04/02/2008 - 10:53

Ký ức một mùa Xuân

Tết Mậu Thân 1968, cùng với toàn miền Nam, quân và dân Tây Nam bộ đã đồng loạt nổ súng tấn công vào các cứ điểm quan trọng của địch, giáng một đòn quyết định làm phá sản chiến lược “chiến tranh cục bộ” của Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh, ngồi vào bàn đàm phán Hiệp định Paris.

Thành phố Cần Thơ được Khu ủy chọn là trọng điểm số 1 trong cuộc tổng tiến công. Các đơn vị vũ trang của ta đã tấn công Tòa lãnh sự Mỹ, cơ quan Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 ngụy, Dinh Tỉnh trưởng, Đài Phát thanh, sân bay Trà Nóc, sân bay Lộ Tẻ..., làm chủ nhiều khu vực trong nhiều ngày, gây cho địch nhiều tổn thất nặng nề.

40 năm đã trôi qua, nhưng ký ức về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 vẫn còn in đậm trong lòng nhiều cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia cuộc tấn công năm ấy...

Đại tá Lê Văn LÊ, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 307 (Quân khu 9):
NHỮNG NGÀY ÁC LIỆT VÀ HÀO HÙNG

Ngày 29 Tết, Tiểu đoàn 307 đang đóng quân ở dọc sông Bà Lớn và sông Nước Đục (thuộc tỉnh Hậu Giang ngày nay) thì nhận được lệnh “về Cần Thơ ăn Tết”. Khi đó, tôi là Đại đội trưởng Đại đội 3, liền triển khai đội hình hành quân ngay trong đêm. Đến sáng 30 Tết, chúng tôi đã có mặt ở Rạch Sung Lớn (huyện Châu Thành - Hậu Giang ngày nay), rồi tiếp tục hành quân vượt sông vô đến Rau Răm. Đến đây, Tiểu đoàn mới nhận được lệnh đánh chiếm Đài Phát thanh.

Đúng 4 giờ sáng mùng 2 Tết, Tiểu đoàn 307 nổ súng tấn công Đài Phát thanh. Lúc này, Ban Chỉ huy Tiểu đoàn đóng ở đình thần ngang cửa Đài Phát thanh, chỉ huy Đại đội 1 vượt lộ tiến dọc khu nhị tì đánh bọc hông phía sau Đài, còn Đại đội 3 đánh vào chính diện. Ta dùng hỏa lực mạnh bắn vào khu vực trung tâm Đài, phá hỏng máy móc, thiết bị làm Đài ngừng hoạt động. Khoảng một trung đội lính ngụy bảo vệ Đài chống trả quyết liệt. Sáng mùng 2 Tết, bọn chúng tập trung tiểu đoàn biệt động quân, bảo an... phản kích. Quân ta anh dũng chiến đấu, giữ vững trận địa. Đến ngày mùng 3 Tết, không đẩy bật được quân ta ra ngoài, Bộ Chỉ huy Vùng 4 ngụy ra lệnh hủy diệt Đài và ngôi đình thần (do biết bộ phận chỉ huy của ta đóng ở đây). Ta liền nhanh chóng chuyển bộ phận chỉ huy và thương binh ra ngoài, dùng chuối cây đóng thành những chiếc củi để bảo vệ thương binh.

Chiến đấu đến ngày thứ 3, vũ khí của quân ta cạn kiệt, chỉ còn 8 quả đạn B40 và 25 khẩu AK. Lúc này, địch lệnh cho chiến đoàn thiết giáp từ Tham Tướng bò lên, theo sau là tiểu đoàn bảo an và biệt động quân. Quân ta chặn đánh, bắn cháy một xe M113 và hư mấy chiếc khác. Chúng chựng lại, tập trung ở sân đình, quân ta từ trên lầu 2 quăng lựu đạn, thủ pháo xuống, chúng chết rất nhiều, phải dội ra. Quân ta làm chủ trận địa cho đến hết ngày thứ 3, nhưng do lực lượng mỏng, thiếu đạn dược nên rút dần ra Đầu Sấu, phối hợp với Đại đội 2 tiếp tục tổ chức chiến đấu.

 Tiêu diệt đồn bót giặc trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mâu Thân năm 1968. Ảnh: TTXÃ

Sau khi tấn công Đài Phát thanh, Tiểu đoàn 307 đóng ở vùng ven Cần Thơ, từ Cống Đá đến Rau Răm, đánh dằng dai với địch. Trong đó, ta đánh gây thiệt hại nặng cho địch trên cánh đồng Rau Răm vào ngày mùng 9 Tết. Lúc ấy khoảng 3 giờ chiều, trên cánh đồng lúa vừa đỏ đuôi, ta phát hiện có 40 trực thăng đổ quân, có cả quân Mỹ và ngụy. Chỉ một lúc sau, số trực thăng đổ quân đã tăng lên khoảng 120 chiếc. Bọn chúng triển khai lực lượng, tiến về đội hình Đại đội 3. Tôi lệnh cho anh em: “Để chúng vô sát hãy bắn!”. Chúng tiến vô chỉ cách đội hình quân ta 30 mét, tôi hạ lệnh nổ súng. Bị bất ngờ, bọn chúng dội ngược, bỏ lại nhiều xác chết và 4 máy truyền tin PRC25. Đến khoảng 6 giờ chiều, chúng tiếp tục tấn công đợt 2, lại bị ta đánh dội ra, ta thu thêm 4 máy PRC25. Đêm đó, ta tổ chức đánh tập kích vào đội hình quân địch, tiêu diệt hàng trăm tên, rồi đưa đơn vị lùi về Rạch Nhum củng cố lực lượng...

Tháng 11-1968, sau thời gian điều nghiên, Tiểu đoàn 307 được lệnh tấn công Sân bay Lộ Tẻ (thường gọi là Phi trường 31). Quân ta đã khéo léo, mưu trí vượt qua một tường rào và 14 lớp rào kẽm gai với hàng loạt lô cốt vào bên trong sân bay mà địch không hề hay biết. Quân ta dùng lựu đạn đánh cháy hàng loạt máy bay đang đậu trong các ụ và đường băng. Lúc này, chúng chống trả quyết liệt, dùng xe bọc thép vây quanh sân bay không cho lực lượng ta thoát ra ngoài. Quân ta chiến đấu dũng cảm, trong đó có 11 đồng chí còn kẹt lại trong sân bay đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng... Trong trận này, ta diệt 67 máy bay các loại và hàng trăm tên địch. 3 ngày sau, Tiểu đoàn có lệnh rút về tuyến sau để củng cố, huấn luyện và bổ sung quân số.

MINH THÙY (ghi)

Trung tá Ngô Văn Đông (Ba Đông), NGUYÊN ĐẠI ĐỘI PHÓ, TRỢ LÝ QUÂN KHÍ Trung đoàn 1 (Quân khu 9):
300 NGÀY ĐÊM BÁM TRỤ LỘ VÒNG CUNG

Khoảng tháng 12-1967, bộ phận hậu cần thuộc Trung đoàn 1 (Quân khu 9) của tôi công tác đang đóng ở Ba Hồ (Kiên Giang), thì được lệnh chuẩn bị “vào thành phố Cần Thơ ăn Tết”. Lập tức, đơn vị nhanh chóng hành quân về Cần Thơ theo kinh Xáng cũ tới xã Nhơn Ái, Nhơn Nghĩa (huyện Phong Điền ngày nay) đúng vào ngày 30 Tết. Phân đội của tôi gồm 7 người làm nhiệm vụ nhận và cấp phát vũ khí cho Trung đoàn chiến đấu, đóng tại Rạch Sung, xã Nhơn Nghĩa. Khi các lực lượng ta đồng loạt nổ súng tấn công vào thành phố Cần Thơ đêm 30 rạng 31-1-1968 (tức đêm mùng 1 rạng mùng 2 Tết Mậu Thân), Phân đội tiến theo Lộ Vòng Cung vào đến Rau Răm, xã Long Tuyền, thì đụng địch và chiến đấu cả ngày hôm sau mới vô được tới rạch Đầu Sấu...

Khi ta mới đánh vô mạnh mẽ, địch hoảng loạn, nhưng dần dần chúng củng cố lực lượng, chống trả quyết liệt. Chiến sự dằng dai từ cầu Đầu Sấu vô Rau Răm, Bông Giang (xã Mỹ Khánh). Suốt gần một tháng đánh nhau giằng co, ta xác định phải bám trụ lại Lộ Vòng Cung chiến đấu lâu dài. Phân đội được lệnh rút về đóng ở khu vực từ cầu Trường Tiền tới Rạch Kè, xã Mỹ Khánh. Để bám trụ lâu dài, đơn vị đã cùng du kích địa phương xây dựng hệ thống công sự phòng thủ, vừa để chiến đấu, tránh bom, vừa để ở.

Đến ngày 15-2-1968, địch tăng viện Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn 2, Sư đoàn 9 Bộ binh Mỹ, phối hợp cùng thủy quân lục chiến Mỹ - ngụy, trung đoàn thiết giáp, tiểu đoàn pháo cơ động... bắt đầu mở những trận càn lớn. Đơn vị tôi được trên giao nhiệm vụ tiếp tục bám trụ ở Rạch Kè để bảo vệ khoảng một tấn vũ khí, đạn dược. Trong bối cảnh địch bắn phá, càn quét liên tục, việc bảo vệ khối lượng vũ khí như vậy không phải chuyện dễ dàng.

Trong cái khó ló cái khôn. Tôi nhờ bà con mua thùng phuy về, cắt 1/3 phần đầu thùng xẻ rộng vành mép sao cho đậy được lên phần dưới thùng, rồi cùng 6 đồng chí trong phân đội phối hợp với lực lượng du kích xã cho vũ khí vào thùng phuy, đào hầm giấu. Hầm vũ khí được đào ở các bụi tre, phía trên gài trái đề phòng nếu bị phát hiện thì hủy số vũ khí đó.

Một mặt cất giữ vũ khí cẩn thận, tôi và đồng đội còn tổ chức gài chông, mìn để chống giặc đi càn. Tôi còn nhớ, lần đó vào khoảng tháng 6 âm lịch, nước ngập ruộng, sau khi đơn vị gài 4 trái mìn định hướng loại 3 ký xung quanh một cái đìa ngang để chống càn, thì một tiểu đoàn địch đi càn về dừng lại nghỉ trưa. Có một tên sục sạo đi tìm hầm của ta thì vướng mìn, nổ, kích thích luôn mấy trái mìn định hướng nổ theo, làm chúng thương vong 36 tên, trong đó có 2 sĩ quan.

Quân giải phóng tiến về Cần Thơ - Mậu Thân 1968.
Ảnh: BẢO TÀNG QK9 

Bám trụ ở Vòng Cung, một khó khăn khác là thiếu quần áo, lương thực, vì phần lớn bà con đã chạy dạt ra ngoài. Tôi và đồng đội phải lượm mót những khúc bánh tét, bánh lá dừa nửa sống nửa chín bỏ ở bên đường để nấu cháo ăn. Rất may là lúc ấy vào mùa vú sữa, những giọt sữa ngọt từ loại trái cây đặc sản này đã giúp chúng tôi vượt qua cơn đói ở chiến trường từng được gọi là tuyến lửa này. Có một hôm, khi tôi đang ở trên cây vú sữa, nghe bom nổ, liền phóng nhanh xuống để lao vào hầm nhưng không kịp, bị hơi bom B52 giật ngược bất tỉnh. Nên bây giờ, mỗi khi tới mùa vú sữa, tôi lại nhớ tới thời kỳ ác liệt đó với những kỷ niệm khó phai cùng đồng chí, đồng đội...

Đến hết tháng 10 âm lịch, tôi và phân đội được lệnh rút ra khỏi Lộ Vòng Cung, tính ra đã trên 300 ngày đêm bám trụ. Năm đó, tôi được tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua, cùng với 3 bằng khen vì thành tích bám trụ, chống càn, bảo vệ an toàn vũ khí.

N. MINH (ghi)

Đồng chí Bùi Tấn Thanh, nguyên Trung đội phó Trung đội Biệt động thành (Tỉnh đội Cần Thơ):
ĐỘT KÍCH VÀO CƠ QUAN ĐẦU NÃO VÙNG 4 CHIẾN THUẬT NGỤY

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, đơn vị Biệt động thành phố được Tỉnh đội Cần Thơ giao nhiệm vụ đánh thẳng vào cơ quan đầu não của Bộ chỉ huy Vùng 4 chiến thuật ngụy (trại Lê Lợi, ở vị trí Bảo tàng Quân khu 9 bây giờ).

Sau khi được lệnh, anh em trong Đội biệt động thành - gồm 12 đồng chí, do anh Tư Cầu chỉ huy, tôi vừa chiến đấu vừa phụ trách y tế trận địa - rất phấn khởi và tập hợp chờ lệnh. Sau đó, anh em từ rạch Ngã Cạy (Đầu Sấu) được lực lượng hợp pháp đưa vào tiếp cận mục tiêu. Trong đó, một số được cải trang hợp pháp đi công khai đường bộ, một số đi theo đường sông. Vũ khí được đưa vào trước. 11 giờ đêm 30 Tết, lực lượng biệt động thành xuất kích, tiến đến mục tiêu. Nhưng do địch đoán trước quân ta sẽ tấn công vào cơ quan đầu não nên đã chuẩn bị sẵn xe nồi đồng án ngữ ngay đầu lộ Hòa Bình (bùng binh trước cửa Thư viện Cần Thơ bây giờ) chặn đánh quân ta. Ngay từ phút đầu nổ súng, một số chiến sĩ biệt động ta hy sinh. Ta dùng B40 bắn cháy 2 xe nồi đồng, nhưng chúng tập trung lực lượng ngày càng đông nên ta không thể tiếp cận mục tiêu là đánh phá cơ quan đầu não Vùng 4 chiến thuật.

Không chiếm được mục tiêu, trên lệnh cho lực lượng về Nhà ngủ Nam Phương (trên đường Võ Văn Tần ngày nay) chờ lệnh. Đến 5 giờ sáng, địch phát hiện, bao vây Nhà ngủ Nam Phương, tập trung hỏa lực tấn công, các chiến sĩ biệt động thành chống trả quyết liệt. Dù nhiều anh em bị thương, nhưng nhờ vị trí trên cao ném thủ pháo xuống, bọn địch không dám đến gần. Các chiến sĩ biệt động đã anh dũng chiến đấu, đánh bật hơn 15 đợt tấn công của địch. Đến 5 giờ chiều, chúng dùng máy phun dầu, nhằm thiêu hủy cả khu phố, trong đó có lực lượng ta. Nhưng bà con trong khu phố đấu tranh quyết liệt, khiến chúng không thực hiện được mưu đồ dã man. Đến 7 giờ tối, anh em lần lượt rút khỏi nhà ngủ, nhờ bà con đùm bọc nên an toàn. Tôi cùng một số đồng chí vượt sông sang Xóm Chài, gặp anh em mình, tiếp tục tham gia chiến đấu...

SONG LIÊN (ghi)

Đồng chí Ung Thị Bé, nguyên Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Kế Sách (tỉnh Cần Thơ cũ), dẫn đường cho quân ta vào nội thành:
TÌNH QUÂN DÂN GẮN BÓ TẠO NÊN MỘT TẾT MẬU THÂN LỊCH SỬ

Mỗi mùa xuân đến, gợi lên trong tôi bao niềm vui lẫn nỗi buồn khó tả. Dù đã 40 năm trôi qua nhưng hình ảnh của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 vẫn không thể nào quên trong tâm trí tôi.

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê huyện Kế Sách (tỉnh Cần Thơ cũ), năm 17 tuổi, tôi bắt đầu tham gia làm giao liên cho các đồng chí Huyện ủy Kế Sách, làm Trưởng Ban cán sự phụ nữ ấp rồi Ủy viên Ban chấp hành Đoàn cơ sở xã Xuân Hòa (huyện Kế Sách). Năm 1960, tôi vinh dự được kết nạp Đảng rồi sau đó cơ quan Phụ nữ tỉnh rút về làm cán bộ phong trào. Đến năm 1967, tôi được tăng cường về làm Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Kế Sách. Vào 29 Tết, tôi được Tỉnh ủy Cần Thơ “điều động về thành phố Cần Thơ nhận nhiệm vụ mới”. Khi nhận mệnh lệnh tôi chỉ kịp bàn giao công việc, tháo vội nữ trang gởi lại cho một đồng chí trong cơ quan rồi đi ngay. Lúc đó, trong lòng rất hồi hộp không biết sẽ nhận nhiệm vụ gì, vì tất cả đều bí mật. Sau đó, giao liên đưa tôi đến Chùa Cô ở Ngã Sáu, huyện Châu Thành. Đến đây, tôi gặp đồng chí Vũ Đình Liệu, lúc đó là Ủy viên Thường vụ Khu ủy Tây Nam bộ, Bí thư Tỉnh ủy Cần Thơ, mới biết là chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công đánh vào Cần Thơ. Và đến giờ phút ấy, tôi mới biết mình được đảm nhận nhiệm vụ quan trọng là dẫn đường cho anh em vào nội thành và gầy dựng cơ sở nội tuyến.

Ngay trong đêm, tôi cùng anh em băng đồng men theo các con rạch vào bên trong lộ Vòng Cung. Đến nửa đêm 30 Tết thì tôi đến rạch Ngã Cạy. Thấy anh em tập trung đông, bà con nghi ngờ lắm, không biết mình thuộc cánh quân nào, chuẩn bị làm gì. Tôi cùng anh em gặp bà con nói cho bà con hiểu về cuộc tổng tiến công của ta. Nghe tin ấy, trên gương mặt mỗi người rạng ngời niềm vui. Bà con đem bánh tét, mứt, thịt kho... chuẩn bị cho các ngày Tết đãi anh em.

Tôi được giao nhiệm vụ dẫn đường cho bộ đội từ Ngã Cạy tiến về Đài Phát thanh và một mũi hướng về cầu Rạch Ngỗng, tiến vô nội thành. Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, tôi tranh thủ theo bà con đi chợ ra quan sát tìm đường để dẫn anh em vào nội ô thành phố. Chuyến đầu tiên tôi dẫn anh em đến Đài Phát thanh thành công, tôi tiếp tục dẫn đường cho bộ đội tiến về cầu Rạch Ngỗng. Cuộc hành quân nhiều lúc phải qua sông, lội bộ, qua những cánh đồng nhà dân thưa thớt, quân ta men theo nhà dân mà đi liên tục trong đêm, nhưng địch hoàn toàn không hay biết. Đúng là bí mật và bất ngờ đối với địch.

Vận chuyển vũ khí vào TP Cần Thơ năm 1968.
Ảnh: HÙNG ANH 

Cuộc tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân không chỉ diễn ra ác liệt ở nội thành, mà càng dữ dội ở ven thành phố. Địch phối hợp các lực lượng lục quân, không quân, lính thủy đánh bộ và các phương tiện máy bay, xe tăng, tàu chiến càn quét tuyến lộ Vòng Cung, quân và dân ta đã chiến đấu vô cùng oanh liệt. Địch đánh phá bừa bãi vào khu dân cư làm cho những vườn cây ăn trái xơ xác, nhà cửa của nhân dân bị đạn, bom cài xới tan hoang. Vừa dứt tiếng bom, đạn thì bà con đã túa ra tìm các anh bộ đội. Nhất là gia đình ông Út Tao, chạy khắp nơi tìm tôi, khi gặp nhau mừng vui khôn xiết, vợ chồng ông chỉ kịp dúi vào tay tôi miếng bánh rồi đi. Trong chiến đấu, ngoài nhiệm vụ dẫn bộ đội vào nội thành, tôi còn cùng đồng đội chuyển những chiến sĩ hy sinh, bị thương về tuyến sau. Suốt cả đêm, tôi cùng một số nữ dân công hì hục đẩy xuồng đưa anh em. Có lần trên xuồng có tiếng anh thương binh rên: “Cứu. Đau quá, cứu...”. Lúc đó tôi đau lòng lắm, chỉ biết tay chống xuồng nhanh hơn để kịp đưa anh về trạm thương binh gần nhất...

Mùa xuân mới lại về, tôi vẫn nhớ về những đồng chí đồng đội, nhớ đến những cơ sở trung kiên và lòng biết ơn những người đã hết lòng hy sinh, chở che, bảo vệ cách mạng trong giai đoạn ác liệt nhất. Chính nghĩa tình quân dân gắn bó máu thịt đã tạo nên một Tết Mậu Thân lịch sử.

NGỌC QUYÊN (ghi)

Chia sẻ bài viết