30/07/2016 - 17:07

Lãi suất và bài toán tăng trưởng

Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7-2016 tăng 0,13% so với tháng trước, tăng 2,39% so với cùng kỳ năm 2015 và tăng 2,48% so với tháng 12-2015. Đây là mức tăng khá thấp so với diễn biến giá cả một vài tháng gần đây. Tuy nhiên, lạm phát cơ bản (loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống, năng lượng và mặt hàng do nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) 7 tháng đầu năm đang tăng 1,81% so với cùng kỳ năm trước, tiệm cận với lạm phát chung (tăng 1,82%). Điều này thể hiện yếu tố tiền tệ đang chi phối rất lớn đến lạm phát năm 2016. Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, triển vọng tăng trưởng kinh tế chưa cải thiện mạnh mẽ, khiến doanh nghiệp tiếp tục thận trọng trong vay vốn. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, nền kinh tế hấp thu vốn chưa nhiều, huy động vốn tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng của tổng dư nợ cho vay, song thanh khoản ngân hàng chỉ đang ở mức dư tạm thời.

Mới đây, báo cáo của Ngân hàng HSBC nhận định rằng, lạm phát cơ bản tuy vẫn nằm trong vòng kiểm soát, dao động từ 1,6% đến 2% trong suốt một năm qua nhưng sẽ tiếp tục tăng do nhu cầu nội địa dồi dào cùng với tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ. Mặc dù điều này sẽ hạn chế khả năng nới lỏng tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), nhưng các chuyên gia của Ngân hàng HSBC dự báo NHNN có khả năng sẽ nâng lãi suất ở kênh thị trường mở thêm 0,5% lên mức 5,5% trong quý III/2017. Thông tin từ NHNN, tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm tăng 8,16% so với cuối năm 2015. Với những diễn biến thị trường tiền tệ 6 tháng đầu năm cho thấy mức tăng tín dụng đang tạo áp lực rất lớn đến chỉ số lạm phát, trong khi lạm phát đang có xu hướng gia tăng. Việc tăng, giảm lãi suất phụ thuộc rất lớn vào khả năng kiểm soát lạm phát của Chính phủ thời gian tới.

Theo phân tích của các chuyên gia, thời gian qua, việc nền kinh tế không hấp thu hết khối tiền mà NHNN bơm ra đã buộc các tổ chức tín dụng phải đẩy mạnh đầu tư vào trái phiếu chính phủ. Nguồn vốn này chủ yếu đầu tư vào các dự án công, do vậy, lạm phát có xu hướng tăng lên. Tuy nhiên, lạm phát tăng sẽ tác động tiêu cực lên tỷ giá và lãi suất. Nhiều doanh nghiệp lo ngại, trong điều kiện nền kinh tế còn nhiều khó khăn, thị phần của doanh nghiệp chưa được mở rộng, áp lực cạnh tranh thị trường đang rất cao sẽ khó cầm cự nếu lãi suất cho vay của ngân hàng tăng. Bởi hiện nay tỷ lệ lợi nhuận trên tổng doanh thu của doanh nghiệp rất thấp, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn vì thị trường sụt giảm. Cùng đó, việc nới trần cho vay của NHNN đối với bất động sản cũng là xu thế có khả năng đẩy lạm phát do dòng tiền chảy mạnh vào bất động sản thay vì đi vào sản xuất hàng hóa và dịch vụ. Do vậy, nhiều ý kiến của chuyên gia cho rằng, khi bơm tiền ra thị trường, các ngân hàng cần kiểm soát được dòng tiền, để đảm bảo dòng tiền đến đúng địa chỉ và kích thích sản xuất, kinh doanh. Nếu chỉ cung tiền mà không kiểm soát được dòng tiền thì khó tăng trưởng đạt mục tiêu và nguy cơ lạm phát quay trở lại là rất lớn.

Song Nguyên

Chia sẻ bài viết