27/11/2014 - 20:11

Làm thế nào để du khách tìm đến Hậu Giang?

Đó là nội dung của buổi tọa đàm “Du lịch Hậu Giang tiềm năng và phát triển” trong khuôn khổ “Ngày hội Văn hóa Thể thao Du lịch đồng bào Khmer Nam bộ” lần thứ VI được tổ chức tại TP Vị Thanh, Hậu Giang từ ngày 27-11 đến ngày 29-11-2014.

Theo thống kê của ngành du lịch Hậu Giang, trên địa bàn tỉnh có 6 khu và điểm du lịch đã đi vào hoạt động; 9 điểm du lịch đang kêu gọi đầu tư. Đặc biệt, Hậu Giang có 9 điểm di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, bao gồm: Khu di tích tỉnh ủy Hậu Giang (xã Phú Hữu); Di tích Nam kỳ khởi nghĩa (xã Phú Hữu A, huyện Châu Thành); trụ sở Liên hiệp đình chiến Nam bộ và khu căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ (xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp); Di tích chiến thắng Tầm Vu (xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A); Đền thờ Bác Hồ (xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ); Di tích chiến thắng 75 tiểu đoàn Ngụy (xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ). Ngoài ra còn có “Khu trù mật Vị Thanh- Hỏa Lựu; Di tích tội ác Mỹ- Diệm tàn sát đồng bào” và “Địa điểm Chiến thắng Vàm Cái Sình” (TP Vị Thanh). Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Duy Cần, Khoa Nông nghiệp nông thôn, Trường Đại học Cần Thơ, cho rằng, tiềm năng du lịch ở Hậu Giang là rất lớn. Vì vậy, Hậu Giang cần có chiến lược đầu tư, chú trọng du lịch trí tuệ. Đặc biệt với lợi thế có nhiều di tích lịch sử, Hậu Giang cần tập trung phát triển du lịch “đỏ” (các điểm di tích lịch sử).

Ông Nguyễn Duy Tân, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Ngoài các di tích, Hậu Giang còn là một vùng quê giàu sản vật, nổi bật như: khóm Cầu Đúc, bưởi năm roi Phú Hữu, quýt đường Long Trị, các món ăn được chế biến từ cá thác lác. Đặc biệt, Hậu Giang là vùng đất có sự giao thoa về văn hóa của 3 dân tộc anh em: Kinh, Hoa, Khmer nên có sự phong phú về tín ngưỡng, phong tục, tập quán… Ngày nay, Hậu Giang còn nổi bật với những cảnh đẹp, như: Bờ kè Xà No, Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, rừng tràm Vị Thủy… Hầu hết đại biểu tham dự tọa đàm đều cho rằng tiềm năng phát triển du lịch của Hậu Giang còn rất lớn. Thực tế cho thấy, sau hơn 10 năm chia tách, du lịch Hậu Giang đang chuyển mình đi lên, tìm cho mình một lối đi riêng phù hợp với tiềm năng vốn có là những vườn trái cây trĩu quả; là trái khóm Cầu Đúc xù xì nhưng ngọt lịm tình người, tình đất Hậu Giang; là bài vọng cổ “Tình anh bán chiếu”, buồn tha thiết nhưng luôn thu hút người nghe, làm cho khách du lịch khi đến Hậu Giang phải tìm đến chợ nổi Ngã Bảy để một lần hiểu được tâm tình của anh bán chiếu…

 Một góc TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang.

Không thể phủ nhận tiềm năng du lịch sẵn có của Hậu Giang, nhưng phải nhìn nhận rằng, tỉnh Hậu Giang không có tài nguyên du lịch nổi tiếng sẵn có như một số tỉnh, thành trong khu vực, như: TP Cần Thơ có Bến Ninh Kiều, tỉnh An Giang có Núi Cấm, lễ hội Vía Bà Chúa Xứ… Vậy làm thế nào để phát triển du lịch là một điều không dễ dàng đối với một tỉnh còn non trẻ như Hậu Giang.

Tại buổi tọa đàm, không ít đại biểu đã nêu những ý kiến đề xuất để ngành du lịch Hậu Giang tập trung thực hiện trong thời gian tới. Điều có thể nhận thấy đầu tiên là về cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch. Theo ông Nguyễn Duy Tân, hệ thống cơ sở lưu trú du lịch trên toàn tỉnh có khoảng 100 cơ sở với trên 1.000 phòng, riêng TP Vị Thanh có 18 cơ sở với trên 300 phòng nhưng cả tỉnh không có khách sạn nào đạt hạng sao. Các điểm du lịch hiện có thì đơn điệu, trùng lắp. Lượng khách đến Hậu Giang bình quân khoảng trên 100.000 người, trong đó, khách quốc tế chỉ khoảng 4.000 người trong suốt cả năm. Trong khi đó, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch còn hạn chế. Kinh phí từ ngân sách Nhà nước chi khoảng 100 triệu đồng/ năm nên khó có những hoạt động chuyên sâu, hiệu quả… Còn theo ông Châu Bỉnh Khung, Phó Chủ tịch Hiệp Hội Du lịch ĐBSCL, các điểm du lịch hiện nay ở Hậu Giang chưa thực sự thu hút và hiệu quả. Đồng tình với quan niệm này, ông Lê Phú Dũng, Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH Một thành viên Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, những điểm du lịch hiện nay ở Hậu Giang không mới, không khác biệt so với các điểm du lịch cùng chủ đề giống nhau ở vùng sông nước ĐBSCL. Vì vậy, ngành du lịch Hậu Giang cần xây dựng được những sản phẩm du lịch có nét riêng, đặc thù. Chẳng hạn, điểm du lịch vườn cây ăn trái thì loại trái cây ở Hậu Giang khác với cây ăn trái ở vườn du lịch Tiền Giang như thế nào?

Ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp Hội Du lịch Việt Nam thì cho rằng, cơ sở lưu trú cần đầu tư phát triển nhưng phải chú ý đến sự đa dạng về sản phẩm du lịch và vấn đề an ninh, an toàn thực phẩm… Ông Lê Phú Dũng khẳng định thêm: “Trong khi chờ kinh phí để đầu tư khách sạn đạt sao thì Hậu Giang nên phát triển mô hình du lịch Homestay và các mô hình du lịch thôn quê để thu hút khách nước ngoài. Tuy nhiên, muốn thu hút được du khách nước ngoài, Hậu Giang cũng phải cố gắng đào tạo nguồn nhân lực du lịch có chất lượng và biết ngoại ngữ”. Riêng Phó Giáo sư Tiến sĩ, Nguyễn Duy Cần, Trường Đại học Cần Thơ, thì cho rằng, khi phát triển du lịch nông thôn, ngành du lịch nên chú ý việc tái đầu tư chứ không phải chỉ chú trọng khai thác đến kiệt quệ, du khách sẽ không trở lại nữa.

Hầu hết đại biểu cho rằng, xác định được vị trí của mình và xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù là nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch của tỉnh Hậu Giang trong thời gian tới.

Bài, ảnh: Hà Thanh

Chia sẻ bài viết