09/09/2021 - 10:32

Kỳ chuyển nhượng sôi động của bóng đá châu Âu 

Paris Saint Germain (PSG) và Real Madrid đã không đạt được thỏa thuận về ngôi sao Kylian Mbappe với khoản tiền chuyển nhượng dự kiến lập kỷ lục. Bù lại, ​​những động thái bất ngờ của Messi và Ronaldo cũng giúp kỳ chuyển nhượng mùa hè 2021 của bóng đá châu Âu thật sự sôi động.

Messi (phải) đã có trận đấu đầu tiên trong màu áo PSG. Ảnh: AFP

Messi (phải) đã có trận đấu đầu tiên trong màu áo PSG. Ảnh: AFP

Thuộc quyền sở hữu của ông chủ người Qatar - Nasser Al-Khelaifi, PSG là một trong số ít CLB có thể vượt qua đại dịch COVID-19 để duy trì mức chi tiêu mạnh trên thị trường chuyển nhượng. PSG còn được hưởng lợi khi UEFA nới lỏng một số quy tắc về công bằng tài chính trong tình hình dịch bệnh. Thế nên, đội chủ sân Công viên các hoàng tử không để Kylian Mbappe ra đi, mặc dù tiền đạo người Pháp có thể đến Real Madrid với tư cách là cầu thủ tự do ở tuổi 23 vào mùa hè tới, đồng nghĩa PSG không thể thu được đồng nào. Trong khi đó mức phí chuyển nhượng của anh ở mùa hè này có thể vượt con số 200 triệu USD. Với việc giữ chân Mbappe, PSG bây giờ là đội bóng có dàn sao cực khủng với những Lionel Messi, Mbappe, Neymar, Di Maria, Ramos...

Sau nhiều năm bị xem là giải đấu thất thoát cầu thủ, các CLB Pháp đã vùng lên trong mùa hè này. Ngoài việc PSG mang về Messi, CLB Lyon cũng đã chiêu mộ trung vệ Boateng - nhà vô địch World Cup và Champions League; cùng tiền vệ Xherdan Shaqiri từ Liverpool. Còn CLB Rennes chi hơn 93 triệu USD cho kỳ chuyển nhượng mùa hè này, vung tiền nhiều hơn cả Real Madrid và Barcelona cộng lại.

Nhiều đội bóng Ligue 1 khác cũng chi tiền hiệu quả, đem về nhiều cựu binh. Mamadou Sakho sau 8 năm lăn lộn tại Premier League với Liverpool và Crystal Palace, đã trở lại nước Pháp để nâng cấp cho hàng thủ Montpellier. Tiền vệ Mario Lemina là sự tăng cường đáng kể cho tuyến giữa của Nice, sau nhiều mùa bóng cầu thủ này chinh chiến tại Juventus, Southampton, Galatasaray và Fulham. Cựu tiền đạo tuyển Pháp Kevin Gameiro trở lại đội bóng từng là nơi anh khởi nghiệp - Strasbourg. Một cựu tuyển thủ Pháp khác là Adil Rami cập bến Troyes sau một thập kỷ phiêu lưu tại Sevilla, Milan. Một mùa chuyển nhượng khá rầm rộ báo hiệu sự khởi sắc của các đội bóng Pháp, đồng thời nâng tầm và hình ảnh Ligue 1.

Giải Ngoại hạng Anh (EPL) tiếp tục khẳng định vị thế là giải đấu bóng đá giàu nhất thế giới và là điểm đến được các cầu thủ hàng đầu lựa chọn. Nếu Ligue 1 có được Messi, thì EPL cũng chào đón sự trở lại của siêu sao Ronaldo. Tiền đạo 36 tuổi người Bồ Đào Nha đã quay về sân Old Trafford sau 12 năm, mở ra chương mới cùng Manchester United. Đối thủ cùng thành phố của “Quỷ đỏ”, Manchester City, là một trong số ít CLB có thể sánh ngang PSG về tài chính. Nguồn quỹ từ các ông chủ A-rập cho phép đội bóng của Pep Guardiola trả 139 triệu USD để có cầu thủ chạy cánh Jack Grealish. Ngoài ra, Tottenham cũng đã từ chối lời đề nghị mua tiền đạo Harry Kane của Man City, với phí chuyển nhượng dự kiến hơn 137 triệu USD.

Ngược lại với sự nổi lên của Ligue 1 và EPL, là sự đi xuống của La Liga và Serie A. Messi đến PSG vì Barcelona ​​bị đè nặng bởi khoản nợ lên tới 1,6 tỉ USD. Ngay cả khi Messi ra đi, Barcelona vẫn chưa hết khó khăn, mà còn phải để một số cầu thủ trụ cột khác tìm bến mới nhằm tuân thủ các quy định tài chính ở La Liga.

Serie A không chỉ mất vua phá lưới mùa trước là Ronaldo vào tay EPL, mà còn mất cầu thủ ghi bàn nhiều thứ hai là Romelu Lukaku. Tiền đạo người Bỉ giúp Inter Milan giành ngôi vô địch mùa trước, đã cập bến Chelsea với thỏa thuận trị giá 135,7 triệu USD.

Có thể nói đây là kỳ chuyển nhượng khiến La Liga và Serie A thua sút trong cuộc đua với Ligue 1 và EPL.

LÊ NGUYÊN

Chia sẻ bài viết