19/09/2021 - 06:20

Kiểm soát tốt dịch bệnh để phục hồi, phát triển kinh tế 

Các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ (ĐNB) và ĐBSCL có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đóng góp lớn vào sự tăng trưởng, thu ngân sách, xuất nhập khẩu của cả nước. Năm nay, các địa phương trong vùng triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khi TP Hồ Chí Minh và nhiều địa phương trở thành “tâm dịch” của lần tái phát dịch thứ tư này. Vì vậy, tốc độ tăng trưởng kinh tế của các địa phương giảm mạnh.

Tốc độ tăng trưởng giảm

Chế biến thủy sản xuất khẩu tại doanh nghiệp ở Khu Công nghiệp Trà Nóc 2, TP Cần Thơ.

Chế biến thủy sản xuất khẩu tại doanh nghiệp ở Khu Công nghiệp Trà Nóc 2, TP Cần Thơ.

Theo bà Bùi Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sự bùng phát mạnh của làn sóng COVID-19 lần thứ 4 khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, vùng ĐNB có số doanh nghiệp dừng hoạt động tăng 20% so với cùng kỳ. Việc thực hiện “3 tại chỗ” khiến các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề về chi phí sản xuất, trách nhiệm lo ăn ở cho người lao động... Bên cạnh đó, trước tình hình thiếu nguồn lao động, nhiều doanh nghiệp đã phải ngưng sản xuất trong giai đoạn giãn cách xã hội. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 8 tháng đầu năm của cả nước là 85%; trong đó, nhiều nhất là ở TP Hồ Chí Minh, chiếm 28% cả nước. Tính đến cuối tháng 8, tại các tỉnh, thành phía Nam đã có gần 2,5 triệu lao động trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phải ngừng việc, chiếm gần 70% số lao động phải ngừng việc của cả nước.

Năm nay, dự báo vùng ĐNB và ĐBSCL có nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội không đạt kế hoạch. Trong đó, có các chỉ tiêu về tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GRDP), GRDP bình quân đầu người, kim ngạch xuất khẩu, thu ngân sách nhà nước, vốn đầu tư toàn xã hội... Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại hội nghị trực tuyến xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2022 vùng ĐNB và ĐBSCL diễn ra ngày 15-9-2021, tốc độ tăng trưởng bình quân của 2 vùng trong 6 tháng đầu năm nay đều thấp hơn tốc độ tăng trưởng của cả nước. Trong đó, vùng ĐBSCL đạt 4,5%, vùng ĐNB đạt 4,58%, cả nước là 5,64%. Dù một số địa phương có tốc độ tăng trưởng cao hơn mức bình quân chung cả nước nhưng trước tình hình ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh thì dự kiến cả năm 2021, tốc độ tăng trưởng của 2 vùng còn thấp hơn nữa. Thu ngân sách nhà nước 2 vùng trong 8 tháng đạt hơn 495.000 tỉ đồng, chiếm hơn 46,5% số thu cả nước. Kim ngạch xuất khẩu của 2 vùng ước đạt 87,54 tỉ USD, chiếm khoảng 41,1% cả nước, trong đó vùng ĐNB ước đạt 77,9 tỉ USD, chiếm khoảng 36,6% cả nước, tăng khoảng 21,8% so với cùng kỳ…

Kiểm soát dịch bệnh, khôi phục kinh tế

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, 8 tháng đầu năm, kinh tế của thành phố tăng trưởng chậm, hiện nay nhiều lĩnh vực giảm sâu và khả năng đến cuối năm 2021 không hoàn thành các chỉ tiêu lớn về kế hoạch kinh tế - xã hội và thu ngân sách, ảnh hưởng rất tiêu cực cho triển khai kế hoạch 2022. Trước tình hình này, thành phố triển khai 3 nhóm giải pháp lớn. Thứ nhất, sẽ xây dựng và ban hành kế hoạch phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và phục hồi kinh tế từ nay cho đến cuối năm 2021 và năm 2022, với quan điểm sống thích ứng, an toàn và nới lỏng giãn cách trên cơ sở đảm bảo an toàn. Do đó, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của thành phố khi được nới lỏng, phải đảm bảo an toàn và chỉ an toàn mới mở rộng; an toàn tới đâu, mở rộng tới đó. Thứ hai, rà soát lại kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 trong bối cảnh tác động của đại dịch COVID-19, đưa ra các kịch bản và giải pháp cụ thể. Thứ ba, rà soát kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm, năm 2021 và xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2022.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, tình hình kinh tế - xã hội của TP Cần Thơ phát triển tương đối ổn định, tốc độ tăng GRDP thành phố đạt khá 5,61%. Tuy nhiên, trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, tình hình này của thành phố trong tháng 7, tháng 8 tiếp tục ghi nhận khó khăn nhiều hơn và giảm sâu so với tháng 6 cũng như cùng kỳ năm trước. Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thực Hiện cho biết: “Cần Thơ đã đưa ra nhiều giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 và cơ bản từng bước kiểm soát dịch bệnh. Hiện thành phố cũng tập trung xét nghiệm toàn dân để tách bóc F0 ra khỏi cộng đồng, đưa thành phố trở lại trạng thái bình thường mới. Từ ngày 18-9 đến cuối năm, TP Cần Thơ xây dựng kế hoạch và phương án để làm sao từng bước khôi phục và phát triển kinh tế trong năm nay và cả năm 2022. Thành phố cũng tập trung triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 và của năm 2021, chú ý đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các công trình trọng điểm và dự án có sử dụng vốn ODA...”.

Cùng với việc tập trung ưu tiên hàng đầu cho công tác kiểm soát dịch bệnh, các địa phương vùng ĐNB và ĐBSCL đang quan tâm cập nhật, rà soát lại các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội để có giải pháp thực hiện tốt. Tích cực hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời các khó khăn cho người dân và doanh nghiệp trong khôi phục và phát triển các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, chủ động xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2022.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, việc kiểm soát dịch của các địa phương là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, bởi kiểm soát được dịch mới mở cửa dần cho doanh nghiệp, người lao động quay lại sản xuất, kinh doanh; từ đó, doanh nghiệp ổn định, hồi phục, phát triển. Lãnh đạo các địa phương phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành để quán triệt quan điểm chỉ đạo và xây dựng giải pháp hỗ trợ sản xuất kinh doanh mà vẫn đảm bảo mục tiêu kiểm soát dịch bệnh, đặt tính mạng, an toàn của người dân là trên hết. Hiện kết quả giải ngân vốn đầu tư nói chung, đặc biệt đầu tư công của 2 vùng, chưa đạt kế hoạch đề ra và thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ giải ngân trung bình của các địa phương trong cả nước, với trung bình của cả 2 vùng chỉ đạt 34,1%, trong khi mức trung bình cả nước hơn 40,6%. Các địa phương đã kiểm soát được dịch bệnh và chuẩn bị kiểm soát được dịch, cần tập trung nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp, thúc đẩy giải ngân nhanh hơn vốn đầu tư công, nhất là vốn đầu tư ODA để không bị điều chuyển vốn đi nơi khác và góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho địa phương. Về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2022, các địa phương cần bám sát hướng dẫn, văn bản đã được ban hành để hoàn thiện, cập nhật dự báo sát với tình hình thực tiễn và xu hướng chung của cả nước…

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết