23/06/2010 - 20:55

Kiên trì vận động, hỗ trợ người sau cai nghiện để giảm tái nghiện

Theo thống kê của Trung tâm Chữa bệnh Giáo dục Lao động Xã hội TP Cần Thơ, hằng năm Trung tâm tiếp nhận khoảng 1.000 học viên đến cai nghiện. Trong đó, học viên có độ tuổi từ 16-25 chiếm trên 70%. Thế nhưng sau cai nghiện, tỷ lệ tái nghiện khá cao, trong đó cả số tái nghiện bị bắt do phạm pháp hình sự hoặc trở lại các cơ sở cai nghiện khác. Vì thế, hằng năm Trung tâm còn tiếp nhận khoảng 500 học viên tái nghiện ma túy. Đây là thực trạng làm đau đầu nhiều ngành, nhiều đơn vị, địa phương. Chung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Cần Thơ có cuộc trao đổi để ghi nhận ý kiến, kinh nghiệm của lãnh đạo các ngành chức năng trong công tác chống tái nghiện.

* Ông Dương Văn Khương, Phó Giám đốc Trung tâm Chữa bệnh Giáo dục Lao động Xã hội TP Cần Thơ: Cần ý chí quyết tâm của người trong cuộc

 

Trung tâm là nơi giúp người nghiện ma túy cắt cơn nghiện. Bên cạnh việc chăm sóc học viên phục hồi sức khỏe sau khi cắt cơn, chúng tôi còn vận dụng những phương pháp giáo dục giúp học viên nhận biết được tác hại của ma túy để không tái nghiện sau khi trở về địa phương. Sau thời gian cắt cơn, hồi phục sức khỏe, chúng tôi cho học viên tham gia lao động sản xuất tại Trung tâm, hay những công việc thường ngày mang tính vận động như chăm sóc cây cảnh, vườn rau, vào bếp nấu ăn,... để học viên ý thức được cuộc sống của bản thân. Mặt khác, chúng tôi luôn cố gắng đổi mới những hoạt động chăm lo đời sống tinh thần cho học viên bằng việc đầu tư sách, báo; tổ chức những buổi sinh hoạt, hội thao,... Khi học viên lạc quan, tích cực trong lao động, học tập ở Trung tâm ít nhiều giúp học viên có quyết tâm từ bỏ ma túy, cai nghiện thành công, không tái nghiện khi trở về gia đình.

Tuy nhiên, theo kinh nghiệm nhiều năm làm công tác cai nghiện ma túy và tâm sự từ những người đã từ bỏ hẳn ma túy và gia đình của họ thì ý chí quyết tâm của người trong cuộc cùng với sự đón nhận động viên, và hỗ trợ của gia đình khi người cai nghiện trở về cũng là yếu tố quan trọng để giúp những người đã cai nghiện không tái nghiện.

* Ông Nguyễn Minh Đoán, Đội trưởng Đội Xã hội tình nguyện phường Trà Nóc, quận Bình Thủy: Giáo dục bằng sự thân thiện và chia sẻ

 

Đội Xã hội tình nguyện phường Trà Nóc được thành lập vào tháng 10-2009. Với chức năng và nhiệm vụ của đơn vị, chúng tôi xem công tác tiếp cận thành công những người sau cai nghiện, hồi gia là một trong những yếu tố quyết định giúp họ thật sự trở về với cuộc sống đời thường. Trên 90% đối tượng sau cai nghiện về địa phương là những thanh niên trẻ có độ tuổi 20-30. Họ có nhu cầu được giao tiếp, trò chuyện rất cao, nhất là sau thời gian học tập, lao động trong Trung tâm trở về địa phương. Dựa vào đó, chúng tôi xem việc quan tâm, chia sẻ tình cảm, những trăn trở của đối tượng là hành động tiếp sức đầu tiên giúp họ từng bước không trở lại con đường nghiện ngập.

Trong giáo dục, nhắc nhở, chúng tôi dùng biện pháp thân thiện, xem các bạn như người thân của mình, kiên trì gặp gỡ, giữ liên lạc với đối tượng. Chẳng hạn, khi địa phương có thông báo mời các đối tượng đến để tư vấn, giáo dục thì chúng tôi để Hội Phụ nữ hay Đoàn Thanh niên của phường thông báo chứ không để lực lượng công an mời. Trong thông báo mời có ghi rõ nội dung, mục đích và ý nghĩa của buổi làm việc với đối tượng. Chúng tôi cũng làm cầu nối tạo mối quan hệ giữa đối tượng với những thanh niên có phẩm chất đạo đức tốt, chí thú làm ăn ở địa phương, cho đối tượng học hỏi, vượt qua lầm lỗi để sống tốt. Chúng tôi thường xuyên giữ liên lạc với gia đình của đối tượng, đến nhà động viên họ quan tâm, chăm sóc con em. Từ đó, chúng tôi cũng có được sự hợp tác của gia đình và những thông tin về đối tượng trong sinh hoạt hằng ngày. Nếu gia đình là chỗ dựa vững chắc, thì con đường hoàn lương, hòa nhập cộng đồng của người sau cai nghiện ma túy sẽ bền vững hơn.

* Trung tá Lâm Văn Tám, Trưởng Công an phường An Cư, quận Ninh Kiều: Đồng hành và không để người sau cai nghiện “tự bơi”

 

Từ năm 2008, phường An Cư bắt đầu thực hiện mô hình hỗ trợ cho những người hoàn lương, trong đó có người sau cai nghiện trở về địa phương, đặc biệt địa phương luôn chú trọng vấn đề tạo việc làm cho họ. Nếu có việc làm, có thu nhập cơ bản, họ sẽ không bê tha, quay trở lại con đường phạm pháp. Công tác giáo dục người sau cai nghiện hồi gia ở phường không giao hẳn cho một đơn vị, đoàn thể nào. Mỗi ban ngành, đoàn thể của địa phương đều đóng vai trò quan trọng, thể hiện vai trò nòng cốt trong quá trình giúp những người sau cai nghiện hồi gia không tái nghiện. Đó không chỉ là nhiệm vụ công tác mà còn thể hiện cái tâm của con người giúp đỡ, nâng bước cho người lầm lạc. Sau khi thống nhất mô hình, phương thức thực hiện và phân công nhiệm vụ cho cán bộ giáo dục đối tượng, tất cả đều bắt tay vào thực hiện sao cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và hoàn cảnh của đối tượng.

Từ năm 2009 đến nay, địa phương đã vận động và hỗ trợ phương tiện cho 4 trường hợp nghiện ma túy hoàn lương. Chúng tôi đang tiếp tục lập danh sách hỗ trợ những người sau cai nghiện, hoàn lương trở về địa phương. Cán bộ được giao nhiệm vụ mạnh dạn tiếp xúc, kiên trì động viên và thường xuyên có mối liên hệ với họ, làm cho họ không còn mặc cảm, tự ti. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ vốn, việc làm được thực hiện bằng nhiều biện pháp, không để họ “tự bơi”.

Về phía Công an phường phải nắm bắt được những mặt chưa tiến bộ của họ, để xác định chính xác đối tượng cần được giáo dục về mặt nào, hỗ trợ cái gì, giúp khắc phục, sửa chữa. Bên cạnh đó, địa phương còn vận động những đối tượng bán ma túy từ bỏ việc buôn bán ma túy, nếu cần, chúng tôi còn hỗ trợ, giúp họ có phương tiện lao động, ổn định cuộc sống. Qua đó, sau khi được địa phương vận động, hỗ trợ phương tiện lao động , những đối tượng buôn bán ma túy trước đây đã từ bỏ buôn bán ma túy và có chuyển biến tốt. Chính sự hỗ trợ và phối hợp nhịp nhàng của các ban ngành, đoàn thể của phường trong việc giáo dục, giúp đỡ đối tượng từ bỏ hẳn ma túy có hiệu quả.

* Bà Phạm Ngọc Phượng, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ): Giúp người sau cai nghiện có việc làm, thu nhập ổn định

 

Hằng năm, Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP Cần Thơ tiếp nhận và quản lý 800-900 hồ sơ người sau cai nghiện trở về địa phương. Chúng tôi thực hiện hỗ trợ cho họ theo Thông tư liên tịch số 117/2007/TTLT-BTC-BLĐTBXH của Bộ Tài chính và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về chế độ trợ cấp đối với người nghiện ma túy hoàn lương là 750.000 đồng/người/lần. Tuy nhiên, trên thực tế, với nguồn hỗ trợ này, những người sau cai nghiện trở về địa phương rất khó tìm nơi học nghề hay tìm việc làm ổn định, nhất là những người không còn gia đình, người thân giúp đỡ. Bên cạnh đó, Chi cục còn thực hiện các mô hình đào tạo nghề cho những người sau cai nghiện từ nguồn kinh phí vận động của các tổ chức, dự án nước ngoài, thông qua các đề án về đào tạo nghề và hỗ trợ vốn cho người hoàn lương. Kết thúc khóa đào tạo nghề, Chi cục còn tặng đồ nghề, phương tiện để họ làm nghề. Nếu họ sử dụng vốn có hiệu quả và hoàn trả vốn, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ họ mức vốn cao hơn. Ngoài ra, chúng tôi còn vận động các đơn vị, cá nhân cùng địa phương sửa chữa, cất nhà tình thương, tạo điều kiện để họ có nơi ở ổn định, yên tâm làm lại cuộc đời. Đến nay, chúng tôi chưa phát hiện trường hợp nào tái nghiện sau khi được hỗ trợ từ mô hình học nghề của Chi cục.

Mặt khác, thông qua mạng lưới tình nguyện viên, cán sự xã hội của Chi cục, chúng tôi cũng kịp thời nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của họ trong quá trình trở về sống, lao động tại địa phương. Cụ thể, chúng tôi đã thành lập Câu lạc bộ Hồi gia. Đây là địa điểm dành cho những người hoàn lương, trong đó có những người sau cai nghiện ma túy đến sinh hoạt định kỳ hằng tháng. Những người làm công tác quản lý tại địa phương cũng có thể biết được những khó khăn, suy nghĩ của người sau cai nghiện để kịp thời có biện pháp tư vấn, hỗ trợ thiết thực.

Thùy Trang (thực hiện)

Chia sẻ bài viết