03/07/2009 - 20:15

Làm thế nào sống sót khi máy bay rơi?

Câu hỏi này được nhiều người đặt ra sau khi tin tức bé gái 14 tuổi sống sót một cách thần kỳ trong vụ rớt máy bay Yemen được truyền đi khắp thế giới. “Tôi nghĩ không có biện pháp nào bảo đảm khả năng sống sót. Nó chủ yếu dựa vào yếu tố may mắn và cách máy bay rơi thế nào mà thôi”, chuyên gia John Eakin, giám đốc công ty Nghiên cứu dữ liệu hàng không ở Texas (Mỹ), cho biết.

Xác máy bay của hãng United Airlines rơi ở bang Iowa (Mỹ) năm 1989. Ảnh: AFP 

Chưa kể bé Bahia Bakari trong vụ tai nạn máy bay Yemen trên Ấn Độ Dương hôm
30-6, từ năm 1970 đến nay có 12 vụ rớt máy bay có một người may mắn sống sót, theo thống kê của Tiến sĩ Todd Curtis, Giám đốc Quỹ An toàn bay Airsafe.com. 5 trong số họ là trẻ em và 4 là thành viên phi hành đoàn, chiếm 75% tổng số người sống sót. Theo Curtis, vị trí của phi hành đoàn, trong buồng lái và gần cửa sổ, có lẽ là yếu tố quyết định sự sống còn của họ. Nhưng Eakin cho rằng chỗ ngồi của một người chỉ định đoạt khả năng sống sót khi nó nằm xa vị trí va chạm. “Tôi nghĩ là không có bất kỳ kiểu máy bay hay vị trí đặc biệt nào trên máy bay mang lại khả năng sống sót nhiều hơn, bởi nó phụ thuộc rất nhiều vào cách máy bay gặp nạn. Có khi những người sống sót toàn ngồi ở phần đuôi hoặc có khi ở phần đầu máy bay”, Eakin nói.

Trong khi đó, một bài báo đăng trên tạp chí Popular Mechanics năm 2007, do nhà nghiên cứu hàng không David Noland thực hiện, lại thể hiện quan điểm trái ngược. Sau khi phân tích 20 vụ tai nạn máy bay ở Mỹ, trong đó có ít nhất 1 người sống sót và 1 người tử nạn, Noland cho biết chỗ ngồi càng gần đuôi máy bay thì càng an toàn. Theo đó, tỷ lệ sống sót lần lượt là 49% và 56% đối với những người ngồi ở khoang hạng nhất và khu vực phía trên hoặc trước cánh máy bay. Hành khách ngồi ở phần sau cánh máy bay được cho có tỷ lệ sống sót cao nhất, tới 69%.

“Khi một vật va chạm với vật khác đang di chuyển với tốc độ nhanh, phần đầu thường hư hỏng nhiều hơn phần đuôi”, Noland lý giải. Theo ông, ngay cả với những kiểu va đụng khác, ví dụ như trường hợp máy bay phải hạ cánh khẩn cấp vì đường băng bị quá tải, nó cũng phải tiến về phía trước, do đó, phần đầu chịu tác động nhiều nhất. “Đó là lý do vì sao người ta thường đặt các hộp đen ở đuôi máy bay”, Noland nói thêm.

Theo Tiến sĩ Curtis, khi tai nạn xảy ra, những loại máy bay lớn (như Boeing 747, 777 và Airbus A310, A330) thường có nhiều người sống sót so với máy bay nhỏ hơn. Còn Eakin thì cho rằng ở gần lối thoát hiểm là yếu tố lớn nhất quyết định cơ hội sống sót. Cả hai muốn đề cập vụ máy bay của hãng United Airlines (Mỹ) rơi ở bang Iowa tháng 7-1989. Băng ghi hình cho thấy chiếc DC-10 đã lộn nhào xuống đường băng khi đang cố hạ cánh nhưng có đến 185 người trong tổng số 296 người trên máy bay may mắn sống sót. Theo ông, nếu máy bay gặp nạn mà còn cơ hội sống sót, thách thức kế tiếp là hành khách phải thoát ra khỏi máy bay. “Tôi nghĩ trong vụ tai nạn trên, rất nhiều người đã thoát hiểm qua những lổ hỏng trên thân máy bay”, Eakin nói. Hay như vụ máy bay rơi xuống sông Hudson ở New York hôm 15-1-2009 mà không ai thiệt mạng và số người bị thương cũng rất ít, dù dòng nước lạnh tràn vào máy bay rất nhanh. Còn Curtis thì cho rằng việc ở gần thiết bị và nhân viên cứu hộ cũng là yếu tố quan trọng giúp hành khách sống sót khi thảm họa xảy ra.

THANH TRÚC (Theo CNN)

Chia sẻ bài viết