31/01/2008 - 09:22

Phát triển đàn bò thịt ở đồng bằng sông Cửu Long

Không nên chạy theo phong trào!

(Tiếp theo và hết)

Bài 1: Sự trở lại của con bò thịt

Bài 2: Những vấn đề cấp bách cần giải quyết

Theo Cục Chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), năm 2006 tổng đàn bò ở ĐBSCL đạt khoảng 680.000 con. Tuy nhiên, nhiều tỉnh, thành trong vùng thừa nhận rằng: Sự phát triển đàn bò trong vài ba năm trở lại đây chủ yếu gia tăng tự nhiên. Đàn bò ở ĐBSCL và cả nước đã và đang đứng trước nhiều thách thức cho sự phát triển ổn định và bền vững.

Bài toán khó

Cũng như các tỉnh, thành khác ở vùng ĐBSCL, từ năm 2000, phong trào nuôi bò tại Bến Tre phát triển rất nhanh. Thời điểm đó, nhà nhà nuôi bò sinh sản, bởi một con bò giống (bò cái) có giá trên 20 triệu đồng. Trong khi đó, một con bò cái giá thực tế chỉ 15 triệu đồng (nuôi 1 năm tuổi). Nhiều nông dân nuôi bò sinh sản, bò đẻ hàng loạt, trong khi đồng cỏ không đáp ứng nhu cầu, đã kéo giá bò giảm gần phân nửa.

 Do chọn giống không tốt, ông Lê Văn Năm, xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long phải bán bò với giá thấp. Ảnh: THANH LONG 
Ông Nguyễn Văn Chấn, Giám đốc Trung tâm Giống Gia súc- Gia cầm tỉnh Bến Tre, cho biết: “Năm 2006 trở về trước, người nuôi bò rất lời, bởi đàn bò chưa phát triển nhiều. Còn hiện tại, người nuôi khéo mới huề vốn và tốn công chăm sóc. Con bò giống quay trở lại với giá thực tế của nó, từ 5- 7 triệu đồng/con. Trong tỉnh chỉ có đàn bò ở huyện Ba Tri vẫn giữ được mức giá cao, khoảng 10 triệu đồng/con”.

Ngoài ra, việc chạy theo phong trào và không kiểm soát được chất lượng con giống đã đẩy một số hộ nuôi bò lâm vào cảnh nợ nần khi giá bò giống giảm. Nhằm cải thiện chất lượng đàn bò thịt, ngành chăn nuôi Bến Tre chú trọng áp dụng phương pháp gieo tinh nhân tạo. Hiện tại, nhà nước hỗ trợ 40% chi phí, còn lại người nuôi phải trả tiền (chi phí một lần gieo tinh từ 40.000- 47.000 đồng). Lực lượng dẫn tinh viên toàn tỉnh có 49 người đã được đào tạo qua trường lớp, nhưng thực chất chỉ 25 người hoạt động. Theo ông Nguyễn Văn Chấn, Giám đốc Trung tâm Giống Gia súc- Gia cầm tỉnh Bến Tre, chi phí đào tạo một dẫn tinh viên khoảng 4 triệu đồng (đào tạo trong 1 tháng), khá tốn kém nên đặt ra một bài toán khó cho việc cải thiện chất lượng đàn bò giống.

Còn tại Vĩnh Long, do không chọn lọc được nguồn giống ban đầu tốt nên ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả của việc nuôi bò thịt. Cách nay khoảng một tháng, gia đình ông Lê Văn Năm, ở xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm bán con bò cái khoảng 70 kg trên 3 năm tuổi chỉ với giá 3,5 triệu đồng. Mức giá này giảm gần phân nửa so với 3 năm trước. Ông Năm nói: “Do chọn giống từ con mẹ không tốt nên con bò này chậm lớn, bị thương lái ép giá dữ lắm. Thấy bò ốm một chút là họ trả sụt cả triệu bạc”. Ông Năm cho biết thêm, đây là bò từ giống nhà nên tính ra chỉ lỗ công thôi, chứ đầu tư con giống là lỗ vốn rồi. Anh Dùng, cùng xóm với ông Năm, 3 năm trước mua con bò giống 4,6 triệu đồng, nhưng gần đây anh mới vừa bán ra chưa được 3 triệu đồng...

Đây cũng là thực trạng chung, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển bền vững cho đàn bò của ĐBSCL và cả nước. Theo lý giải của Cục Chăn nuôi - Bộ NN&PTNT, thiếu bò giống, giá bò sẽ biến động thất thường làm mất tính ổn định trong chăn nuôi bò thịt. Khi có nhu cầu về giống bò thịt thì không có cơ sở bán và cung cấp bò giống. Ngoài ra, ĐBSCL đang thiếu cán bộ chuyên môn có kinh nghiệm để triển khai công tác giống, hệ thống dịch vụ thụ tinh nhân tạo gắn liền với hệ thống ghi chép số liệu ban đầu cũng chưa đáp ứng đủ yêu cầu; việc đào tạo dẫn tinh viên, cán bộ quản lý giống và việc ghi chép tại hộ nông dân chưa được chuyên môn hóa. Trong khi đó, đến nay nhiều tỉnh, thành ở ĐBSCL vẫn chưa khắc phục được tình trạng thiếu thức ăn cho bò trong mùa lũ. Bà Nguyễn Thị Xoàn, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh An Giang, cho biết: “Diện tích đất nông nghiệp của An Giang như hiện nay chỉ đáp ứng đủ nhu cầu thức ăn cho tổng đàn bò 72.000 - 74.000 con. Thiếu nguồn thức ăn nên chúng tôi không có chủ trương phát triển thêm số lượng bò trong thời gian tới”.

Thịt bò ngoại nhập cạnh tranh

Thịt bò là nguồn thực phẩm cung cấp đạm cao cấp và phổ biến sau thịt heo, cá. Hiện nay, tính chung cả nước, lượng thịt bò chỉ chiếm 3,1% tổng sản lượng thịt xẻ. Giá thịt bò trung bình khoảng 80.000 đồng/kg (khoảng 5USD/kg), cao hơn các loại thịt khác.

Theo Công ty TNHH một thành viên Việt Nam Kỹ nghệ súc sản - Vissan, do điều kiện phát triển đàn bò chuyên thịt của ĐBSCL và cả nước còn ít; trước nay, nguồn cung cấp bò chủ yếu từ các giống bò kiêm dụng nên có nhiều nhược điểm như: năng suất thấp, chất lượng chưa ngon và giá cả còn cao so với thu nhập của đại đa số người lao động. Lượng tiêu thụ thịt bò nhìn chung còn chiếm tỷ trọng thấp hơn so với thịt heo. Trong khi các loại thịt khác như gà, vịt, heo... giá cả ngày càng tăng, thì tới đây chắc chắn người dân sẽ sử dụng thịt bò nhiều hơn trong các bữa ăn hàng ngày.

Theo Cục Chăn nuôi - Bộ NN&PTNT, nguồn bò nội địa phần lớn có tầm vóc nhỏ nên không có hiệu quả cao sau khi pha lóc. Nguồn bò thịt trong nước hiện chưa ổn định vì chưa có nhiều trang trại chăn nuôi bò chuyên nghiệp, con giống khan hiếm, mà bò lại sinh sản ít. Khả năng sản xuất trong nước chỉ đạt 100.000 tấn thịt trâu bò/năm, bình quân chưa đến 1,5 kg thịt trâu bò/người/năm. Chỉ tiêu này còn thấp so với các nước trong khu vực như Trung Quốc (9,8 kg/người/năm), Nhật Bản (9,6 kg/người/năm)... Trước tình hình này, do nhu cầu tiêu dùng, từ những năm 2004, nhiều đơn vị bắt đầu nhập khẩu thịt bò có chất lượng từ các nước New Zealand, Argentina, Mỹ, Úc... để cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn lớn và bán tại các siêu thị như Metro, Big C. Giá thịt bò nhập khẩu khoảng 250.000 đồng/kg. Mức giá này khá cao nên lượng tiêu thụ ít.

Sau khi Việt Nam gia nhập WTO, mức thuế nhập khẩu thịt bò Mỹ giảm từ 20% xuống còn 15% trong năm đầu và giảm xuống còn 8% trong vòng bốn năm tiếp theo. Điều này có nghĩa là thịt bò nhập khẩu của một số quốc gia (mạnh nhất là Mỹ) sẽ có thêm nhiều cơ hội cạnh tranh về chất lượng, giá cả, an toàn vệ sinh thực phẩm tại thị trường Việt Nam.

Tuy nhiên, theo Vissan, thị hiếu người tiêu dùng ở ĐBSCL và cả nước vẫn ưa chuộng thịt tươi (nóng) và thu nhâp của đại đa số người dân vẫn còn ở mức trung bình. Do đó, thịt bò nội địa vẫn có ưu thế cạnh tranh về giá cả. Theo Cục Chăn nuôi, trong thời gian tới, khả năng cung cấp thịt bò vẫn chưa đáp ứng nhu cầu. Vì vậy, ĐBSCL và cả nước cần đẩy nhanh tốc độ phát triển đàn bò sinh sản theo hướng chuyên thịt. Có như vây mới có thể giảm áp lực cạnh tranh trong tình hình mới.

Giải pháp nào nâng cao giá trị đàn bò thịt?

Tại ĐBSCL, chương trình cải tiến nâng cao năng suất đàn bò địa phương cũng được nhiều tỉnh, thành quan tâm và triển khai thực hiện từ nhiều năm nay. Vì thế, chất lượng đàn bò được cải tiến đáng kể trong những năm gần đây. Theo Bộ NN&PTNT, tỷ lệ bò lai Zebu ở ĐBSCL đều tăng qua các năm: năm 2004 là 18,61%, năm 2005 là 24,61% và năm 2006 là 30,01%. Năm 2008 và những năm tiếp theo, tùy vào điều kiện tự nhiên, các tỉnh thành vùng ĐBSCL đã có những bước chuẩn bị khá chu đáo cho việc phát triển đàn bò lai Zebu.

Như tỉnh Vĩnh Long, phấn đấu đến năm 2015 phát triển tổng đàn bò đạt từ 95.000 - 100.000 con, trong đó tỷ lệ đàn bò lai Zebu đạt trên 65% tổng đàn. Trên cơ sở đó, ngành nông nghiệp tỉnh đã quy hoạch vùng chăn nuôi bò thịt tập trung ở địa bàn 17 xã thuộc huyện Vũng Liêm và Trà Ôn. Ngành nông nghiệp Vĩnh Long đã xây dựng dự án đầu tư đàn bò thịt chất lượng cao kết hợp chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi bò thịt với quy mô trên 5.000 bò cái và 121 bò đực lai Sind. Tiếp tục thực hiện chương trình Zebu hóa đàn bò và cho lai tạo với các giống bò thịt có năng suất cao như Brahman đỏ, Simmental, DroughMaster... theo hướng sản xuất thịt chất lượng cao và cung cấp sữa hàng hóa. Theo đó, ngoài kế hoạch đầu tư trang thiết bị và đào tạo 70 kỹ thuật viên gieo tinh nhân tạo, Vĩnh Long cũng đã quy hoạch diện tích trồng các loại cỏ cao sản như cỏ voi, cỏ sả, cỏ ngọt trên 642 ha kết hợp với diện tích trồng cỏ xen trong vườn cây và tận dụng diện tích cỏ tự nhiên cung cấp nguồn thức ăn tươi cho đàn bò.

Ngành nông nghiệp tỉnh Long An đã trình UBND tỉnh quy hoạch phát triển ngành chăn nuôi giai đoạn 2008- 2020. Trong đó, phấn đấu đến năm 2010, nâng tỷ lệ đàn bò lai Zebu lên 45% trên tổng đàn và chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại chiếm trên 30%. Đến năm 2020, tỷ lệ đàn bò lai Zebu đạt 65% tổng đàn và 20% đàn bò thịt được nuôi theo trang trại, gia trại. Quy hoạch vùng trang trại chăn nuôi tập trung chủ yếu trên vùng đất xám, đất giồng gò địa hình cao, có điều kiện trồng cỏ và tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp ở các huyện Đức Hòa, Đức Huệ, Châu Thành, Bến Lức. Ông Liêu Trung Nguơn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An, cho biết: “Dự kiến năm 2015- 2020, Long An sẽ xây dựng chợ đầu mối kinh doanh thịt ở thị xã Tân An, huyện Bến Lức và thị trấn Hậu Nghĩa (huyện Đức Hòa). Mặt khác, sẽ hình thành thêm chợ buôn bán bò giống (bò thịt, bò sữa) và chợ cỏ ở Đức Hòa, Vĩnh Hưng. Còn về lâu dài sẽ phát triển thành trung tâm đấu xảo triển lãm hoặc tổ chức các cuộc thi về chăn nuôi cho nông dân trong tỉnh”.

*

* *

Chăn nuôi bò đã và đang được các địa phương vùng ĐBSCL quan tâm phát triển để góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho nông dân. Nhưng hiện tại, sự phát triển đàn bò thịt còn quá nhiều vấn đề cấp bách cần sớm được giải quyết.

Ông Liêu Trung Nguơn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An, nói: “Quan điểm của tôi là không nên phát triển ồ ạt về số lượng mà phải chú trọng đến chất lượng. Gia nhập WTO, phải tuyên truyền cho người chăn nuôi hiểu, việc nuôi bò vỗ béo phải đạt chất lượng thịt ngon, tiêu tốn thức ăn ít, bò phải mau lớn. Không nên xem màu, cái u trên lưng to hay nhỏ theo kiểu kinh nghiệm mà bà con mua bò thường chọn”.

Nhóm PV

Theo Cục Chăn nuôi - Bộ NN&PTNT, trong 71 năm từ 1923 - 1994, tỷ lệ bò lai Sind chỉ chiếm 12% trong tổng đàn. Từ những năm 1960, nước ta đã có chương trình cải tiến để nâng cao năng suất của đàn bò địa phương bằng các giống bò Zebu như bò Red Sindhi, Shiwal và Barhman. Năm 1997 đến năm 2006, chương trình cải tạo đàn bò vẫn được tiếp tục triển khai tại các tỉnh, thành trong cả nước, tổng đàn bò lai Zebu đã tăng 1,63 triệu con nhưng tỷ lệ bò lai vẫn ở mức 25,5%. 

Theo kế hoạch, cơ cấu giống bò lai, bò thịt chất lượng cao đạt 32% năm 2010, 40% vào năm 2015 và 45% vào năm 2020. Tổng sản lượng thịt bò lên 222.000 tấn năm 2010, lên 310.000 tấn năm 2015 và 424.900 tấn vào năm 2020.

Chia sẻ bài viết