20/11/2013 - 22:17

Khuyến khích doanh nghiệp tham gia xây dựng thị trường gạo nội địa

Từ cơn sốt giá gạo ảo tháng 4-2008, nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo ở TP Cần Thơ bắt đầu quan tâm xây dựng và mở hệ thống phân phối, đại lý, điểm bán lẻ gạo tại thị trường nội địa. Tuy nhiên, hệ thống phân phối nội địa của DN xuất khẩu gạo đến nay vẫn còn hạn chế, DN gặp nhiều khó khăn trong mở rộng thị trường…

Khó truy xuất nguồn gốc

DN xuất khẩu gạo với ưu thế lớn về năng lực dự trữ hàng và khả năng cung ứng được một lượng gạo hàng hóa lớn cho thị trường, các DN đã giúp thị trường gạo nội địa tránh được cơn sốt giá ảo, người tiêu dùng an tâm hơn. Các DN cung ứng ra thị trường nhiều loại lúa gạo chất lượng ổn định, giúp người tiêu dùng có nhiều cơ hội lựa chọn sản phẩm phù hợp với nhu cầu. Tại TP Cần Thơ, ở các siêu thị, người tiêu dùng dễ dàng mua được các loại gạo thông dụng và các loại gạo thơm, ngon được cung cấp bởi nhiều DN xuất khẩu gạo lớn trong nước. Có nhiều DN như: Công ty Cổ phần Gentraco, Công ty Lương thực Sông Hậu, Công ty TNHH một thành viên Nông nghiệp Cờ Đỏ… còn mở thêm đại lý và cửa hàng bán lẻ gạo tại một số quận, huyện trên địa bàn thành phố, giúp người tiêu dùng có thể an tâm về giá cả và chất lượng gạo khi mua hàng tại các điểm bán hàng do DN trực tiếp mở. Tuy nhiên, qua khảo sát các điểm kinh doanh gạo tại các quận, huyện trên địa bàn TP Cần Thơ, phần lớn lượng gạo bán trên thị trường nội địa vẫn do tiểu thương, hộ kinh doanh và các doanh nghiệp nhỏ chi phối. Trong đó, chiếm ưu thế về số lượng trên thị trường vẫn đang là các loại "gạo chợ" và được "rao" trên bảng giá với những cái tên rất hấp dẫn như: gạo Thái, gạo Nàng thơm Chợ Đào, thơm Mỹ, thơm Đài Loan… mà không có tên DN cung ứng. Điều này khiến người tiêu dùng khó phân biệt xuất xứ hàng hóa và chất lượng gạo.

      Thời gian qua, Công ty Lương thực Sông Hậu đã tích cực góp phần bình ổn giá gạo tại TP Cần Thơ khi tham gia mở các cửa hàng phân phối và bán lẻ lương thực, thực phẩm. Trong ảnh: Cửa hàng lương thực, thực phẩm của Công ty Lương thực Sông Hậu ở đường Cách Mạng Tháng Tám, quận Ninh Kiều.

Theo những người kinh doanh có thâm niên trong ngành gạo, thực tế thị trường bán lẻ gạo hiện nay không có gạo thuần, đa số các đại lý bán lẻ đã trộn lẫn nhiều loại gạo với nhau. Cùng một loại gạo IR50404, nhưng có nơi ghi tên gạo là 504, nơi gọi là gạo lúa mới hay gạo cũ… và giá chênh lệch nhau hơn 1.000 đồng/kg. Hiện giá bán gạo IR50404 phổ biến tại một số cửa hàng ở mức 9.000-9.500 đồng/kg nhưng cũng có cửa hàng bán với giá 10.000- 10.500 đồng/kg, thậm chí cao hơn. Tương tự, gạo Jasmine 85 có cửa hàng ghi trên bảng giá là gạo Jasmine, nhưng có nơi gọi gạo Thơm Mỹ…giá bán dao động từ 12.500- 14.000 đồng/kg. Mặc dù các cửa hàng và điểm bán gạo lẻ đều niêm yết giá bán, người tiêu dùng dễ dàng chọn mua loại gạo theo túi tiền của mình. Song, để mua được gạo với giá cả hợp lý, đúng chủng loại, chất lượng tốt là điều nan giải. Chị Huỳnh Thị Mười ở phường An Hòa, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, bức xúc: "Thị trường nội địa đang trong tình trạng "vàng thau lẫn lộn" rất khó phân biệt. Vì lợi nhuận, một số người bán gạo đã pha trộn các loại gạo thông thường với gạo thơm để bán giá cao. Ngoài ra, nhiều người bán gạo lẻ không mua lúa gạo trực tiếp từ nông dân mà mua hàng trôi nổi qua các trung gian, pha tạp nhiều nguồn hàng nên cả người bán cũng khó kiểm soát được chất lượng nói chi đến người tiêu dùng".

Thời gian qua, việc khó truy xuất nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm gạo khiến thị trường gạo thiếu đồng nhất về giá cả, người tiêu dùng thiệt thòi vì có khi mua phải gạo thông dụng nhưng được gắn mác gạo thơm. Việc pha trộn các loại gạo với nhau để hạ giá bán và đánh lừa người tiêu dùng là điều không thể chấp nhận. Để quản lý thị trường gạo, hạn chế thiệt thòi cho người tiêu dùng cần sự nhập cuộc của ngành chức năng trong kiểm soát chất lượng, giá bán gạo.

Khơi thông thị trường

Trên thị trường hiện có một số loại gạo thơm được nông dân liên kết với DN sản xuất theo các tiêu chuẩn sạch, như: gạo thơm sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP hay gạo Jasmine hữu cơ… có giá bán cao hơn các loại gạo thơm thông thường, nhưng chất lượng đảm bảo, an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện nay, để tránh mua nhầm gạo trộn, nhiều người tiêu dùng chọn mua gạo tại các siêu thị và cửa hàng của các DN. Tuy nhiên, hệ thống các siêu thị và cửa hàng bán lẻ gạo của DN chưa phủ rộng khắp các địa bàn, chủ yếu chỉ tập trung ở các quận nội đô, người tiêu dùng gặp khó khi muốn mua hàng. Theo đánh giá của nhiều DN xuất khẩu gạo ở TP Cần Thơ, thị trường nội địa đầy tiềm năng để DN khai thác, nhất là các mặt hàng gạo cấp cao. Trong tình hình đầu ra xuất khẩu gạo không còn thuận lợi như trước thì việc tăng cường tiêu thụ hàng ở nội địa càng có ý nghĩa lớn đối với DN, đồng thời là điều kiện để DN củng cố nội lực trên sân nhà. Song, rào cản lớn nhất mà các DN xuất khẩu khi tham gia bán gạo ở nội địa là phải chịu 5% thuế VAT, mặt bằng để mở điểm bán lẻ, chi phí quản lý... Trong khi các DN bán lẻ, tiểu thương, hộ kinh doanh có nhiều lợi thế hơn vì không chịu khoản thuế này, giá bán rẻ hơn gạo của DN xuất khẩu.

Bà Lưu Thị Lan, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Gentraco, cho biết: "Để khuyến khích các DN mở rộng hệ thống phân phối và cửa hàng bán lẻ nội địa, nhà nước cần xem xét việc miễn hoặc giảm thuế VAT cho DN, nhất là đối với DN có liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm của nông dân. Đồng thời, cần siết chặt hơn công tác quản lý chất lượng và giá cả các sản phẩm lúa gạo ở thị trường nội địa". Theo lãnh đạo một DN xuất khẩu gạo trên địa bàn thành phố, nhiều DN chuyên xuất khẩu gạo tham gia bán gạo ở thị trường nội địa chủ yếu để "lấy tiếng", vì hiệu quả kinh doanh rất hạn chế. Nhà nước cần xem xét miễn thuế VAT để tạo thông thoáng cho đầu ra sản phẩm, tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn tín dụng lãi suất ưu đãi để DN đầu tư, bao tiêu sản phẩm cho nông dân; có biện pháp chế tài những đơn vị kinh doanh gạo kém chất lượng, có truy xuất nguồn gốc sản phẩm, áp dụng thống nhất các quy chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm… vừa giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận biết khi mua hàng, vừa giúp thị trường gạo nội địa cạnh tranh minh bạch, lành mạnh.

Có thể thấy rằng, nhiều DN xuất khẩu gạo rất cố gắng đi vào phân khúc thị trường nội địa, nhưng mức độ thành công còn nhiều hạn chế. Một phần do môi trường kinh doanh, phần khác do thói quen tiêu dùng. Hiện người tiêu dùng vẫn giữ thói quen mua gạo xá (gạo cân ký ngoài chợ, điểm bán lẻ) hơn là gạo có đóng bao, dán nhãn thương hiệu của DN. Theo Nghị định 109/2010/NĐ- CP ngày 4-11-2010 về kinh doanh xuất khẩu gạo, các DN tham gia thị trường xuất khẩu phải có kho trữ lúa gạo (tối thiểu 5.000 tấn), có nhà máy xay xát (tối thiểu 10 tấn lúa/giờ), có giấy phép xuất khẩu do Bộ Công thương cấp; đồng thời phải tham gia bình ổn thị trường nội địa khi giá biến động tăng vượt mức quy định… Thực hiện Nghị định 109, nhiều DN đang tích cực tham gia xây dựng mô hình "cánh đồng lớn", bao tiêu lúa hàng hóa, cung ứng vật tư nông nghiệp cho nông dân, để tạo vùng nguyên liệu, kiểm soát chặt chẽ chất lượng đầu vào, chủ động đầu ra. Đây còn là mô hình giúp DN truy xuất được nguồn gốc khi đối tác nhập khẩu yêu cầu, song, thực tế việc nhân rộng mô hình còn nhiều trở ngại. Để giải quyết căn cơ vấn đề này, các giải pháp từ Trung ương, địa phương đã có, vấn đề còn lại là sự chung sức của cộng đồng để phát huy vai trò của "4 nhà" trong chuỗi liên kết ngành gạo.

Bài, ảnh: Khánh Trung

Chia sẻ bài viết