08/05/2019 - 17:01

Ký kết phụ lục hợp đồng dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận 

Sáng 8-5, UBND tỉnh Tiền Giang và doanh nghiệp dự án (Công ty Cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận) cùng các liên doanh nhà đầu tư đã ký kết phụ lục hợp đồng của Hợp đồng Đầu tư xây dựng dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận giai đoạn 1 theo hình thức hợp đồng BOT. Các bên cũng cam kết tiếp tục phối hợp, đồng hành để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án.

Lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành Tiền Giang, các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án tham dự buổi lễ ký kết. ảnh: ANH KHOA

Tại buổi ký kết, hai bên cùng xác nhận Cơ quan nhà nước có thẩm quyền của dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận là UBND tỉnh Tiền Giang, được tiếp nhận chuyển giao từ Bộ Giao thông Vận tải. Đây là một bước xác nhận trách nhiệm của các bên trong việc tháo gỡ các “nút thắt” làm chậm tiến độ dự án 10 năm qua, đồng thời xác định cụ thể trách nhiệm của các bên trong thời gian tiếp theo của dự án. Trước đó, để gỡ khó cho dự án, lãnh đạo Chính phủ đã có buổi làm việc với các bên liên quan, UBND tỉnh Tiền Giang và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý chuyển đổi Cơ quan nhà nước có thẩm quyền và quyền phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án từ Bộ Giao thông Vận tải sang UBND tỉnh Tiền Giang theo Thông báo số 99/TB-VPCP ngày 18-3-2019 của Văn phòng Chính phủ. 

Lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang và doanh nghiệp dự án, cùng các liên doanh các nhà đầu tư ký kết phụ lục hợp đồng.

ảnh: ANH KHOA

Kết quả đàm phán giữa UBND tỉnh Tiền Giang và liên doanh nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án, đã thống nhất ký phụ lục hợp đồng của Hợp đồng BOT số 14 ngày 18-11-2016 ký giữa Bộ Giao thông Vận tải và liên danh nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án. Phụ lục hợp đồng với các nội dung chính: thay đổi Cơ quan nhà nước có thẩm quyền; thay đổi thông tin người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp dự án; quy trình thẩm định, phê duyệt thiết kế, lựa chọn nhà thầu; quản lý dự án, giám sát thi công; tạm ứng hợp đồng thi công; lãi suất, lãi vay đối với vốn BOT. Thông qua ký kết phục lục hợp đồng, các bên cũng đã cam kết sẽ tiếp tục phối hợp, đồng hành để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thời gian tới, để đảm bảo các mốc chính tiến độ của dự án. Phấn đấu đến cuối năm 2020 thông tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Ông Lưu Xuân Thủy, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận, cho rằng: Để đi đến thống nhất ký hợp đồng phụ lục ngày hôm nay, doanh nghiệp dự án và UBND tỉnh Tiền Giang đã giải quyết rất nhiều khúc mắc, xóa bỏ các khoảng cách về quan điểm, những tồn tại. Phụ lục hợp đồng là bước xác lập đầu tiên về mặt pháp lý hợp đồng giữa UBND tỉnh Tiền Giang và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án; còn các thủ tục tiếp theo doanh nghiệp dự án sẽ cùng với UBND tỉnh Tiền Giang giải quyết. Doanh nghiệp dự án mong UBND tỉnh Tiền Giang, Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục hỗ trợ, quan tâm và đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời gian tới, nhất là thu xếp vốn tín dụng và giải ngân vốn ngân sách Trung ương.

Lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang và doanh nghiệp dự án, cùng các liên doanh các nhà đầu tư ký kết phụ lục hợp đồng.

ảnh: ANH KHOA

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Anh Tuấn, nhấn mạnh: Hiện nay, hạ tầng giao thông của vùng ĐBSCL còn yếu kém, áp lực đặt ra cho Quốc lộ 1 (đoạn qua tỉnh Tiền Giang) cũng đang bức xúc. Dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận giải quyết vấn đề giao thông cho cả vùng, kết nối ĐBSCL với TP Hồ Chí Minh. Việc Chính phủ giao cho tỉnh quản lý dự án này là trọng trách rất lớn. Tiền Giang đã nỗ lực hết sức kể từ ngày tiếp nhận dự án đến nay, những vấn đề gì địa phương chưa nắm được phải trao đổi xin ý kiến các bộ ngành Trung ương để thực hiện cho đúng quy định. Ký phụ lục hợp đồng là cơ sở pháp lý đầu tiên đối với tỉnh và doanh nghiệp dự án để triển khai các bước tiếp theo của dự án.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Anh Tuấn phát biểu tại lễ ký kết. ảnh: ANH KHOA

 Theo ông Phạm Anh Tuấn, vừa qua tỉnh đã báo cáo Chính phủ 2 vấn đề khó để đảm bảo tiến độ dự án. Đó là giải quyết bài toán về mặt kỹ thuật trong điều kiện thời gian không còn nhiều và về tài chính. Riêng tài chính, đối với vốn ngân sách hỗ trợ 2.186 tỉ đồng tỉnh đã kiến nghị Trung ương sớm có giải quyết. Được biết, phân bổ thông qua vốn trình Quốc hội mới được 500 tỉ đồng, vốn còn lại theo Chính phủ chỉ đạo là sẽ từ nguồn kết dư. Tỉnh cũng đã kiến nghị với Trung ương, nếu phần phân bổ không kịp sẽ cho ứng từ nguồn nào đó giải quyết kịp tiến độ dự án...

Tại buổi lễ ký kết, đại diện UBND tỉnh Tiền Giang đã báo báo tóm tắt tình hình triển khai thực hiện dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận từ khi địa phương tiếp nhận dự án. Đến nay, địa phương đã giải phóng mặt bằng và bàn giao 50,68/51,1 km, đạt trên 98,84%, đang tập trung vận động các hộ dân nhận tiền bồi thường, giải quyết dứt điểm các trường hợp còn tồn đọng để bàn giao mặt bằng cho doanh nghiệp dự án.

Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có tổng chiều dài 51,1 km, với điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (nối tiếp đường cao tốc TP HCM - Trung Lương) và điểm cuối giao với Quốc lộ 30 tại nút giao An Thái Trung (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang). Dự án là một trong những tuyến đường huyết mạch, giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong kết nối vùng Tây Nam Bộ với TP Hồ Chí Minh và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.

     

ANH KHOA

 

Chia sẻ bài viết