18/05/2025 - 09:42

Cần bổ sung cơ chế giám sát việc mua sắm phục vụ đổi mới sáng tạo 

(CTO) - Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Cần Thơ góp ý về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật, gồm: Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công và Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Chiều 17-5, Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Điện Biên, Trà Vinh, Cao Bằng (Tổ 8) thảo luận ở Tổ về: dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam; dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung

một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (1 luật sửa 7 luật).


Các ĐBQH thảo luận tại Tổ 8.

Tại phiên thảo luận, ĐBQH Đào Chí Nghĩa (TP Cần Thơ) bày tỏ sự nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật, gồm: Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công và Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Theo đại biểu, việc tích hợp sửa đổi các luật nói trên trong một luật chung là bước đi phù hợp, nhằm hoàn thiện thể chế phục vụ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đây cũng là giải pháp để tháo gỡ những vướng mắc, bất cập phát sinh trong thực tiễn quản lý và thực thi chính sách, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo đúng định hướng của Đảng và Nhà nước. Cần bổ sung cơ chế đặc biệt về nhập quốc tịch như yêu cầu của Nghị quyết 57-NQ/TW nhằm thu hút các nhà khoa học đầu ngành, "tổng công trình sư" trong và ngoài nước để triển khai các nhiệm vụ trọng điểm quốc gia về khoa học, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.


ĐBQH Đào Chí Nghĩa (TP Cần Thơ) phát biểu thảo luận tại Tổ.

Góp ý nội dung sửa đổi Luật Đấu thầu, ĐBQH Đào Chí Nghĩa đánh giá cao việc quy định cho phép cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được tự quyết định mua sắm trong một số trường hợp, đặc biệt là các hoạt động liên quan đến khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Quy định này sẽ giúp tăng tính linh hoạt, phù hợp với thực tiễn triển khai các nhiệm vụ đổi mới sáng tạo, nhất là khi không sử dụng nguồn ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, việc dự thảo chỉ yêu cầu các đơn vị "bảo đảm đầy đủ chứng từ, hóa đơn" nhưng lại chưa làm rõ cơ chế giám sát, kiểm tra là chưa đủ chặt chẽ. Điều này có thể tạo kẽ hở cho tình trạng lạm dụng, thiếu minh bạch hoặc thất thoát tài sản công.

Vì vậy, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung quy định về cơ chế giám sát và kiểm tra đối với các trường hợp tự quyết định mua sắm. Cụ thể, có thể yêu cầu báo cáo định kỳ hoặc thực hiện kiểm toán độc lập nhằm bảo đảm tính minh bạch và hiệu quả sử dụng nguồn lực.

Hà Lan - Lâm Tân

Chia sẻ bài viết