08/11/2011 - 15:26

Làm thế nào để học tốt tiếng Anh

Trong xu thế hội nhập quốc tế, biết thêm một ngôn ngữ ngoài tiếng mẹ đẻ là hết sức quan trọng. Trong đó, tiếng Anh được xem là ngôn ngữ thông dụng nhất. Nhưng để học ngoại ngữ, trong đó có tiếng Anh, đạt hiệu quả thì không chỉ có sự đam mê, chuyên cần của người học mà còn cần nhiều yếu tố khác...

Đam mê

Trong kỳ thi TOEIC do Trường Cao đẳng Nghề Việt Mỹ- phân hiệu Cần Thơ (VATC), đăng cai tổ chức cuối tháng 9-2011 vừa qua, theo đề thi của TOEIC VN, thí sinh Huỳnh Tấn Tài, sinh viên năm thứ nhất ngành Bác sĩ đa khoa, Trường Đại học (ĐH) Y Dược Cần Thơ, đạt 910 điểm TOEIC (điểm tối đa của kỳ thi TOEIC là 990 điểm). Gặp Tài một buổi tối giữa tháng 10-2011 tại VATC, Tài cho biết: “Mỗi ngày, tôi học vài từ vựng. Nếu thích từ nào, tôi sẽ dành nhiều thời gian học từ đó hơn. Học từ vựng không chỉ thường xuyên luyện viết, mà còn xem xét từ đã học trong câu hoặc ngữ cảnh nào đó. Còn khi luyện nghe, ngoài việc học qua giáo trình, sách vở, tôi còn dành thời gian lên mạng Internet xem kênh truyền hình nước ngoài...”.

Tương tự, bạn Nguyễn Thanh Duy, sinh viên năm thứ 4 ngành Ngoại thương, Khoa Kinh tế và Quản trị kinh doanh, ĐH Cần Thơ, thí sinh đứng hạng Nhì trong kỳ thi TOEIC, với 890 điểm. Duy cho rằng: “Không chỉ tiếng Anh mà các môn học khác cũng thế, mình có yêu thích thì mới học tốt, đạt hiệu quả”. Gia đình Duy sống tại trung tâm TP Cần Thơ, so với các bạn khác, Duy có điều kiện học ngoại ngữ hơn. Ngay từ năm học lớp 6, Duy đã yêu thích và luyện học ngoại ngữ tại VATC. Năm học lớp 9, Duy luyện thi tiếng Anh tại Trung tâm Ngoại ngữ, ĐH Cần Thơ, đến năm lớp 11, Duy lấy bằng C ngoại ngữ, do ĐH Cần Thơ cấp. Để đạt kết quả tốt, ngoài các giờ lên lớp, Duy dành nhiều thời gian để tự học, thông qua mạng internet (đọc và luyện nghe). Thanh Duy bộc bạch: “Gần 4 năm trước, kỳ thi trắc nghiệm TOEIC đầu vào dành cho sinh viên khóa mới do ĐH Cần Thơ đăng cai tổ chức, tôi chỉ đạt 460 điểm. Lúc đó, tôi cũng hơi buồn, vì thấy rằng mình vẫn còn yếu phần nghe - đọc. Từ đó, tôi dành thời gian luyện tập nhiều hơn...”.

 Nguyễn Thanh Duy và Vũ Ngọc Anh Thư (trái) đang trao đổi bài học Anh văn tại VATC.

Em Vũ Ngọc Anh Thư, học sinh lớp 9, Trường THCS Lương Thế Vinh (TP Cần Thơ), thí sinh xếp hạng Ba, với 745 điểm TOEIC, đến với việc học tiếng Anh bằng sự say mê qua những chương trình hoạt hình, bài hát nước ngoài và sự đầu tư từ gia đình. Theo Anh Thư, bên cạnh sự quan tâm lo lắng của cha mẹ, Thư còn có thuận lợi là chị hai của Thư rất giỏi tiếng Anh, giúp Thư nhiều trong việc ôn luyện nhiều hơn. Vì vậy mà năm lớp 4, em đã lấy bằng A tiếng Anh (do ĐH Cần Thơ cấp). Lớp 7 em lấy bằng Toeicbridge và lớp 8 lấy bằng Cambridge, với số điểm khá cao (83/100 điểm)...

Cần đầu tư căn cơ

Theo ông Phan Thanh Thái, Phó Giám đốc đào tạo VATC, để học ngoại ngữ tốt, người học còn phải có năng khiếu, bền chí và có thời gian đầu tư cho việc học. Bên cạnh đó, chương trình đào tạo, giáo viên dạy ngoại ngữ phải chuẩn, có chất lượng thì mới đạt hiệu quả cao.

Thực tế cho thấy, những học sinh đạt điểm cao trong các kỳ thi do VATC đăng cai tổ chức, phần lớn đều được phụ huynh quan tâm đầu tư từ rất lâu. Chẳng hạn như, Nguyễn Hữu Gia Bảo (học sinh Trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng), Trần Nguyễn Nam Phương (học sinh Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, TP Cần Thơ)... đã giành được suất học bổng toàn phần do VATC cấp, tài trợ khóa học tiếng Anh miễn phí suốt đời. Trong đó, Nam Phương được xem là “thần đồng” tiếng Anh, bởi mới lên 6 tuổi, Phương đã đạt được 4 chứng chỉ tiếng Anh của ĐH Cambridge, với kết quả rất ấn tượng: 4 tuổi đạt Starters điểm 15/15, 5 tuổi đạt Movers 13/15 điểm, Flyers 13/15 điểm và 6 tuổi đạt Ket với số điểm 83/100 điểm. Ngoài năng khiếu giỏi tiếng Anh, bé Phương sẽ khó có thể thành công nếu không có sự chăm bồi, đầu tư của cha mẹ. Khi lên 2 tuổi, gia đình thấy Phương có năng khiếu ngôn ngữ đặc biệt nên đã dạy cho em học từ vựng tiếng Anh; sau đó tìm trường cho Phương học, khi mới được 3 tuổi. Hằng ngày, ngoài việc học tại trường, về nhà, mẹ Phương dạy thêm tiếng Anh song song với tiếng Việt; mua thêm sách vở, đĩa tiếng Anh... để Phương có thể tiếp cận từ từ với ngôn ngữ này.

Về điều này, Huỳnh Tấn Tài thừa nhận: “Gia đình tôi ở vùng quê của huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang. Khi tôi còn học cấp II, tiếng Anh không phải là môn học bắt buộc. Do yêu thích môn học này nên tôi nỗ lực học tập rất nhiều. Gia đình tôi cũng đầu tư mua thêm sách vở, băng đĩa... để tôi học ngoại ngữ”. Nhờ vậy, năm học lớp 6, 7, Tài đã tự luyện học tiếng Anh và đạt học sinh giỏi tiếng Anh (giải Nhì) toàn huyện. Tương tự, em Vũ Ngọc Anh Thư cho rằng: “Cha mẹ thường khuyến khích hai chị em em học ngoại ngữ. Em và chị hai cần gì ba mẹ cũng lo cho bằng được, từ quyển tập, cuốn sách, giáo trình... Nhờ vậy, em và chị đều ráng học để khỏi phụ lòng cha, mẹ. Hiện tại, chị hai em đã tốt nghiệp ĐH Thú y, Trường ĐH Cần Thơ và tự “săn” học bổng du học thạc sĩ ở nước ngoài. Còn em sẽ cố gắng năm học tới thi vào THPT Châu Văn Liêm”.

Theo ông Phan Thành Thái, hiện nay có nhiều phụ huynh ở tận Ô Môn, Phong Điền,... đã không ngại đường xa, khó khăn chở con đi học tiếng Anh buổi tối ở VATC và chờ đến khoảng 2 tiếng đồng hồ để rước con về... Còn theo thạc sĩ Nguyễn Phương Quân, giảng viên Khoa Ngoại ngữ, Trường Cao đẳng Cần Thơ, việc học tiếng Anh là một quá trình tích lũy lâu dài, đòi hỏi có sự đam mê và quyết tâm cao. Đặc biệt là cần có một môi trường “thực tập thường xuyên” để sử dụng tiếng Anh liên tục, mới có thể phát huy hiệu quả ngôn ngữ thứ hai, sau tiếng mẹ đẻ.

Tiếng Anh không chỉ là công cụ giao tiếp mà còn là “chìa khóa” để mở kho tàng tri thức của nhân loại. Tuy nhiên, để học tốt ngoại ngữ nói chung, tiếng Anh nói riêng, bên cạnh sự say mê, cần cù chịu khó trong học tập, rèn luyện thì yếu tố quan trọng không kém là cần có môi trường sư phạm tốt, cũng như sự đầu tư căn cơ từ phía gia đình học sinh.

Bài, ảnh: N.NGÂN

Chia sẻ bài viết