12/09/2013 - 20:38

Kiên Giang: Nông dân trồng gừng thu nhập cao

Những ngày qua, tại xã Minh Thuận và An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng (Kiên Giang) thương lái từ các nơi đổ về mua gừng với giá khá cao, tăng gấp 3 - 4 lần so cùng kỳ năm 2012, nhiều nông dân trồng gừng phấn khởi.

Theo nhiều nông dân trồng gừng xã Minh Thuận, mặc dù chưa vào thời điểm thu hoạch rộ, nhưng gừng được thương lái vào tận nơi mua từ 15.000 - 17.000 đồng/kg. Ông Nguyễn Quốc Tiến, một trong những hộ trồng gừng nhiều năm, ngụ xã Minh Thuận, cho biết: "Năm trước, gừng thu hoạch bán giá 3.000 đồng/kg. Năm nay, gừng tăng giá trở lại, tôi rất vui. Bởi, với giá gừng hiện nay, dự kiến đến khi gừng thu hoạch năng suất 7 tấn/công, sau khi trừ chi phí, tôi lãi gần 100 triệu đồng/công". Đối với một số diện tích gừng bệnh thối củ, người dân đành bán gừng non nhưng vẫn thu lợi nhuận. Bà Tạ Thị Phân, ngụ ấp Minh Dũng A, xã Minh Thuận, trồng 1 công gừng, bán gừng non giá 14.000 đồng/kg, lãi 30 triệu đồng/công. "Từ nay đến Tết Nguyên đán 2014, giá gừng có thể lên đến 20.000 đồng/kg. Đây là tín hiệu vui cho bà con nông dân trồng gừng", bà Phân cho biết thêm.

Nếu giá thu mua gừng tươi duy trì như hiện nay, người trồng gừng huyện U Minh Thượng sẽ có nguồn thu nhập cao trong thời gian thu hoạch gừng cuối vụ, kéo dài đến tháng 11 Âm lịch. Tuy nhiên, diện tích gừng của huyện đang giảm. Năm 2011, toàn huyện có 260ha gừng, tập trung chủ yếu tại hai xã Minh Thuận và An Minh Bắc; năm 2012 còn  86ha và năm 2013 chỉ còn 32ha. Theo ông Lê Văn Dũng, Trưởng Trạm Khuyến nông, Khuyến ngư huyện U Minh Thượng, những năm qua, khi giá gừng tăng, người dân tập trung trồng gừng, khiến diện tích gừng tăng đột biến, nguồn cung vượt cầu, kéo theo giá bán xuống thấp. Vì vậy, bà con chuyển sang trồng những cây trồng khác. Cùng với đó, bệnh thối củ xuất hiện trên gừng làm giảm năng suất và gây thiệt hại nhiều diện tích gừng nên diện tích ngày càng thu hẹp.

Cây gừng U Minh Thượng từng giúp nhiều nông dân nơi đây thoát nghèo. Do đó, không ít người quyết tâm "bám" gừng để cải thiện kinh tế gia đình, mặc dù giá cả còn bấp bênh. Để đầu ra của cây gừng ổn định hơn trong thời gian tới, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp và nông dân có sự liên kết hợp tác từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Trong đó, chính quyền địa phương thực hiện quản lý, điều hòa mối quan hệ giữa doanh nghiệp và nông dân. Ngoài ra, các cơ quan chuyên môn tăng cường hướng dẫn kỹ thuật trồng gừng, nhất là các biện pháp phòng, chống bệnh thối củ gừng và tìm đầu mối giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm.

LÊ SEN

Chia sẻ bài viết