14/03/2008 - 22:05

Làm giàu từ cây dó bầu Bảy Núi

Điều này đã diễn ra từ vài năm nay với người dân trồng dó bầu vùng Bảy Núi, đặc biệt là ở huyện Tri Tôn (tỉnh An Giang). Nhờ trồng loại cây có giá trị kinh tế cao, bước đầu mỗi hộ đã có thu nhập bình quân hằng năm từ 100 triệu đồng đến 150 triệu đồng từ hạt dó bầu. Nhưng đâu chỉ có thế...

Cây dó bầu còn được người dân địa phương này gọi là cây tóc
hoặc cây tóc tạo trầm. Nó có mặt trong tự nhiên, trên núi Cấm (huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) và núi Dài (huyện Tri Tôn) từ hàng trăm năm nay. Tuy nhiên cây dó bầu hoang dã này chưa từng cho trầm. Nhận thấy điều kiện thổ nhưỡng có thể phát huy trồng đại trà được, kỹ thuật tạo trầm tốt và giá trị kinh tế cao của loại cây này, Tổ chức phi chính phủ “Rừng mưa nhiệt đới” (TRP) đã hỗ trợ cho người trồng rừng trồng 25 ha dó bầu tại xã Lê Trì (huyện Tri Tôn) từ khoảng năm 1996. Theo đó, nhân dân vùng Bảy Núi đã tự phát trồng gần 600 ha dó bầu xen cây rừng từ 1 đến 9 tuổi.

Theo Chi cục Kiểm lâm An Giang, sau 5 năm trồng thử nghiệm, TRP đánh giá khả năng dó bầu Bảy Núi có tỷ lệ cho trầm cao, chất lượng tốt hơn so với số cây dự án đã triển khai trồng tại tỉnh Kontum. Đánh giá ấy được khẳng định qua đợt thu nhập hạt dó bầu. Năm 2005, tùy kích cỡ, hạt dó bầu có giá từ 1 triệu đồng đến 1,5 triệu đồng/kg. Người ta còn bán trái với giá 80.000 đồng/kg để tiện chuyên chở đi xa, không bị hao hụt, kể cả việc bán cây đến tuổi cấy tạo trầm (cây 5 tuổi) với giá 1,5 triệu đồng/cây. Để đảm bảo số cây trồng đạt thành công tối ưu, Hạt Kiểm lâm huyện Tri Tôn ngoài tuyên truyền ưu điểm của dó bầu còn kết hợp cung cấp cây giống, chi phí trồng, chăm sóc và chuyển giao công nghệ tạo trầm cho các hộ trồng rừng. Hiện nay, người dân vùng này đã phát triển hơn 10 ha vườn ươm cây dó bầu, giải quyết việc làm cho gần 100 lao động có thu nhập “sống được”. Còn chủ vườn ươm thì “sống khỏe”.

Ông Trần Văn Cà ở ấp An Bình (xã Ba Chúc, huyện Tri Tôn) biết khá rành về cây dó bầu và những đại gia trong nghề này. Ông Cà nói: “Nội chuyện bán hạt dó bầu, năm ngoái, ông Lê Hoàng Nhi, người trồng dó bầu nhiều nhất trên núi Dài thu 150 triệu đồng. Ngoài ra, ông Nhi còn bán bầu cây con (2.500 đồng/bầu). Ông Cà khẳng định, ông Nhi là “trùm dó bầu” của vùng Bảy Núi này.

Gặp ông “Trùm dó bầu”

Anh Huỳnh Hữu Thiện, cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Tri Tôn, giới thiệu với chúng tôi nhân vật điển hình trong việc trồng dó bầu thành công của địa phương là ông Lê Hoàng Nhi. Ông Hai Nhị, nhà bán nước mía ngang Trường Trung học cơ sở thị trấn Ba Chúc, khi nghe hỏi ông Nhi đã mau mắn cỡi xe gắn máy dẫn đường chúng tôi tới nhà ông ấy. Ông Hai Nhị nói, ông Nhi nổi tiếng lắm nên ở cái thị trấn nhỏ bé này ai mà chẳng biết.

Ông Lê Hoàng Nhi (người đứng bên trái) giới thiệu hai khúc gỗ trầm của mình. 

Ông Lê Hoàng Nhi, 53 tuổi, cho biết, năm 2007 ông đã cho cấy tạo trầm trên 547 cây dó bầu. Năm nay, ông sẽ cho cấy tiếp cũng khoảng chừng ấy cây. Dó bầu có trái chín vào đầu mùa mưa, từ tháng 5-6 âm lịch. Trái ươm bầu vào lúc mưa già. Từ đó ông nhân rộng ra việc trồng dó bầu trên diện tích 7 ha đất núi của mình. Đặc tính của dó bầu là thích bóng râm nên trồng nó phải xen trong các loại cây khác. Ông Nhi trồng 2.000 cây dó bầu xen trong các loại cây ăn trái khác.

3 ha dó bầu nhà ông Nhi đã bước đầu cho trầm. Để có được kết quả tốt đẹp này, ông Nhi đã phải bỏ nhiều công sức, tiền của. Ông phải lặn lội ra tới Quảng Nam học cách ươm cây giống, chăm sóc cây, kể cả việc tạo trầm. Ông kết hợp làm ăn với một số công ty nước ngoài, như của Thái Lan, Singapore, các công ty trong nước như Tinh Đất Việt, Phong Sang, Tường Yên. Mỗi công ty ông cho họ tạo trầm trên một số ít cây. Hiệu quả không như mong muốn. Cuối cùng ông thấy Công ty Phương Long đạt hiệu quả cao và là đối tác tin cậy nên trụ lại với họ.

Cây dó bầu được cấy tạo trầm phải đúng 7 năm tuổi. Thợ cấy trầm của Công ty Phương Long từ Quảng Nam vào, hai người. Một người khoan lỗ, người kia bơm hóa chất vào đó. Cây nào cây nấy chi chít lỗ khoan khắp từ ngọn tới gốc, quanh cả thân cây. Cấy khoảng 6 tháng là cây đã cho trầm, từ trên ngọn cây dài xuống tới gốc. Nhưng khai thác trầm tốt nhất phải đúng 24 tháng. Tuy nhiên, vì ham lợi, người ta đã cho cấy tạo trầm sớm trên cây dó bầu mới có 3 năm tuổi. Và trầm mới chỉ tạo chưa đầy năm đã khai thác rồi! Ông Nhi nói đó là loại trầm thô (trầm loại 6), giá 800.000 đồng/kg. Còn trầm loại 1 (trầm trên 24 tháng) ở đây chưa có và Công ty Phương Long chưa cho giá. Cây trầm thô được bán với giá trên 500.000 đồng/cây. Cây dó bầu cho trầm được khai thác hầu như toàn bộ, ngoại trừ lá. Khai thác dầu trầm xong, người ta lấy bã trộn với tất cả các nhánh nhóc xay nhuyễn làm thành các loại nhang. Ông Nhi cùng 3 hộ khác ở núi Dài (trên núi này có tới 48 hộ khác trồng 1.000 cây dó bầu) hợp tác với Công ty Phương Long trong việc trồng và khai thác cây dó bầu.

Ông Nhi vào nhà trong, hai tay cầm hai khúc gỗ lỗ chỗ lỗ hang giống như đoạn san hô. Đó là trầm. Ông bẻ một miếng dăm, đốt. Mùi thơm lan tỏa. Ông nói trầm Bảy Núi hơn trầm Quảng Nam và các nơi khác nhờ mùi thơm thanh, không khét. Hứng chí, ông vào trong lấy ra bốn hộp các-tông. Đó là nhang trầm do Công ty Phương Long sản xuất. Có 4 loại: nhang 2 tấc, nhang 4 tấc, đựng trong hộp các-tông hình chữ nhật với nhãn hiệu “Trầm hương Việt Nam”; còn nhang khoanh và nhang hình chóp đựng trong hộp các-tông hình trụ với nhãn hiệu “Lộc phát”. Tất cả được xuất đi Hongkong, Trung Quốc, Đài Loan.

Dó bầu vườn

Ông Nhi đưa chúng tôi đến nhà ông Lê Văn Lúa ở khóm Thanh Lương, thị trấn Ba Chúc. Sau nhà ông, cách khá xa chân núi Dài, là vườn dó bầu 50 cây chi chít vết cấy. Ông Lúa sung sướng ra mặt trước viễn cảnh “giàu sang mấy hồi” của gia đình mình. Điều này cho thấy dó bầu có thể trồng được và cho trầm sau thời gian cấy ở khu vực có điều kiện thổ nhưỡng phù hợp, không cần trên núi cao. Ở Quảng Nam, người ta đã trồng dó bầu thành cây vườn và ai cũng giàu lên thấy rõ. Chính vì vậy mà “nguy cơ” lạm phát trồng dó bầu khắp khu vực Bảy Núi không phải là điều không thể xảy ra.

Giải quyết vấn đề này, theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Thủy, cán bộ Chi cục Kiểm lâm An Giang, thì “việc định hướng phát triển cho loài cây dó bầu trên cả nước đang rất cần những chính sách hỗ trợ và thống nhất quản lý một cách bền vững. Theo thống kê Hội Trầm hương Việt Nam, cả nước có gần chục ngàn ha trải dài trên 23 tỉnh. Diện tích tăng dần hằng năm như “phong trào” tự phát và chưa được định hướng. Để tránh tình trạng trồng ồ ạt sau 5-7 năm, chặt cũng ồ ạt như lịch sử cây điều, cây mía, cà phê, tràm hay quế... việc phát triển của dó bầu rất cần có giải pháp về chính sách khuyến khích đầu tư theo kế hoạch dài hạn và những nghiên cứu dự báo về quan hệ cung cầu của thị trường trong và ngoài nước. Hiện nay, người dân nghèo vùng đồi núi An Giang chỉ mới được đầu tư khoảng 2% diện tích trồng rừng hằng năm của Chương trình Quốc gia (661). Do đó, chủ yếu phong trào trồng dó bầu chỉ do dân tự đầu tư là chính, thiếu kế hoạch hỗ trợ lâu dài của Nhà nước. Ngoài ra, vấn đề cốt lõi là thị trường tiêu thụ cũng chưa được thông tin và nghiên cứu đầy đủ một cách có hệ thống từ trong và ngoài nước.

Về quản lý, Nhà nước cần sử dụng những công cụ quản lý hành chính phù hợp nhằm bảo vệ được quyền lợi chính đáng của cả người trồng rừng và những doanh nghiệp thực sự có công nghệ tạo trầm hiệu quả. Chẳng hạn, từng doanh nghiệp trước khi được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực tạo trầm phải được công nhận quyền sử dụng hoặc sở hữu một dây chuyền, công nghệ tạo trầm được cấp có thẩm quyền phê duyệt”.

Bài, ảnh: PHƯƠNG KIỀU

Chia sẻ bài viết