21/12/2013 - 22:42

Kích cầu thị trường ôtô cuối năm

Nhiều đại lý tăng cường chế độ bảo hành, hậu mãi nhằm thu hút khách hàng. Ảnh: T.KHIÊM

Tháng cuối cùng của năm dương lịch 2013, thị trường ôtô Việt Nam trở nên "ồn ào" hơn hẳn khi các nhà sản xuất và phân phối đồng loạt "tung chiêu" kích cầu.

* Chạy đua cuối năm

Gần đây nhất, Toyota Việt Nam thông báo áp dụng chương trình khuyến mãi dành cho mẫu xe có sản lượng lớn nhất nhì của hãng là Corolla Altis. Theo đó, khách hàng mua mẫu xe này trong khoảng thời gian từ nay đến hết ngày 24-1-2014, tức thời điểm khóa sổ nghỉ Tết Nguyên đán, sẽ được tặng phiếu mua xăng trị giá 6 triệu đồng. Trước đó, GM cũng đã thông báo về chương trình giảm giá cho các mẫu xe mang thương hiệu Chevrolet trên thị trường với mức giảm 15-30 triệu đồng/chiếc. Mức giảm sâu nhất thuộc về dòng sedan Cruze với 30 triệu đồng, nhưng chương trình chỉ áp dụng trong tháng 12-2013.

Cố gắng né tránh khái niệm "giảm giá", hãng xe Nhật Bản Mazda đã thực hiện chiêu kích cầu của mình qua hình thức quà tặng. Cụ thể, tất cả khách hàng mua một trong các mẫu xe gồm đa dụng CX-5, CX-9 hoặc sedan Mazda6 sẽ được tặng bộ máy tính bảng Apple iPad mới nhất. Khách hàng mua các mẫu xe khác như: Mazda2, Mazda3 hay dòng bán tải BT-50 sẽ nhận ngay món quà là máy ảnh kỹ thuật số hoặc smartphone đời mới.

Nằm trong "gia đình" Trường Hải nên hình thức tặng quà cũng được áp dụng cho khách hàng mua các mẫu xe mang thương hiệu KIA. Theo đó, trong tháng 12, khách hàng mua xe KIA K3, Sorento, Carens hay Picanto sẽ được tặng các sản phẩm công nghệ như máy ảnh Sony, máy tính bảng Apple iPad hay smartphone Samsung có trị giá từ 3-10 triệu đồng. Mitsubishi vốn lâu nay im ắng thì nay cũng không thể đứng yên trước sự ồn ào chung của thị trường. Và khi "lên tiếng", hãng xe Nhật Bản này lại mạnh tay hơn cả khi tiến hành giảm giá sâu nhất, lên đến 58 triệu đồng đối với mẫu xe đa dụng chủ lực của mình là Pajero Sport. Trong khi đó, khách hàng mua mẫu xe bán tải Triton cũng được hưởng mức giảm giá 30-40 triệu đồng. Chỉ có "gương mặt" mới nhất trong gia đình Mitsubishi tại Việt Nam là Mirage không nằm trong diện giảm giá để "kích cầu".

Thậm chí, hãng xe nổi tiếng "gan lỳ" nhất là Suzuki cũng không thể đứng ngoài cuộc. Hãng xe Nhật Bản này đã phải tham gia "phong trào" bằng động tác giảm giá khá mạnh tay cho sản phẩm xe du lịch duy nhất của mình là Swift với mức 30 triệu đồng.

* Đón nhiều dòng xe thế hệ mới

Việc các hãng xe theo nhau kích thích sức mua trên thị trường vào thời điểm cuối năm là chuyện không còn xa lạ. Tuy nhiên, điểm khác biệt là ở chỗ, mặc dù các con số thống kê đang cho thấy đà tăng trưởng đáng kể nhưng theo đánh giá chung, vẫn là tăng trưởng dưới sức. Cụ thể, con số mới nhất từ Hiệp hội các Nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cho biết, tổng lượng ôtô bán ra trên thị trường tháng 11-2013 đạt 9.295 chiếc, tăng khá so với cả tháng liền trước lẫn cùng kỳ năm ngoái. Giới kinh doanh ôtô nhận định, trong bối cảnh thị trường hiện nay, nhất là khi vừa qua các hãng xe đã liên tiếp tung ra sản phẩm hoàn toàn mới hoặc sản phẩm nâng cấp thì ở góc độ nào đó, sức mua vẫn chưa phản ánh đúng thực tế.

Không khó để nhận thấy phía sau những động thái kích cầu là đa số các mẫu xe nằm trong diện "được" kích cầu đợt này đều là xe vốn có mức sản lượng bán hàng thấp hoặc đang ở phiên bản sắp bị thay thế. Chẳng hạn, mặc dù Corolla Altis lâu nay vẫn là một trong những mẫu xe bán chạy nhất trên thị trường, vượt khá xa so với các đối thủ đồng hạng, nhưng vẫn áp dụng kích cầu. Bởi các đối thủ như Ford hay Honda đều đã tung ra thế hệ Focus và Civic hoàn toàn mới.

Bên cạnh động tác kích cầu từ nhà sản xuất, bản thân các đại lý bán hàng và dịch vụ cũng tự kích cầu nhằm "đẩy hàng" sớm bằng các chương trình khuyến mại riêng của mình. Khi mẫu xe cỡ nhỏ Ford Fiesta đã mang trên mình dòng chữ "all new" thì ngay lập tức, khách hàng mua những chiếc xe đời cũ đồng loạt được nhận mức giảm giá từ hệ thống đại lý 20-50 triệu đồng. Mức giảm này cũng đồng thời áp dụng với một mẫu xe vốn nhiều người ưa chuộng nhưng "tuổi đời" đã khá lớn là Ford Escape. Mặt khác, chưa bao giờ thị trường ôtô Việt Nam lại chật hẹp như bây giờ. Cho dù số lượng các thương hiệu ôtô được sản xuất, lắp ráp trong nước không tăng đáng kể nhưng tốc độ gia nhập thị trường của các thương hiệu nhập khẩu thì lại "chóng mặt". Trong mọi phân khúc sản phẩm hiện nay đều cùng lúc có ít nhất vài ba mẫu xe cạnh tranh trực tiếp. Chẳng hạn Ford Fiesta phải cạnh tranh trực tiếp và ngang ngửa với Toyota Vios, Honda City hay Nissan Sunny; Toyota Corolla Altis lại phải "chiến đấu" với Ford Focus, Honda Civic; hoặc thậm chí phân khúc kén khách hơn như pick-up (xe bán tải đa dụng) cũng có hàng loạt cái tên chen chân nhau như Toyota Hilux, Ford Ranger, Nissan Navara, Mazda BT-50, Mitsubishi Triton...

T. THỦY (CTV)

 

Chia sẻ bài viết