07/01/2020 - 08:23

Kiên quyết chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Ban Chỉ đạo Phòng chống tội phạm của Chính Phủ (BCĐ 138/CP) và Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389/QG), đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, các cơ quan quản lý chức năng cần kiên quyết không để lọt tội phạm, không để oan sai người vô tội, kịp thời truy tố xét xử vụ án lớn; Xử lý tin báo tố giác của người dân đúng quy định, kịp thời đình chỉ công tác cán bộ có dấu hiệu bảo kê, bao che, làm ngơ cho các hành vi vi phạm pháp luật, nếu phát hiện bao che, phải xử lý nghiêm dù đó là ai. Nếu địa bàn nào xảy ra các hành vi vi phạm pháp luật nhiều lần thì phải điều chuyển ngay người đứng đầu.

Lực lượng QLTT TP Cần Thơ trong vụ việc kiểm tra, bắt giữ thuốc lá điếu ngoại nhập lậu tại địa bàn thành phố.

Năm 2019, công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm đã được triển khai đồng bộ, nhiều biện pháp, nhiều mặt công tác vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Cơ quan chức năng đã điều tra, khám phá nhanh các vụ án, vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng về ma túy, kinh tế, tham nhũng, công nghệ cao. Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết, các lực lượng Công an các cấp phối hợp với các đơn vị chức năng triển khai các kế hoạch nghiệp vụ, đấu tranh tội phạm. Qua đó đã điều tra, khám phá 40.744 vụ phạm pháp hình sự; 175 vụ tội phạm mua bán người; phát hiện xử lý 14.356 vụ phạm tội kinh tế, 170 vụ buôn lậu, 298 vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ. Phát hiện, xử lý 22.814 vụ, bắt 35.151 đối tượng phạm tội về ma túy; thu giữ 1.494,29kg heroin, 5.500,55kg và 987.913 viên ma túy tổng hợp.

Bàn về gian lận xuất xứ, giả mạo xuất xứ Việt Nam, chuyển tải bất hợp pháp, ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, nhấn mạnh, Tổng cục Hải quan tập trung chỉ đạo toàn lực lượng trên các tuyến đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn và bước đầu đã mang lại những kết quả tích cực trong lĩnh vực gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa. Hàng hóa gian lận xuất xứ, giả mạo xuất xứ Việt Nam gồm các mặt hàng thuộc Nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc: than, máy móc thiết bị của nước ngoài nhưng giả mạo xuất xứ để tiêu thụ trong nước. Điển hình với mặt hàng than, cơ quan hải quan đã tiến hành điều tra, xác minh để chứng minh dấu hiệu vi phạm nhưng đã gặp không ít khó khăn. Để xử lý vụ việc, Tổng cục Hải quan đã trao đổi với Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao xác định cách thức xử lý đối với hàng không có nguồn gốc hợp pháp, không có xuất xứ rõ ràng, tiến hành tịch thu xử lý, đơn cử đã xử lý vụ tàu than lên đến 26.000 tấn, trị giá trên 500 tỉ đồng. Đối với hàng hóa là sợi, may mặc, nhiều vụ việc khi về đến biên giới có khai báo là hàng hóa xuất xứ Trung Quốc nhưng khi kiểm tra thực tế, lực lượng hải quan lại phát hiện có dán tem “Made in Vietnam” với nhãn hiệu Việt Nam, thậm chí giấy bảo hành, đơn vị sản xuất, địa chỉ sản xuất ở Việt Nam, chẳng hạn như vụ việc Công ty Cổ phần tập đoàn Asanzo và các công ty có liên quan, đây được xem là khoảng trống pháp lý quy định về xuất xứ hàng hóa còn chồng chéo. Mặt khác, nhiều hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam để lợi dụng ưu đãi thuế quan. Điển hình Tổng cục Hải quan đã phối hợp với cơ quan điều tra Bộ Công an ngăn chặn Công ty Nhôm Toàn cầu tại Vũng Tàu giả mạo xuất xứ Việt Nam để lợi dụng ưu đãi thuế quan với trị giá hàng hóa 4,5 tỉ USD.

Theo BCĐ 389/QG, 11 tháng năm 2019 các lực lượng chức năng đã phát hiện xử lý hơn 196.830 vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách hơn 20.000 tỉ đồng (tăng 4%). Bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính, nhận định tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến, địa bàn cả nước vẫn còn diễn biến phức tạp. Trên tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới vẫn còn tiếp diễn. Trên tuyến biên giới Tây Nam bộ, địa bàn trọng điểm là các tỉnh: An Giang, Long An, Tây Ninh, Kiên Giang... mặt hàng buôn lậu, vận chuyển trái phép vẫn là đường cát, đồ điện tử, phế liệu và hàng điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng. Vùng biển Đông Bắc, miền Trung và Tây Nam bộ nổi lên hoạt động vận chuyển trái phép xăng, dầu, khoáng sản không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc hợp pháp, hoặc hồ sơ quay vòng nhiều lần, việc mua bán xảy ra ở khu vực biển giáp ranh giữa Việt Nam và nước ngoài, khi bị lực lượng chức năng phát hiện thì chạy khỏi vùng biển Việt Nam. Tại thị trường nội địa, tình hình gian lận thương mại, giả mạo xuất xứ còn phức tạp với các thủ đoạn tinh vi. Trong năm, cơ quan quản lý đã phát hiện nhiều vụ việc giả mạo xuất xứ, nhãn hiệu nước ngoài… Chẳng hạn, tại địa bàn Cần Thơ, ngày 1-7-2019, Đội Cảnh sát Kinh tế Công an quận Bình Thủy phối hợp kiểm tra tại cơ sở kinh doanh điện gia dụng trên địa bàn đã phát hiện nhiều sản phẩm gia dụng không rõ nguồn gốc xuất xứ, trị giá trên 50 triệu đồng. Vụ việc đã được cơ quan Công an xử phạt vi phạm hành chính 30 triệu đồng về hành vi hàng hóa nhập lậu. Cũng trong năm qua, lượng lớn thuốc lá điếu ngoại nhập lậu cũng bị các lực lượng chức năng tại Cần Thơ kiểm tra, bắt giữ.

Theo BCĐ 389 TP Cần Thơ, năm 2019 các lực lượng chức năng đã kiểm tra, bắt giữ và xử lý 1.426 vụ, giảm 405 vụ, tổng số tiền xử lý vi phạm 86.476 triệu đồng. Trên địa bàn không xảy ra các vụ việc nổi cộm, gây bức xúc trong nhân dân.   

Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), cho biết, năm qua, lực lượng cũng đã điều tra, xử lý và chuyển qua cho công an xử lý điều tra nhiều vụ việc, từ sản xuất đến tiêu thụ kinh doanh hàng giả những thương hiệu nổi tiếng. Năm 2020, lực lượng QLTT xác định nhiệm vụ chính quan trọng nhất là tìm cách đẩy lùi lượng hàng giả, tập trung vào 2 nhiệm vụ đó là: đấu tranh phòng ngừa, xử lý vi phạm tại các địa bàn trọng điểm nổi cộm về hàng giả không rõ nguồn gốc xuất xứ và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đến hết năm 2020. Điểm mới của kế hoạch này là sẽ đưa ra danh sách gồm 20 tỉnh, thành phố, tại đây các địa phương liệt kê địa bàn nổi cộm về vi phạm để tập trung xử lý. Tập trung tuyên truyền, ký cam kết, kiểm tra và tái kiểm tra ở từng doanh nghiệp, hộ kinh doanh.

Để quản lý kinh doanh thương mại điện tử, Bộ Công thương, Tổng cục QLTT đã triển khai kế hoạch chống hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ vi phạm trên môi trường mạng. Để xử lý tốt mảng kinh doanh này, lực lượng QLTT sẽ phối hợp với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông. Trong năm 2020, Bộ Công thương sẽ trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Nghị định 52/2013/NĐ-CP ngày 16-5-2013 về thương mại điện tử để tạo hành lang pháp lý, làm sao để quản lý chặt chẽ các đối tượng kinh doanh thương mại điện tử, đặc biệt trên nền tảng mạng xã hội và các ứng dụng trên điện thoại di động thông minh. Đồng thời, Bộ sẽ ban hành chính sách quy định về hàng hóa “Made in Việt Nam” để tạo thuận lợi cho việc xử lý gian lận thương mại, xuất xứ hàng hóa và lưu hành tại thị trường nội địa.

Bài, ảnh: KHÁNH NAM

Chia sẻ bài viết