12/08/2019 - 19:22

Ký kết phụ lục hợp đồng dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận 

Ngày 12-8, tại Trung tâm hội nghị tỉnh Tiền Giang, UBND tỉnh Tiền Giang - đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã tổ chức Lễ ký Phụ lục hợp đồng (PLHĐ) dự án cao tốc BOT Trung Lương - Mỹ Thuận (TL-MT) với doanh nghiệp dự án và liên danh các nhà đầu tư (ảnh).

Theo đó, doanh nghiệp dự án là Công ty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận và liên danh 3 nhà đầu tư Công ty Cổ phần đầu tư cầu đường CII, Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Tuấn Lộc và Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng B.M.T đã thống nhất cùng tỉnh Tiền Giang ký PLHĐ dự án.

PLHĐ dự án được ký kết để điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung một số nội dung của hợp đồng và các PLHĐ được ký trước đó; là cơ sở pháp lý quan trọng để doanh nghiệp dự án vận hành dự án, để hai bên ràng buộc trách nhiệm và hợp tác, cơ sở để các ngân hàng thẩm định, giải ngân vốn tín dụng, tiền đề để dự án được vận hành trơn tru, về đích đúng thời hạn như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

PLHĐ vừa ký kết xác định tổng mức đầu tư của dự án là 12.668 tỉ đồng (tổng mức đầu tư ban đầu của dự án là 14.678 tỉ đồng); trong đó vốn ngân sách nhà nước (NSNN) hỗ trợ là 2.186 tỉ đồng; nguồn vốn BOT 10.482 tỉ đồng (vốn vay từ các ngân hàng thương mại là 7.694 tỉ đồng). Trong trường hợp có thay đổi về tổng vốn đầu tư, vốn BOT thì vốn chủ sở hữu sẽ được điều chỉnh theo cho phù hợp.

PLHĐ cũng xác định: trường hợp nguồn vốn hỗ trợ từ NSNN 2.186 tỉ đồng không hoặc chưa được bố trí giải ngân trong năm 2019 theo kế hoạch tiến độ của dự án thì Nhà đầu tư có quyền đề xuất gia hạn hoặc hoãn, tạm dừng dự án. Mặt khác, trường hợp các ngân hàng thương mại không thu xếp nguồn vốn vay cho dự án (mà lỗi không thuộc về nhà đầu tư) hoặc các yêu cầu giải ngân bắt buộc với dự án mà nhà đầu tư không thể thực hiện được, thì nhà đầu tư và UBND tỉnh thống nhất báo cáo Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ xem xét giải quyết, đồng thời đề xuất Chính phủ bố trí nguồn vốn khác để thực hiện dự án.

Trước đó, ngày 7-8 vừa qua, tỉnh Tiền Giang đã tổ chức họp bàn để tháo gỡ nút thắt về vốn tín dụng cho dự án này với sự tham gia của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các Ngân hàng tài trợ tín dụng cho dự án và Nhà đầu tư.

Bộ Tài chính khẳng định đã chuẩn bị sẵn bản kế hoạch sử dụng nguồn tăng thu năm 2018 để trình Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm bố trí phần vốn NSNN 2.186 tỉ đồng cho dự án cao tốc này. Nếu không có gì thay đổi, phần vốn NSNN sẽ được thông qua và giải ngân trong tháng 9-2019.

Về phía NHNN, Phó Thống đốc Đào Minh Tú chỉ đạo các tổ chức tín dụng thu xếp vốn cho dự án. Ông khẳng định: “Đây là dự án hiệu quả trong đầu tư thương mại, các ngân hàng cần mạnh dạn cho vay, đồng thời đề nghị các ngân hàng không áp đặt tỷ lệ  vốn tự có của nhà đầu tư bằng 30% tổng mức đầu tư là điều kiện tiên quyết. Hiện nay, các Ngân hàng TMCP không thiếu vốn, nếu có thiếu thì NHNN sẵn sàng bù đủ vốn cho nhu cầu tín dụng của dự án. Trong quá trình cho vay vốn tín dụng, nếu ngân hàng có khó khăn, vướng mắc phải báo cáo ngay và NHNN sẵn sàng có phương án hỗ trợ không chỉ khi triển khai dự án, mà cả cho đến khi dự án hoàn thành”.

Theo ông Mai Mạnh Hồng - Tổng Giám đốc Công ty BOT Trung Lương - Mỹ Thuận: “Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, ấn định rõ thời gian thông tuyến vào năm 2020 và hoàn thành, đưa dự án vào khai thác năm 2021. Vấn đề dự án có về đích, vận hành được vào năm 2021 hay không tùy thuộc rất nhiều về nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng”.

Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là một dự án trọng điểm quốc gia, được Thủ tướng Chính Phủ khẳng định là một cam kết chính trị đối với 20 triệu đồng bào vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, đây cũng là tuyến giao thông đóng vai trò huyết mạch, đòn bẩy cho sự cất cánh về kinh tế - xã hội của cả một khu vực rộng lớn, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của cả nước.

Tin, ảnh: ANH KHOA

Chia sẻ bài viết