Tờ Gia Định Báo ra số đầu tiên vào ngày 15-4-1865 tại Sài Gòn là tờ báo Quốc ngữ đầu tiên ở Việt Nam, khởi đầu phong trào báo chí ở Nam kỳ. Những năm 1900 trở đi, báo chí Sài Gòn phát triển khá mạnh, được người dân đón đợi mỗi sáng. Từ tổng hợp một số tài liệu sưu khảo của cố nhà văn Sơn Nam, đôi nét về báo chí xưa vẫn còn trong ký ức
Báo xuân một thuở
Theo nhà văn Sơn Nam, báo xuân là ấn phẩm đặc biệt luôn được mọi người đón đợi vào mỗi dịp cuối năm. Nhà nào cũng chọn mua một vài tờ báo xuân khác nhau để bày trong nhà hoặc làm tặng phẩm cho bạn bè, bà con. Kể cả phòng mạch bác sĩ, tiệm hớt tóc, nhà chùa đều có báo xuân để phục vụ khách trong thời gian chờ đợi. “Tiền lời của báo này (báo xuân - PV) thường được chủ báo giao trọn cho bộ biên tập, cho công nhân nhà in, một dạng “phúc lợi” ngoài lương thứ 13” nhà văn Sơn Nam kể trong “Người Sài Gòn”. Như vậy, nếu so với cách đọc báo xuân và làm báo xuân hiện nay, cách làm này khá tương đồng, dù trải qua hơn trăm năm.
Trong tác phẩm “Báo xuân năm Mậu Thân 1908”, nhà văn Sơn Nam cho rằng tờ Lục Tỉnh Tân Văn số ra ngày 27 tháng Chạp năm Đinh Tỵ (tức ngày 30-1-1908 dương lịch) là tờ báo xuân đầu tiên của báo chí Việt Nam. Tuy nhiên, theo mô tả của ông, tờ báo này không quá đặc sắc cả về hình thức lẫn nội dung ngoài một bài “Kỉnh hạ tân niên” theo kiểu chúc thơ, mong những điều tốt đẹp cho năm mới:
“Chắc năm nay thuận võ điều phong
Như non của chất, đầy đồng lúa vun
Nước giàu dân đặng thung dung”
Ngoài ra, tờ báo còn có một bài viết “Khuyên ăn Tết” với những lời khuyên không nên chè chén bê tha, cờ bạc, bùa ngãi
đồng thời phải ra sức giữ thuần phong mỹ tục.
 |
Bìa báo xuân Phụ Nữ Tân Văn 1930.
Ảnh: VTC news |
Nối tiếp tờ “Lục Tỉnh Tân Văn”, nhiều tờ báo khác ở Sài Gòn những năm 1910 trở đi đều có ấn phẩm xuân như “Phụ Nữ Tân Văn”, “Nam Phong tạp chí”
Nhà văn Sơn Nam nhận định báo xuân từ năm trước năm 1932, các báo xuân chỉ thường đăng tải vài lời chúc tụng đơn giản, tường thuật ngày Tết, với số lượng bài về Tết không nhiều. Nhưng về sau, báo xuân đã có những bài viết đánh động tới lòng trắc ẩn, nhân văn của con người. Đó là những bài hồi ký về ngày Tết trong tù ở Sài Gòn, Côn Đảo, về đời sống gia đình của các chiến sĩ như Nguyễn Văn Tạo, Dương Bạch Mai, Nguyễn Văn Nguyễn. “Chồng ở tù, vợ con ở nhà ăn Tết như thế nào” đó là chủ đề xuyên suốt mà theo Sơn Nam, khiến người đọc không khỏi xúc động. Tờ xuân Phụ Nữ Tân Văn được xem là đi đầu trong việc cải tiến từ hình thức, cách trang trí, dàn trang, bài vở chất lượng và có thêm phần “quảng cáo báo xuân”. Báo xuân có ý nghĩa tổng kết một năm của các lĩnh vực, đề tài mà tờ báo theo đuổi, phản ánh suốt năm qua với những hình ảnh minh họa vui tươi, ý nghĩa. “Sẽ là thiếu sót lớn nếu thiếu bài “Năm ngựa nói về con Ngựa”, “Năm Chuột nói về con Chuột”
Để châm biếm, soạn bài Sớ Táo Quân, tố cáo những bất công của thực dân trong năm qua” nhà văn Sơn Nam ghi lại trong “Người Sài Gòn”. Lĩnh vực giải trí, thường thức ngày Tết rất được xem trọng trong mỗi số báo xuân xưa. Đó là chuyện về tục lệ, cổ tích, thắng cảnh hay cách làm bánh mứt, dọn dẹp nhà cửa.
Nhà văn Sơn Nam khẳng định, báo xuân từ giai đoạn 1932 trở đi đã xuất bán qua tận Lào, Campuchia và Pháp, thường là cho Việt kiều nên có bài “Xuân tha hương” do chính Việt kiều viết.
Báo xưa và anh ký giả
Thật thú vị khi đọc đoạn nhà văn Sơn Nam so sánh giữa nghề văn và nghề báo trong quyển “Dạo chơi”. Ông cho rằng, nghề báo được xem là nghề thực tiễn, đem lại lợi tức (nhuận bút) và danh vọng nhanh chóng. Ông cho rằng: “Người chuyên làm báo, khi bỏ nghề hoặc nhắm mắt chỉ còn cái bút hiệu, không có tác phẩm”.
 |
Tờ An Hà Báo kể chuyện đội bóng đá nữ ở sân banh Tham Tướng Cần Thơ. Ảnh: DUY KHÔI |
Cũng bởi người viết báo phản ánh những điều tốt đẹp trong xã hội và đả phá, lên án chế độ bóc lột thực dân nên ký giả rất được người dân tin tưởng, thương mến: “Khi nghe tin người ký giả bị chủ báo đuổi, thất nghiệp tạm thời, hoặc bị bắt về tội
“liên can chính trị” thì mọi người đều xúc động” (“Người Sài Gòn”). Ngẫm chuyện Sơn Nam kể về cách làm báo 80 năm trước, ta thấy vẫn còn vẹn nguyên ý nghĩa và trở thành kim chỉ nam cho mỗi tờ báo. Từ năm 1930 trở đi, người Sài Gòn quen thuộc bóng dáng anh ký giả. Mỗi buổi sáng, anh ngồi quán cà phê lề đường, trò chuyện và hỏi han tin tức, nghe lời khen chê, bình luận của anh kéo xe kéo, anh phu khuân vác, chị bán cháo lòng, cậu bé đánh giày
Anh ký giả được bạn đọc thương bởi thường viết về đời sống bà con lao động, “chịu khó đòi hỏi “điện, nước” cho xóm nhà lá”
Bài học mà nhà văn Sơn Nam đúc kết là: “Gắn bó với giới bình dân thì báo mới bán chạy, không lỗ lã”. Và cũng để bán chạy, nhiều tờ báo Sài Gòn đã cải tiến nhanh, theo mô hình báo chí hiện đại của Pháp rồi từ từ mang sắc thái Việt Nam, sắc thái Sài Gòn vào trang báo, tạo thành bản sắc riêng.
Từ năm 1908, nhà báo và cũng là nhà văn nổi tiếng Trần Chánh Chiếu, trên tờ Lục Tỉnh Tân Văn (số 42) đã kể chuyện thân phận của nông dân, tá điền bị áp bức, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời nhưng vẫn “vét nồi, giũ bồ”. Hay nhờ báo chí, cuộc đấu tranh giành quyền được sống của nhân dân thuộc địa cơ khổ có hiệu quả. Nhà văn Sơn Nam đưa ra những dẫn chứng như các cuộc khởi nghĩa ở Nọc Nạn (Bạc Liêu), Ba Thê (An Giang)
chống hành động cướp bóc, vơ vét của bọn địa chủ, hà hiếp người đi khai hoang đã được báo chí bênh vực. Khi người dân gặp những gì oan khiên, bất công cũng tìm đến tòa soạn báo nhờ “giải nguy”.
Ở Cần Thơ, tờ báo ra đời sớm nhất là An Hà Báo tờ báo tư nhân, xuất bản 1 tuần 1 số báo. Hơn 16 năm tồn tại (từ năm 1917 đến 1933), An Hà Báo đã phản ánh hoạt động kinh tế, xã hội, giáo dục, văn hóa, văn học
tại Cần Thơ và ĐBSCL. Đọc An Hà Báo, độc giả mường tượng được bức tranh khá toàn diện về đời sống kinh tế - xã hội, văn hóa của Cần Thơ trong giai đoạn lịch sử này. Điển hình như báo có nhiều bài tường thuật các cuộc cúng đình, lễ hội Tống ôn, đội bóng đá nữ ở Cần Thơ... Trong nhiều năm, mỗi dịp Tết, báo đều có bài tường thuật “Lễ Tết tại Cần Thơ”.
Ngày nay, những tờ báo xưa đã trở thành tài liệu nghiên cứu quan trọng của các nhà sưu khảo khi tìm về hiểu về vùng đất và con người ở một giai đoạn lịch sử. Đó là những dữ liệu, con số có tính xác thực cao. Ví như trên tờ báo Đổi Mới (số 40, xuất bản tháng Giêng năm 1972), có bài “Cần Thơ đô thị sầm uất của miền Tây”, khái quát nhiều khía cạnh: từ tên gọi Cần Thơ, các nhân vật lịch sử: Thống chế Nguyễn Văn Tồn, Lãnh binh Võ Duy Tập, Cai tổng Lê Quang Chiểu
cùng những tiềm năng, vị thế của “đô thị sầm uất của miền Tây”. Đoạn quảng cáo của một tiệm chụp hình ở Mỹ Tho cách đây gần 80 năm sau đây cho thấy, doanh nghiệp đã có ý thức “tiếp thị”, quảng cáo trên báo chí: “Trót mấy mươi năm chuyên luyện nghề của chúng tôi, ngày nay chúng tôi quyết đem nghề của mình mà dưng cho chị em, cô bác. Vậy từ đi xin quý vị vui lòng quá bước đến tiệm của chúng tôi một lần, thì mới rõ lời của tôi bố cáo đây là chánh thức vậy. Mỗi món chúng tôi đều hạ giá rất rẻ, không phải vì hạ giá mà chúng tôi làm sơ sài. Xin qúy vị đến một lần sẽ biết ”. Thú vị nhất là tờ quảng cáo này đăng ngay dưới bài “Đêm ở kinh đô Hậu Giang” của tác giả Phan Phan tức nhà văn, nhà báo, nhà chí sĩ cách mạng Phan Ngọc Hiển.
*
* *
Đầu xuân suy ngẫm về cách làm báo, đọc báo của người xưa âu cũng là cách để ta tìm chút phong vị của đất và người Nam bộ: chuộng văn hóa, lễ nghi và năng động thích nghi với những nét văn hóa mới
Đăng Huỳnh
Tài liệu tham khảo:
- Sơn Nam, Người Sài Gòn, NXB Trẻ, 1997.
- Sơn Nam, Dạo chơi, NXB Trẻ, 1994.
- Một số tờ báo xưa: Chấn Hưng Kinh Tế, Phụ Nữ Tân Văn, Đổi Mới, Tân Tiến, An Hà Báo