12/05/2019 - 10:17

Kỷ nguyên vàng của truyền hình Âu - Mỹ sẽ tiếp diễn? 

Kỷ nguyên vàng của truyền hình Âu - Mỹ bắt đầu từ 2010 khi có hàng loạt tác phẩm: “Once Upon A Time”, “The Walking Dead”, “Game of Thrones”, “How to get Away with Murder”, “Veep”… lần lượt chiếm sóng và gây sốt toàn cầu. Sức hút của những phim này kéo dài cho đến nay, nhưng đã xuất hiện những dấu hiệu chững lại. Sự kết thúc của loạt phim thương hiệu trên, cùng với sự phát triển ngày càng nhanh của các dịch vụ trực tuyến, liệu sẽ khiến phim truyền hình sẽ còn chỗ đứng?

“The Walking Dead” ra mắt lần đầu vào năm 2010, gây chú ý bởi đề tài mới lạ về trò chơi điện tử và xác sống; tạo sức hút trên kênh AMC. Tiếp theo, phim truyền hình thực sự bùng nổ với sự xuất hiện của “Game of Thrones” (ảnh) trên HBO vào năm 2011. “Game of Thrones” làm thay đổi mọi quan niệm về phim truyền hình lúc bấy giờ, tạo nên cơn sốt toàn cầu bởi cách khai thác và dẫn dắt câu chuyện đầy mới mẻ. Tuy ở vài tập đầu, “Game of Thrones” bị đánh giá câu khách bởi quá nhiều cảnh nóng và bạo lực; nhưng dần dần người xem bị cuốn hút bởi cuộc chiến chính trị đầy mưu mô và những bí ẩn chồng chất. “Game of Thrones” có lẽ là phim truyền hình đầu tiên táo bạo với quan điểm: nhân vật nào cũng có thể bỏ mạng, kể cả vai chính. Xuyên suốt câu chuyện của “Game of Thrones”, các nhân vật không ngừng thay đổi và chi phối cảm xúc của người xem. Một nhân vật có thể là kẻ ác bị chán ghét ở các phần đầu, nhưng qua các tập có thể dần được yêu thích khi bộc lộ là người hào hiệp, biết phải trái, như: Tyrion, Jaime… Là tác phẩm truyền hình, “Game of Thrones” được đánh giá không thua kém, thậm chí là có sức hút hơn cả các bom tấn huyễn tưởng màn ảnh rộng: “Lord of the Rings”, “Harry Potter”. Qua 7 mùa phát sóng, “Game of Thrones” là tác phẩm thiết lập nhiều kỷ lục, cũng là phim bị tải lậu nhiều nhất trong lịch sử.

Một kỷ nguyên vàng của truyền hình được hình thành với những phim chất lượng như: “Once Upon A Time”, “The Walking Dead”, “Game of Thrones”…, nhưng rất nhanh “Once Upon A Time” đã kết thúc vào năm 2018, còn “The Walking Dead” vừa kết thúc vào cuối tháng 3-2019, trong khi “Game of Thrones” cũng đang đi đến những tập cuối cùng, dự kiến kết thúc vào ngày 19-5 tới. Sự kết thúc của các tác phẩm có sức ảnh hưởng trên đã làm dấy nên nhiều nỗi lo cho ngành truyền hình trong tương lai, nhất là các dịch vụ trực tuyến đang phát triển nhanh và phá vỡ thị hiếu của khán giả. Casey Bloys, giám đốc mảng chương trình của HBO, từng chia sẻ: “Tôi không rõ liệu có còn một “Game of Thrones” thứ hai có thể ra đời hay không, nhưng chúng ta không thể cứ đứng yên lo lắng như thế, phải bắt tay và tiếp tục làm ra tác phẩm mới”.

Thực tế, HBO cũng không còn là kẻ khổng lồ trong mảng truyền hình, mà giờ đã có thêm Netflix, Amazon và nhiều dịch vụ trực tuyến khác đang cạnh tranh khán giả bằng các phim độc quyền. Với những tiện ích công nghệ, Netflix, Amazon, Disney+… đang khai thác, những kênh truyền hình như HBO, AMC phải nỗ lực thay đổi rất nhiều với chiến lược phát triển mới để tồn tại. Đứng trước những sức ép, HBO đã tăng số giờ nội dung dự kiến cho năm 2019 lên 150 giờ, cao hơn 50% so với năm 2017 và 2018. Hãng này cũng không ngừng thay đổi bằng hàng loạt phim mới hấp dẫn, như: “Westworld”, “Big Little Lies”, “His Dark Material”, hay “Watchmen” - tác phẩm được kỳ vọng sẽ thay thế “Game of Thrones” làm nên cơn sốt mới. Khi “Game of Thrones” kết thúc, HBO vẫn tận dụng sức hút của nó để làm thêm các dự án liên quan, trong đó có 4 dự án đang được triển khai.

Paul Verna, chuyên gia phân tích của công ty nghiên cứu thị trường truyền thông eMarketer, nhận định: “Những loạt phim mới cũng không cần thành công vang dội như “Game of Thrones”, thay vào đó nó có thể giúp HBO duy trì dịch vụ xem phim trực tuyến”. Đây là chiến lược mới để HBO lôi kéo người xem đến với dịch vụ mới mang tên HBO Go, ứng dụng miễn phí được thiết kế cho những người đang dùng dịch vụ truyền hình trả phí. Cả HBO, Netflix đến Amazon, Disney+… đều đầu tư hàng tỉ USD để sản xuất phim, cạnh tranh khốc liệt giành thị trường.

Mặc dù phim truyền hình sẽ thay đổi hình thức để đến với khán giả, nhưng sự đầu tư và cạnh tranh từ các đơn vị sản xuất sẽ tạo tiền đề cho những tác phẩm chất lượng hơn. Biết đâu đó lại là khởi đầu mới mở ra kỷ nguyên khác của phim truyền hình.

BẢO LAM (Tổng hợp từ Nytimes, Hollywoodreporter, Forbes)

Chia sẻ bài viết