10/10/2014 - 14:31

Làng cổ bên dòng Ô Lâu

Làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế đang là điểm dừng chân hấp dẫn của du khách khi đến xứ Huế. Làng vẫn giữ được khá nguyên vẹn những nét đẹp truyền thống của làng cổ vùng văn hóa Huế và miền Trung với không gian xanh mát, bình yên.

Cách trung tâm TP Huế khoảng 40 km về phía Tây Bắc, làng Phước Tích nằm bên hạ lưu sông Ô Lâu, dòng sông uốn quanh như bao bọc làng và tạo thành ranh giới giữa tỉnh Thừa Thiên Huế với tỉnh Quảng Trị. Chứng nhân lịch sử của làng Phước Tích là hơn 100 ngôi nhà cổ, trong đó có đến 37 nhà rường có tuổi trên 100 năm và các đền miếu gần như nguyên vẹn. Đặc biệt, có 12 ngôi nhà rường thuộc loại quý hiếm, tuổi thọ từ 150 đến 200 năm với những kèo cột, hoành phi được chạm trổ tinh xảo. Làng có khoảng 20 nhà thờ họ, phái; có nhà được làm mới, có nhà lưu giữ nguyên vẹn nét kiến trúc cổ. Các nhà thờ họ của làng có 2 kiểu kiến trúc: một kiểu là xây đối lưng vào mặt trước điện chính, được gọi là điện ngoài hay điện lễ; một kiểu chỉ có điện chính đứng độc lập. Hầu hết các điện chính vẫn còn giữ kiến trúc gỗ truyền thống; ở vị trí trung tâm thờ vị tổ tiên đời đầu, hai bên thờ các vị tổ tiên đời kế tiếp, phân chia theo nam, nữ. Những nhà thờ họ là nơi con cháu tụ họp những dịp cúng kiếng.

Theo sách xưa, làng Phước Tích được thành lập từ thời Vua Lê Thánh Tông, cách đây khoảng 544 năm. Dấu tích văn hóa Chămpa còn sót lại với những ngôi miếu quy mô nhỏ, xây bằng gạch; nhiều ngôi miếu nằm trong khuôn viên nhà dân chứng tỏ miếu được xây dựng trước khi dân đến lập làng. Trong số đó, ngôi miếu cổ với tuổi đời trên 500 năm, nằm ở ngã ba trung tâm làng dưới tán cây thị cổ- thường được gọi là miếu Cây thị- là cảnh quan tâm linh tiêu biểu của Phước Tích. Ngôi miếu khá nhỏ, mặt chính diện có bình phong trang trí hình chim phụng, hai bên cửa có vòm để đi vào, trên các trụ cổng được ghép bằng sành sứ với những câu đối chữ Hán.

Một ngôi nhà cổ trong làng Phước Tích.

Đi từ đầu làng, nằm trên con đường chạy dọc bờ sông là những nhà thờ họ, thánh thất, đình chùa, văn thánh, phía trong là nhà dân. Làng có ba phía giáp với sông, hệ thống bến nước phân bố từ đầu đến cuối làng với tên gọi gắn liền với địa danh, như: bến Hội, bến Cầu, bến Cây thị, bến Cạn, bến Đình, bến Lau, bến Cây bàng… Chạy quanh co khắp làng là những con đường với hàng chè tàu, tạo nên không gian xanh mát. Ranh giới giữa những ngôi nhà cũng là hàng chè tàu hay cây hóp. Trong khuôn viên nhà là các loại cây ăn trái, tạo không gian tràn ngập màu xanh yên ả. Nhà trong làng Phước Tích thường được xây theo mô típ: nhà chính (nhà trên), phòng ngủ và nhà dưới (bếp, nhà ăn, nhà vệ sinh…). Vách ngăn giữa phòng chính và phòng bên hông hay các kẻ (dầm đơn đặt theo phương chéo của mái nhà) được trang trí họa tiết điêu khắc tinh xảo, phần đầu các thanh xà cũng được điêu khắc. Ở một số nhà, chân cột (phần tiếp giáp với đá lót nền) có đế hình bát giác cùng các họa tiết điêu khắc.

Phước Tích được xem là một làng gốm tiêu biểu của miền Trung. Nghề làm gốm của làng bắt đầu từ thế kỷ thứ XV. Đồ gốm của làng Phước Tích không tráng men, chủ yếu là các sản phẩm lu, hũ, ang, chum, vại,… Sau này, nhờ giao thương phát triển, làng gốm còn cho ra các sản phẩm trang trí như lọ hoa, ấm tách… Ngày nay, nghề gốm không còn là nghề chủ đạo trong cuộc sống của người dân Phước Tích, mà chủ yếu là để phục vụ du lịch. Du khách đến đây có thể ngắm nhìn đồ gốm cổ hay trải nghiệm làm thợ gốm. Ngoài ra, làng còn có nghề làm dầu chuồn (dùng để thắp đèn), nghề mộc… Phước Tích rất ít đất canh tác, phần lớn thanh niên và người trung niên đi học hoặc đi làm ăn xa, chỉ còn người già và trẻ nhỏ ở lại làng. Vì vậy, những ngày thường, làng rất yên vắng. Dân làng chỉ quây quần đông đủ vào những ngày lễ, Tết hay giỗ chạp. Hằng năm, làng cổ Phước Tích diễn ra nhiều lễ hội phong phú như: Lễ Tảo mộ âm hồn (15-1 âm lịch); Lễ Kỳ viên (16-6 âm lịch); Lễ Kỵ ngài Khai canh và ngài Bổn Nghệ (ngày 5-11 âm lịch)…

Phước Tích là ngôi làng thứ 2 của Việt Nam (cùng với làng cổ Đường Lâm- Hà Nội) được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia và là 1 trong 5 ngôi làng đẹp nhất Việt Nam. Du khách miền Tây có thể đến làng Phước Tích bằng đường bộ, đường sắt (từ TP Hồ Chí Minh). Đặc biệt, với tuyến bay Cần Thơ- Đà Nẵng, du khách chỉ cần hơn 1 giờ để đến Đà Nẵng, sau đó nối tuyến khoảng 120km để đến Huế, là có thể bước vào không gian làng cổ Phước Tích.

Bài, ảnh: Nam Hương

Chia sẻ bài viết