Hơn một thế kỷ trôi qua, Ninh Kiều - Cần Thơ đã bao lần đổi thay tên gọi, nhưng Bến Ninh Kiều vẫn là biểu tượng của đô thị sông nước, gieo niềm thương nhớ cho khách phương xa và là niềm tự hào của người dân Tây Đô.
Bến Ninh Kiều năm 1960 (ảnh tư liệu).
Từ xa xưa, nơi tọa lạc Bến Ninh Kiều ngày nay là bến sông sầm uất nằm ở hữu ngạn sông Hậu ngay trung tâm thành phố Cần Thơ, nơi xuồng ghe qua lại đêm ngày, trên bờ có hàng dương soi bóng, gió thổi rì rào, nên còn có tên gọi là Bến Hàng Dương. Khi chợ Cần Thơ bắt đầu sung túc, giao thương nhộn nhịp, Bến Hàng Dương dần trở thành thắng cảnh của Tây Đô nhờ sông nước hữu tình, trời mây êm ả và thơ mộng. Phía bên kia sông là Xóm Chài với những ngôi nhà sàn mấp mé ven sông, xa xa là những cụm cồn, bãi bồi lờ mờ trong sương sớm. Bến sông hướng ra nơi hợp lưu giữa hai dòng Cần Thơ và sông Hậu tạo thành một “bùng binh” đầy ắp cá tôm, cái nôi của một làng chài trù phú.
Nhà biên khảo Huỳnh Minh mô tả “Bờ sông Cần Thơ khi xưa vẫn thường dập dìu khách lãng du. Những đêm trăng, trên sông vang ngân tiếng hò đối đáp của khách thương hồ, tiếng đàn hát của khách cầm ca. Do đó, tương truyền khi chúa Nguyễn Ánh náu mình ở Cần Thơ, đặt tên cho con sông là “Cầm Thi giang”, nghĩa là con sông của thi ca đàn hát. Lâu ngày gọi trại đi, hai chữ “Cầm Thi” biến thành “Cần Thơ” (1). Khoảng cuối thế kỷ XIX, nhà cầm quyền Pháp đã cho thiết kế lại bến, xây dựng bungalow dành riêng cho sĩ quan Pháp (nay là vị trí của cụm nhà hàng khách sạn Ninh Kiều), mở nhiều ki-ốt, nhà hàng, quán ăn… trong đó, công trình quan trọng nhất là việc xây dựng nhà lồng chợ Cần Thơ (1909). Dọc theo bến sông lúc bấy giờ có tới ba cầu tàu vận chuyển hàng hóa đi khắp Nam kỳ lục tỉnh: Cầu tàu hãng nước đá ở cuối đường Thủ Khoa Huân; cầu tàu lục tỉnh ở đường Ngô Quyền (nơi đèn ba ngọn); cầu tàu chở hàng Nam Vang, còn gọi là bến đò Sân Heo, gần nhà lồng chợ.
Lúc mới thành lập thị xã Cần Thơ (1876) Bến Hàng Dương mang tên là Quai de Commerce nhưng nhiều người vẫn gọi là Bến Hàng Dương. Sau năm 1954, khi Pháp rút quân, tấm bảng Quai de Commerce thay bằng tấm bảng mới mang tên vị anh hùng dân tộc Lê Lợi, cùng với tên đường. Dọc theo bờ sông trước đó đã có chùa Ông (1894) sau đó mọc lên nhiều cửa hiệu sang trọng, nổi tiếng nhất là khách sạn Tây Hồ và nhà ngủ Nam Phương.
Năm 1957, bến được sửa sang, tu bổ thành công viên: xây bờ kè, trồng thêm hoa và cây cảnh, đồng thời bố trí nhiều băng đá cho du khách ngồi hóng mát. Sau khi chỉnh trang hoàn tất, bến được đặt tên mới là Ninh Kiều để kỷ niệm một chiến công của Bình Định Vương Lê Lợi nơi đất Bắc năm xưa (“Tụy Động thây phơi đầy đất / Ninh Kiều máu chảy thành sông” – trích Bình Ngô Đại Cáo của cụ Nguyễn Trãi). Kể từ khi bến đổi tên là Ninh Kiều, du khách đến dạo cảnh ngày càng đông, hằng tháng hoặc hằng tuần dưới ngọn đèn ba ngọn đều có tổ chức biểu diễn văn nghệ, đờn ca tài tử hoặc các buổi thuyết pháp của các vị thiền sư.
Ninh Kiều và Tết hình như có duyên tao ngộ. Mỗi năm cứ đến Tết là Ninh Kiều biến thành một chợ hoa muôn sắc muôn màu. Vào những thập niên 50 - 60 của thế kỷ trước, Bà Bộ (Cần Thơ) là tên của một làng hoa truyền thống gắn liền với Tết Nam bộ (nay sáp nhập thành làng hoa Phó Thọ - Bà Bộ thuộc phường Long Hòa, quận Bình Thủy). Tôi đã có dịp nghe những người trồng hoa kỳ cựu ở Bà Bộ là ông Năm Bông và ông Tư Liễng lúc hai ông còn sinh thời, kể lại chợ hoa lúc bấy giờ tập trung tại chợ Hàng Dương trước khi Bến Ninh Kiều ra đời hàng chục năm. Thời đó, mới rằm tháng chạp, ghe xuồng chở đầy hoa và cây cảnh từ các làng hoa Bà Bộ, Sa Đéc (Đồng Tháp), Cái Mơn (Bến Tre) đã cắm sào san sát dọc theo bờ sông tạo thành một dòng sông hoa, hoa trên bến, hoa dưới thuyền, hoa theo dòng người đi khắp mọi nơi. Từ sau ngày giải phóng miền Nam, chợ hoa xuân Ninh Kiều được nhiều người đánh giá là chợ hoa xuân ấn tượng nhất ở miền Tây.
Ai đã từng trải qua một thời thơ ấu ở Ninh Kiều, Cần Thơ chắc không thể nào quên những nhiếp ảnh gia nổi tiếng chụp ảnh cho khách thập phương tại bến như Văn Mười, Văn Kỉnh, Hoàng Xuân Sít… Du khách đến Ninh Kiều thú vị nhất là vừa ngồi hóng gió vừa ngắm nhìn những chiếc đò bồng bềnh đưa khách sang sông hoặc những chiếc xuồng câu lơ lửng giữa dòng. Dòng sông, bến nước, con thuyền bao đời nay vẫn thủy chung gắn bó với Ninh Kiều, khách thương hồ tụ hội về đây càng lúc càng đông, nhiều chủ tàu đi Sài Gòn, Nam Vang hay lục tỉnh thường hay ghé qua bến Ninh Kiều để nghỉ chân hoặc trao đổi hàng hóa. Trong đó, có hãng tàu Compagnie de Messageries Fluviales, mỗi tuần ghé qua 2 lần. Nhà văn Sơn Nam đã viết: “Khoảng năm 1937, đôi ba ngày một lần, tàu Nam Vang chạy ngang ghé lại (bến Thương Mại) khá lâu, hành khách, hàng hóa lên xuống rộn rịp, thêm người trên bờ xuống tàu rao thức ăn uống…”(2).
Duyên dáng bến Ninh Kiều. Ảnh: DUY KHÔI
Bến Hàng Dương - Ninh Kiều là nơi lưu dấu biết bao kỷ niệm trọng đại của thành phố. Đáng ghi nhớ nhất là ngày nhân dân Cần Thơ đón đoàn tù chính trị từ Côn Đảo trở về đất liền đợt II từ 23-9-1945 đến 30-9-1945 tiếp sức cho cuộc kháng chiến chống Pháp đang bùng nổ(3). Cũng tại chợ Hàng Dương, hàng ngàn quần chúng mít tinh vào ngày 19-5-1955 có sự đồng tình tham gia của một số cảnh sát và binh sĩ(4). Ngoài ra con đường Lê Lợi (Ninh Kiều) cũng đã chứng kiến một trận chiến ác liệt giữa ta và địch trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 tại nhà ngủ Nam Phương do ông Út Tạ chỉ huy(5).
Năm 1996 bến Ninh Kiều đã được nâng cấp và mở rộng, sau này lại được tiếp tục tôn tạo và xây bờ kè kéo dài đến bến phà Xóm Chài. Năm 2005 Ninh Kiều chỉ kéo dài tới tượng Bác Hồ, bây giờ đã được nới rộng. Khu vực chợ cá và hàng tươi sống được di dời nhường lại cho công trình góp phần hình thành một công viên hiện đại, văn minh nhưng vẫn giữ được dáng dấp của bến sông xưa, xứng đáng với tên gọi mang nhiều ý nghĩa lịch sử – văn hóa. Đặc biệt từ khi khu nhà lồng chợ cổ, chợ đêm Ninh Kiều và tuyến đường đi bộ đi vào hoạt động, Bến Ninh Kiều đã bừng lên sức sống mới. Gần đây, cây cầu đi bộ dài 200 mét hình thành, uốn lượn hình chữ S với hình 2 bông sen gắn đèn đa màu càng khiến cho dòng sông và Bến Ninh Kiều rực rỡ, trở thành điểm đến mang tính biểu tượng cho đô thị sông nước Cần Thơ.
HOÀI PHƯƠNG
------------------
(1) “Cần Thơ xưa và nay”, Cánh Bằng, 1966, trang 267.
(2) “Hồi ký Sơn Nam: Từ U Minh đến Cần Thơ”, trang 55.
(3) “Địa chí Cần Thơ”, trang 811.
(4) “21 năm chống Mỹ cứu nước (1954 – 1975)”, Đảng bộ thành phố Cần Thơ - Hậu Giang, trang 19.
(5) “Vòng Cung Cần Thơ Xuân 1968”, Nguyễn Thị Vân - Anh hùng lực lượng vũ trang, trang 167.
Tài liệu tham khảo:
* Địa chí Cần Thơ, 2002
* Cần Thơ xưa và nay, Huỳnh Minh, 1966
* Văn minh miệt vườn, Sơn Nam, NXB An Tiêm, 1970
* 21 năm chống Mỹ cứu nước của thành phố Cần Thơ (1954-1975)
* Tết Mậu Thân, Hội Văn học Nghệ thuật Hậu Giang, 1988