Rau xanh là mặt hàng tiêu dùng hằng ngày của người dân. Sử dụng các sản phẩm rau an toàn (RAT) là một trong những mối quan tâm hàng đầu của người nội trợ hiện nay. Những năm qua, TP Cần Thơ triển khai và định hướng cho nông dân sản xuất rau theo tiêu chuẩn an toàn, đáp ứng nhu cầu ngày một tăng cao của người tiêu dùng. Song thực tế, vẫn còn không ít người thờ ơ, người nông dân chưa mặn mà với RAT. Do đó, rất cần hướng phát triển để RAT có chỗ đứng trên thị trường.
RAT khó ra chợ: Vì sao?
Theo đánh giá của PGS.TS Lý Nguyễn Bình, Phó Trưởng khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ, nhu cầu sử dụng RAT ngày càng tăng cao. Người tiêu dùng luôn có nhận thức về sử dụng những sản phẩm RAT. Tuy nhiên, hành động của họ hoàn toàn ngược lại. Người tiêu dùng chưa chấp nhận RAT! Hiện có khoảng 90-95% các loại rau bày bán tại các chợ không được đóng gói trong bao bì, không có nhãn mác với các thông tin về nhà sản xuất, chứng nhận chất lượng. Hầu như người tiêu dùng mua rau vì thói quen đi chợ, và mua rau từ những quầy hàng quen bằng những kinh nghiệm cá nhân khi lựa chọn rau an toàn: nhìn đẹp mắt. Mặt khác, thực tế vẫn còn thiếu các quy định về điều kiện kinh doanh rau, quả đảm bảo an toàn thực phẩm; thiếu quy định quản lý kinh doanh và vận chuyển rau, đặc biệt là các quy định về quản lý kinh doanh rau quả tại các chợ. Phần lớn sản phẩm chưa có tiêu chí, dấu hiệu nhận diện và phân biệt giữa sản phẩm an toàn và không an toàn
Các sản phẩm rau an toàn hiện nay chủ yếu phân phối cho các siêu thị.
Dạo qua một số chợ trong nội ô quận Ninh Kiều, thậm chí trong thành phố rất khó có thể tìm thấy các cơ sở, gian hàng bày bán rau có bao bì, nguồn gốc rõ ràng. Trong khi, theo thông tin từ Chi cục Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ, trên địa bàn thành phố có khoảng 15 cơ sở tự công bố sản xuất RAT với diện tích gần 130ha. Các sản phẩm rau tại các cơ sở này đều đạt theo các tiêu chuẩn, chỉ tiêu an toàn về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thời gian cách ly thuốc, nồng độ một số hóa chất... và được chứng nhận. Trên thực tế, những sản phẩm này đang bị "dội" chợ, chỉ có mặt ở các siêu thị, nhà hàng, nhà ăn tập thể. Anh Tiêu Thanh Vũ, Nông trại An Bình, quận Ninh Kiều chuyên sản xuất và cung cấp rau mầm, giá sạch, cho biết: Để cho ra thị trường những sản phẩm RAT, phải có sự đầu tư từ khâu sản xuất, thu hoạch cho đến đóng gói. Do phải khống chế lượng phân bón, nhất là phân đạm và thuốc bảo vệ thực vật, so với rau trồng thông thường mẫu mã RAT thường kém hấp dẫn người tiêu dùng. Nhưng giá thành RAT lại cao hơn do phải tăng chi phí theo yêu cầu kỹ thuật trồng trọt đối với RAT. Chẳng hạn với giá sạch Nông trại Rau An Bình sản xuất, giá bán cao hơn giá sản xuất thông thường khoảng 2.000 đồng/kg, được đóng gói, có nhãn mác nhưng không bắt mắt nên người tiêu dùng chưa quan tâm, lựa chọn. Đó chính là lý do đến nay các sản phẩm của Nông trại Rau An Bình chỉ được tiêu thụ tại một số siêu thị, nhà hàng, quán ăn trên địa bàn. Anh Tiêu Thanh Vũ cho biết thêm: Sản xuất sản phẩm sạch, an toàn cốt yếu phục vụ người tiêu dùng nên đưa các sản phẩm này ra chợ là điều tất yếu. Tuy nhiên, để người tiêu dùng chấp nhận cần đầu tư quảng bá. Song, Nông trại Rau An Bình chưa đủ tiềm lực!
Theo ông Nguyễn Văn Bi, Chủ nhiệm Hợp tác xã RAT Hòa Phát, giá cả các sản phẩm RAT trên thị trường còn bấp bênh, chưa ổn định, chủ yếu do thương lái quyết định chứ người trồng rau chưa quyết định được. Điều này dẫn đến tình trạng một số nông dân "ngại" đầu tư trồng RAT đạt quy chuẩn.
Về phía người tiêu dùng, lý giải nguyên nhân RAT không được ưa chuộng, họ cho rằng hình thức bên ngoài của RAT không bóng bẩy, đẹp mắt, khó tìm ở chợ. Hơn hết, tâm lý đa phần người tiêu dùng cho rằng, là sản phẩm RAT được đóng gói, có nhãn mác giá bán sẽ cao hơn nhiều so với rau thông thường. Song, giá cao không phải là yếu tố chính khiến người tiêu dùng chưa mặn mà với RAT. Chị Đặng Thị Hồng Ngọc ở đường Võ Văn Kiệt, quận Ninh Kiều chia sẻ: "Tôi cũng muốn sử dụng RAT cho các bữa ăn hằng ngày trong gia đình. Tuy nhiên trên thị trường hiện nay, dù các sản phẩm RAT có nhãn mác nhưng thật khó để người tiêu dùng phân biệt. Ở siêu thị hàng hóa được kiểm tra gắt gao, cũng yên tâm phần nào nhưng siêu thị không gần nhà, vì vậy tôi vẫn chọn mua rau theo thói quen tại chợ"...
Mở hướng phát triển
Cần Thơ có tiềm năng để sản xuất RAT. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, sản xuất RAT của thành phố mới chỉ bước đầu được triển khai ở dạng mô hình, đang xây dựng mô hình hoặc mới được đưa vào sản xuất theo hướng hình thành các vùng sản xuất chuyên canh. Nhưng chủ yếu vẫn sản xuất theo phương thức truyền thống, công tác bảo quản, chế biến còn đơn điệu, chưa phát triển. Xuất phát từ thực trạng đó, Chi cục Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ phối hợp cùng Trường Đại học Cần Thơ thực hiện đề tài "Xây dựng quy trình đóng gói, bảo quản, tồn trữ sản phẩm RAT theo quy mô nông hộ" mang tính thực tiễn cao được kỳ vọng sẽ mở ra một hướng đi mới cho sản xuất RAT của thành phố.
Đề tài được thực hiện tại các quận Thốt Nốt, Ô Môn và Bình Thủy với 6 loại rau gồm: hẹ, rau muống, cải, cà chua, dưa leo, khổ qua. Nhóm thực hiện đã tiến hành điều tra hiện trạng canh tác, thu hoạch, sơ chế, đóng gói, bảo quản và phân phối rau tại các điểm trong chuỗi hàng hóa. Nghiên cứu hoàn thiện các quy trình trồng RAT theo tiêu chuẩn VietGAP với quy mô nông hộ; nghiên cứu xây dựng quy trình thu hoạch, sơ chế và đóng gói các loại rau. Nhóm thực hiện đề tài tổ chức một số hợp tác xã trên địa bàn tham quan mô hình sản xuất RAT tại Đà Lạt. Từ đó, xây dựng mô hình trình diễn; xây dựng quy trình canh tác và đóng gói rau trên cơ sở kết quả của thí nghiệm và mô hình trình diễn. Sau đó, Ban Chủ nhiệm đề tài chuyển giao quy trình sản xuất và đóng gói rau cho các nông hộ; thực hiện thủ tục đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp nhãn hiệu tập thể về sản xuất rau an toàn; kết nối thị trường... Qua thời gian nghiên cứu, Ban Chủ nhiệm đề tài đã hỗ trợ máy ozon, chuyển giao các quy trình sản xuất và đóng gói nông sản cho 3 Hợp tác xã RAT Phúc Thạnh, Hòa Phát và Long Tuyền.
Song song đó nhóm nghiên cứu đã đề xuất các giống rau cho năng suất cao, phẩm chất tốt cùng với những kỹ thuật trồng, kỹ thuật cận thu hoạch và kỹ thuật thu hoạch. Qua đó, giúp tăng năng suất và phẩm chất cũng như độ an toàn của rau, góp phần ổn định nguồn cung cấp rau an toàn cho các vùng du lịch sinh thái của TP Cần Thơ, ổn định đời sống nông dân ở địa phương. Từ đề tài, nhận thức của nông dân về sản xuất RAT từng bước được cải thiện, sau khi được tập huấn, nông dân đã mạnh dạn vận dụng vào sản xuất. Việc sử dụng phân hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học vào phòng trừ sâu bệnh được áp dụng rộng rãi trong quá trình sản xuất rau. Kết quả nghiên cứu của đề tài đã bước đầu tạo nên dòng sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, có nhãn hiệu của ngành nông nghiệp thành phố.
Ông Nguyễn Văn Bi, Chủ nhiệm Hợp tác xã RAT Hòa Phát, cho biết: Đề tài xây dựng rất bổ ích cho các thành viên hợp tác xã, giúp nông dân hiểu biết thêm về quy trình, kỹ thuật sản xuất RAT. Ban đầu một số xã viên chưa nhiệt tình hưởng ứng, nhưng sau khi hiểu rõ và thấy hiệu quả mang lại các xã viên cùng đóng góp xây dựng nhà sơ chế, thực hiện đóng gói, bảo quản sản phẩm theo tiêu chuẩn quy định. Từ đó, giúp nâng cao giá trị các mặt hàng rau do hợp tác xã sản xuất
Bài, ảnh: LẠC MẪN