04/09/2023 - 08:03

Kỳ vọng thị trường bất động sản sáng sủa trở lại 

Bài, ảnh: AN KHÁNH

Giá thép xây dựng trong nước tiếp tục giảm về mức 13,5-13,75  triệu đồng/tấn, thấp nhất từ năm 2020, với 18 lần giảm liên tiếp, tùy thương hiệu mà tần suất điều chỉnh giá khác nhau. Nguyên nhân chính là do thị trường bất động sản (BÐS) “đóng băng” không chỉ giảm nhu cầu sử dụng thép mà còn tác động đến thị trường lao động, việc làm, sản phẩm trang trí nội thất…

Khu dân cư Nam Long 2 là một trong số ít dự án bất động sản trên địa bàn thành phố đang triển khai xây dựng khẩn trương.

Mới đây trong chuyến công tác ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, một bạn đồng nghiệp chia sẻ: “Thị trường BÐS ở TP Vũng Tàu hai năm gần đây thê thảm lắm anh ơi. Nhất là bước sang năm 2023 này, rất nhiều nhà đầu tư BÐS bán cắt lỗ giảm đến 40%, thậm chí có nhiều trường hợp bị “ngộp” ngân hàng giảm tới 60% so với giá mua ban đầu, nhưng không có người mua, mới đau! Trong khi tất cả “sổ đỏ” của nhà đều đã “cắm” hết vào ngân hàng, giờ không biết xoay xở thế nào!”. Cũng theo bạn đồng nghiệp này, không chỉ nhà đầu tư nhỏ lẻ “mắc cạn” trước đống tiền đã đổ vào BÐS, mà dự báo tới đây nếu thị trường không cải thiện thì không ít đại gia ở tỉnh này cũng phá sản vì đã chót đầu tư vào BÐS.

Còn thị trường BÐS tại TP Cần Thơ, theo thông tin từ nhiều công ty kinh doanh môi giới BÐS, giao dịch thành hiện nay chỉ bằng 10-15% so với cách nay 2 năm (thời điểm BÐS còn khá sôi động). Hiện nay, khu vực “nóng” nhất được giới đầu tư kinh doanh BÐS quan tâm là các dự án BÐS nằm xung quanh công trình cầu Trần Hoàng Na sắp hoàn thành (bờ phía Nam Cần Thơ), nhưng giao dịch vẫn ảm đạm. Bên cạnh đó, trên mạng xã hội quảng cáo bán đất (của cá nhân) cũng không còn đua nhau chào bán sôi động như cách này 1-2 năm, giới “cò đất” đã “lười” chào hàng vì hiện nay không còn mấy người quan tâm; còn lâu lâu có gặp “kèo thơm” thì càng “ém hàng để kiếm cơm” chứ không ai lại chào bán công khai nữa. Ông Ðỗ Minh Phúc, Giám đốc Công ty TNHH Ðịa ốc Phúc Hưng (tại Khu đô thị mới Hồng Loan - lô 5C, quận Cái Răng), cho biết: Thị trường BÐS vô cùng ảm đạm, thời điểm này lại đang là tháng ngâu (tháng 7 âm lịch), nên càng khó khăn hơn. Giới kinh doanh BÐS kỳ vọng qua mùa nước nổi, bước vào đầu mùa khô và các chính sách về tín dụng cho BÐS được tháo gỡ như Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo… và lãi suất tiền gửi tiết kiệm đang ở mức thấp sẽ làm cho một bộ phận người dân có tiền đang gửi ngân hàng chuyển sang đầu tư BÐS, thị trường sáng sủa trở lại.

Trên địa bàn thành phố hiện nay ngoài các công trình dự án đầu tư công đang triển khai xây dựng, thì các dự án BÐS đang đầu tư chỉ đếm trên đầu ngón tay (như một số dự án nhà ở xã hội, chung cư thương mại). Còn nhà ở dân dụng cũng không tăng trưởng nhiều nên nhu cầu sử dụng không chỉ thép xây dựng giảm mà nhiều lĩnh vực về vật liệu xây dựng, nội thất cũng giảm theo. Ông Pham Quốc Bảo, Giám đốc Công ty TNHH Nội thất Chiếu sáng LED.160 với chuỗi 5 cửa hàng trên địa bàn TP Cần Thơ, cho biết: Nhu cầu trang trí nội thất cho nhà cửa của người dân từ đầu năm đến nay giảm rất nhiều so với cùng kỳ năm 2023. Nguyên nhân là nhu cầu xây dựng nhà mới của người dân giảm; ngân hàng có nhiều chính sách ưu đãi cho vay vốn xây dựng nhà, nhưng nếu nguồn thu nhập không đảm bảo thì họ sẽ không được cho vay để xây dựng, nên nhu cầu mua sắm nói chung đều giảm… Ðây là khó khăn dây chuyền mà các doanh nghiệp đang gặp phải trong thời điểm hiện nay.

Nhiều nhà thầu xây dựng hiện nay cũng “than trời” vì không có công trình xây dựng nên buộc phải cho thầy, thợ nghỉ việc. Anh Công Quyền, một nhà thầu xây dựng ở khu dân cư Nam Long, chia sẻ: Năm nay nhận rất ít công trình, vì nhu cầu xây dựng nhà của người dân giảm, nhưng “trong cái rủi có cái may”, nếu nhận được nhiều công trình mà giá nhân công, vật liệu cát, đá cứ tăng phi mã thì nhà thầu cầm chắc cái lỗ. Ngược lại do không có nhiều việc buộc phải sa thải công nhân, mà hiện nay nhà thầu nào cũng rơi vào cảnh này, anh em nghỉ việc phải chạy vạy khắp nơi tìm việc để kiếm sống. Nhưng như vậy, đến khi nhu cầu xây dựng tăng trở lại, các nhà thầu lại khổ sở vì không tìm được thợ lành nghề để làm việc…

Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) chỉ rõ nguyên nhân giá thép giảm không phải do xuất khẩu giảm, mà chính là do tác động của thị trường BÐS chưa có tín hiệu khả quan trở lại, các dự án nhà ở xã hội cũng triển khai chưa nhiều, điều này cũng khiến bán hàng thép tiếp tục ảm đạm. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng trong nước yếu nên các nhà máy cạnh tranh liên tục, điều chỉnh giá bán giảm dần để bán được hàng, xoay vòng vốn. Cùng với đó hệ thống ngân hàng siết chặt tín dụng khiến tiêu thụ thép xây dựng ở mức thấp so với kỳ vọng. Ngành thép kỳ vọng BÐS sớm mua bán sôi động trở lại để nhu cầu xây cất, hạ tầng kỹ thuật được đầu tư không chỉ góp phần phát triển kinh tế - xã hội mà còn vực dậy các ngành sản xuất, thương mại dịch vụ tăng trưởng, tạo công ăn việc làm cho người lao động, đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội.

Chia sẻ bài viết