm đỏ) xuất khẩu, một doanh nghiệp xuất khẩu gốm và đóng góp ngân sách hàng đầu của Vĩnh Long. Ăn nên làm ra, ông Sáu Lộc mua đất mở rộng sản xuất kinh doanh và xây dựng biệt thự hàng tỉ đồng. Thế rồi, kinh tế thế giới suy thoái, doanh nghiệp nhập khẩu hàng của Sáu Lộc không trả tiền và thị trường xuất khẩu chính yếu của gốm đỏ Vĩnh Long là châu Âu đã ngưng trệ, nghề sản xuất gốm Vĩnh Long điêu đứng, ông Sáu Lộc rơi vào bờ vực phá sản. Không sản xuất kinh doanh được, trong khi còn nợ ngân hàng hàng tỉ đồng, vốn nợ gốc chưa trả được lại bị phạt thêm tiền nợ quá hạn nên tài sản các công ty của ông Sáu Lộc đã bị ngân hàng đem ra đấu giá. Cả căn biệt thự để gia đình ở cũng bị bán để trả nợ ngân hàng. Bao nhiêu năm dày công xây dựng cơ nghiệp đã tan thành mây khói, vốn liếng không còn, giờ đây, hàng ngày ông Sáu Lộc đành đi bán cơm phục vụ cho công nhân may mặc…

Hơn 10 năm trước, đến Doanh nghiệp tư nhân Tự Lực (xã Mỹ Phước, huyện Mang Thít) lúc nào cũng thấy không khí hối hả sản xuất, mỗi năm xuất khẩu sang Singapore hàng chục container ngói, trái ngược hoàn toàn với cảnh đìu hiu hiện tại. Hôm chúng tôi đến thăm, ông Đào Văn Triệu, Doanh nghiệp tư nhân Tự Lực không có nhà. Vợ ông Triệu buồn bã: "Không biết ổng đi đâu nữa. Từ ngày làm ăn thua lỗ, không sản xuất nữa, thua buồn ổng hay đi khỏi nhà lắm!". Còn ông Liễu Cẩm Hưng, ông chủ cơ sở Vạn Nam Hưng, vốn là con nhà nòi của nghề gạch ngói, cha mẹ ông khởi nghiệp gạch ngói từ những năm 1968, rồi truyền nghề lại cho ông đến hôm nay, cho biết: "Lúc làm ăn được, mấy lò gạch tôi mỗi tháng kiếm vài chục triệu đồng khỏe re! Cất nhà, mua xe hơi còn được nói chi tiêu xài. Bây giờ, nghề gạch ngói khó khăn lắm, càng làm càng lỗ, tôi đành lấy nhà xưởng làm gạch trước đây cho người ta thuê đóng xà lan mỗi tháng được 10 triệu đồng để xoay xở cuộc sống hàng ngày…".

* Hãy "tiếp lửa" cho làng nghề

Nghề sản xuất gạch, ngói xuất hiện tại Vĩnh Long vào đầu thế kỷ XIX, ở khu vực Nam sông Cổ Chiên. Đến những năm giữa thế kỷ XX, toàn tỉnh có 39 lò hoạt động sản xuất gạch ngói nung, lao động làm gạch ngói, tại thời điểm đó có khoảng 600-800 người. Đến những năm đầu thế kỷ XXI, số lượng lò gạch tăng mạnh lên 2.284 miệng lò. Còn nghề gốm mỹ nghệ ra đời từ năm 1983 và phát triển mạnh từ năm 1997. Gốm mỹ nghệ Vĩnh Long có hàng ngàn mẫu mã khác nhau đã có mặt nhiều châu lục và nhiều nước trên thế giới như châu Âu, Mỹ, Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản… với sản lượng sản xuất gần 50 triệu sản phẩm/năm, trở thành thương hiệu nổi tiếng "Gốm đỏ Vĩnh Long". Vĩnh Long đã công nhận 7 làng nghề sản xuất gạch ngói gốm mỹ nghệ, trong đó huyện Mang Thít có 6 làng nghề. Giá trị sản lượng của ngành nghề sản xuất gạch ngói chiếm 37,19% tổng giá trị sản lượng ngành nghề nông thôn và chiếm 56,88% giá trị sản lượng nhóm ngành sản xuất vật liệu xây dựng của tỉnh Vĩnh Long.

Mặc dù nghề gạch, ngói, gốm Vĩnh Long nổi tiếng như vậy nhưng hầu hết công nghệ thủ công; tiêu hao nhiều nguyên, nhiên liệu, gây ô nhiễm môi trường; chi phí giá thành cao, qui mô nhỏ; trình độ quản lý, kinh doanh tiếp thị của doanh nghiệp còn nhiều hạn chế… Vì vậy, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28-4-2010 và Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 16-4-2012, nêu rõ chủ trương khuyến khích sản xuất và ưu tiên sử dụng vật liệu không nung, hạn chế sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung, tiếp tục xây dựng lộ trình phù hợp với từng địa phương để sớm chấm dứt sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công gây ô nhiễm môi trường, UBND tỉnh Vĩnh Long đã xây dựng đề án "Tổ chức lại ngành sản xuất gạch gốm Vĩnh Long" và ban hành Quyết định "Kế hoạch phát triển vật liệu không nung đến năm 2020 và lộ trình thay thế lò gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long". Mục tiêu của đề án là tổ chức lại ngành sản xuất gạch gốm và phát triển vật liệu xây không nung phù hợp với tình hình điều kiện sản xuất của địa phương và phù hợp với quy định của nhà nước. Cụ thể là hỗ trợ 98 doanh nghiệp, cơ sở duy trì sản xuất gạch, gốm có đủ điều kiện thực hiện xong chuyển đổi sang công nghệ nung mới theo hướng giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm nguyên, nhiên liệu, tăng năng lực cạnh tranh của sản phẩm gạch, gốm; hỗ trợ 20 doanh nghiệp, cơ sở có đủ điều kiện thực hiện chuyển đổi sang nghề sản xuất vật liệu xây không nung… Giai đoạn 2013-2015 cần 9-12 dây chuyền sản xuất vật liệu xây không nung công suất 10 triệu viên/năm để đáp ứng sản lượng 90-120 triệu viên vào cuối năm 2015. Giai đoạn 2016-2020 đầu tư mới 6-8 dây chuyền sản xuất vật liệu không nung công suất 10 triệu viên/năm để đáp ứng sản lượng 150-200 triệu viên vào cuối năm 2020. Theo đề án này, sẽ hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất vật liệu không nung phù hợp quy hoạch tối đa 70% giá trị dây chuyền sản xuất gạch không nung; hỗ trợ lãi suất vay vốn đầu tư sản xuất vật liệu không nung 50% lãi suất vốn vay đầu tư của doanh nghiệp, thời gian hỗ trợ lãi suất 3 năm, kể từ ngày đầu tư xây dựng nhà máy…

Mặc dù UBND tỉnh Vĩnh Long đã ban hành đề án từ năm 2013 nhưng đến nay chưa có doanh nghiệp, cơ sở gạch, ngói, nào chuyển sang vật liệu không nung. Ngay cả ở huyện Mang Thít, nơi nổi tiếng có đến 6 làng nghề gạch, gốm của tỉnh Vĩnh Long, cũng vẫn "án binh bất động". Theo Ông Trương Chí Thiện, Trưởng phòng Công Thương huyện Mang Thít, 5 năm qua, toàn huyện có 381 cơ sở, với 998 lò ngừng hoạt động, gần 7.000 lao động nghề gạch gốm phải chuyển đổi sang nghề khác để kiếm sống, nhưng đến nay trên địa bàn huyện Mang Thít vẫn chưa có doanh nghiệp, cơ sở gạch nào chuyển sang công nghệ không nung. Nguyên do một phần là do các chủ cơ sở sản xuất gạch, gốm giờ đây đã cạn vốn, không tiền trả nợ ngân hàng, lấy đâu ra tiền để đầu tư thay đổi công nghệ mới, trong khi muốn vay tiền ngân hàng để đầu tư lại thì phải trả xong nợ cũ. Điều này được ông Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Ngân hàng nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mang Thít, xác nhận: "Hiện tại, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gạch ngói đã ngưng hoạt động không có tiền trả nợ ngân hàng nữa, nếu không khoanh nợ với các đối tượng này thì rất khó cho ngân hàng và cả người vay. Vì thế, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, UBND tỉnh Vĩnh Long cần sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn để có thể tiếp tục giữ lại làng nghề truyền thống".

Tạm biệt làng nghề gạch, gốm Vĩnh Long đã một thời vang bóng, đi về trên con đường cặp sông Cổ Chiên, vốn là nơi tọa lạc những cơ sở gạch gốm Vĩnh Long, trong chiều mưa. Các lò gạch, gốm đã tắt lửa từ lâu đang chìm trong bóng mưa, chưa biết bao giờ được tiếp lửa trở lại với không ít nỗi niềm, trăn trở của những chủ nhân làng nghề. Mong ước rồi đây, chính quyền địa phương, cùng các ngành liên quan, ngân hàng và các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất gạch, gốm sớm tìm được giải pháp tháo gỡ cho làng nghề truyền thống để chuyển đổi thực hiện theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ. Đó không chỉ làm sống lại làng nghề truyền thống vốn thế mạnh của Vĩnh Long mà còn là cứu cánh cho hàng chục ngàn lao động nông thôn đã từng làm nghề gạch gốm trước đây không phải tha phương, đi làm thuê, làm mướn để lo cơm, áo, gạo, tiền…

Chia sẻ bài viết