12/12/2013 - 09:18

Khơi thông vốn tín dụng cho nông nghiệp

Là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước, nhưng sản phẩm nông nghiệp của vùng ĐBSCL gặp rất nhiều khó khăn trong tìm đầu ra. Nông dân không chủ động được giá bán, lại khó tiếp cận vốn ngân hàng với lãi suất ưu đãi. Nhiều ý kiến của chuyên gia ngành tài chính, ngân hàng cho rằng, đầu tư vốn cho nông nghiệp rủi ro ít hơn các ngành khác, nhưng cung- cầu tín dụng giữa ngân hàng và nông dân vẫn chưa gặp nhau. Cần khơi thông vốn tín dụng cho nông nghiệp nông thôn vùng ĐBSCL, bởi nông nghiệp là bệ đỡ tăng trưởng cho nền kinh tế trong nhiều năm qua.

Vốn tín dụng chưa đáp ứng nhu cầu

Trong hội thảo hoạt động tín dụng ngân hàng thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội vùng ĐBSCL vào cuối tháng 11-2013 tổ chức tại tỉnh Vĩnh Long, nhiều ý kiến nhận định của lãnh đạo một số ngân hàng cho rằng, tỷ lệ nợ xấu trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn vùng ĐBSCL rất thấp. Dù các món vay không lớn, nhưng nông dân rất trân trọng đồng vốn và sử dụng rất hiệu quả vốn đã vay từ ngân hàng. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, tính đến ngày 31-10-2013, tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng (TCTD) tại vùng ĐBSCL đạt trên 300.000 tỉ đồng, tăng 9,1% so với cuối năm 2012. Trong đó, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn khoảng 124.000 tỉ đồng, tăng 11,3% so với cuối năm 2012, chiếm 17,4% trong tổng dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn toàn quốc và chiếm 40,4% tổng dư nợ cho vay trên toàn vùng ĐBSCL. Nợ xấu trong khu vực ĐBSCL chỉ chiếm tỷ lệ 3,36% tổng dư nợ; tỷ lệ nợ xấu lĩnh vực nông nghiệp nông thôn thấp hơn tỷ lệ nợ xấu toàn khu vực. Tuy nhiên, hoạt động cho vay đối với sản xuất, tiêu thụ lúa gạo, thủy sản ở khu vực ĐBSCL vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Nguồn vốn tín dụng tuy tăng trưởng, nhưng chưa đáp ứng nhu cầu, chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế của khu vực, đặc biệt là việc hướng tới phát triển nền nông nghiệp kỹ thuật, bền vững mang lại giá trị gia tăng cao.

Ngân hàng và doanh nghiệp ký kết các hợp đồng vay vốn tín dụng ngày 25-11-2013 tại MDEC- Vĩnh Long 2013. Ảnh: CTV

Theo nhận định của một số TCTD tại khu vực ĐBSCL, các sản phẩm thế mạnh của vùng ĐBSCL chủ yếu là sản phẩm nông nghiệp (cá tra, tôm sú, lúa gạo, trái cây…). Những sản phẩm này thường xuyên phải đối mặt với rất nhiều rủi ro do thiên tai, dịch bệnh. Các TCTD trên địa bàn vùng ĐBSCL gặp rất nhiều khó khăn trong việc nhận định thị trường, từ đó ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động tín dụng. Mặt khác, công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch của vùng ĐBSCL chưa tốt, nên các TCTD rất thận trọng trong việc mở rộng các gói tín dụng. TS Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) cho biết thông qua các chương trình cho vay nông nghiệp nông thôn của LienVietPostBank, ĐBSCL có trên 15.000 hộ nông dân được vay vốn, nhiều nông dân triển khai có hiệu quả các nguồn vốn vay, vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, thống kê của NHNN, hoạt động tín dụng của các TCTD tại ĐBSCL chỉ mới đáp ứng khoảng 77% nhu cầu vay vốn của toàn khu vực và tín dụng vẫn còn tồn tại một số khó khăn, người dân khó khăn tiếp cận vốn, khó khăn trong cho vay từ ngân hàng, sản phẩm dịch vụ của ngân hàng còn nghèo nàn… Thêm vào đó, giá cả nông sản bấp bênh, thiên tai dịch bệnh thường xuyên rình rập là những nguyên nhân khiến nông dân không an tâm vay vốn, và ngược lại, ngân hàng cũng không dám mạnh dạn trao vốn cho nông dân. Do vậy, cần chính sách đầu tư thỏa đáng cho nông nghiệp, nông thôn, có bảo hiểm rủi ro để cung- cầu vốn gặp nhau.

Bà Vũ Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ (NHNN), cho rằng cần chiến lược toàn diện và cơ chế chính sách riêng nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế vùng ĐBSCL. Cần sự chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng cơ sở, nhằm kết nối khu vực ĐBSCL với các vùng kinh tế khác trên cả nước; đồng thời xây dựng, triển khai chiến lược phát triển các sản phẩm, các thế mạnh của từng địa phương. Khi có chiến lược phát triển cụ thể, các TCTD có cơ sở, định hướng để đầu tư vốn. Việc phát triển nông nghiệp nông thôn đòi hỏi nguồn vốn đầu tư rất lớn, trong khi nguồn vốn đầu tư trong nước còn hạn chế và không thể đầu tư dàn trải trên tất cả các lĩnh vực, nên cần có chính sách kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào nông nghiệp. Muốn làm được điều này cần tạo cơ chế chính sách phù hợp với thực tiễn, tạo hành lang pháp lý ổn định và lâu dài để mời gọi đầu tư.

Cần chính sách thiết thực

"Trong khoảng 10 năm gần đây, ĐBSCL có sự thay đổi khá mạnh của một số ngành chế biến sản phẩm nông nghiệp, hình thành các chuỗi ngành chế biến lúa gạo, thủy sản là có vai trò rất lớn của tín dụng ngân hàng đầu tư cho khu vực kinh tế tư nhân. Sản xuất nông nghiệp nhiều rủi ro do thời tiết, thị trường, dịch bệnh, nhưng so với các vùng khác, nông nghiệp ở ĐBSCL vẫn có nhiều yếu tố bền vững hơn. Song, tín dụng đầu tư cho nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất. Để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của vùng, Chính phủ và hệ thống ngân hàng cần xem xét cơ cấu vốn linh hoạt phù hợp với chu kỳ sản xuất, mở rộng cho vay với các nông hộ lớn, trang trại…"- ông Võ Hùng Dũng, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ cho biết. Theo ông Dũng, ngoài việc cơ cấu vốn vay phù hợp thì ngân hàng cần tiếp sức giúp tái cơ cấu nông nghiệp, tái cơ cấu doanh nghiệp, vì thời gian qua nhiều doanh nghiệp chế biến nông sản gặp khó, nếu không được tái cơ cấu kịp thời sẽ kéo theo sự trì trệ trong tiêu thụ nông sản cho nông dân. Song song đó, phân nhóm mức độ rủi ro của từng sản phẩm (dưới tác động của thời tiết, thị trường…) để có chính sách hỗ trợ hợp lý thông qua hoạt động bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm với các ngân hàng hoạt động cho vay nông nghiệp.

Theo TS Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT LienVietPostBank, thời gian tới, LienVietPostBank sẽ triển khai Đề án chương trình 5.000 tỉ đồng cho vay ưu đãi nông nghiệp nông thôn khu vực ĐBSCL có bảo hiểm từ thiện lãi suất. Đến năm 2014, ngân hàng dự kiến mở đủ chi nhánh tại 13 tỉnh, thành ĐBSCL để đảm bảo chương trình vay vốn đến được với người dân cần vốn ở cả những địa bàn xa xôi nhất. Ngân hàng sẽ kết hợp với các đoàn thể xã hội địa phương để triển khai chương trình, xem đây là cầu nối giữa ngân hàng và nông dân. Dự kiến, chương trình 5.000 tỉ đồng của LienVietPostBank triển khai từ tháng 12-2013 đến tháng 4-2014. Tại ĐBSCL, bảo hiểm tín dụng nông nghiệp còn rất hạn chế, gần như mới phát triển ở mức thử nghiệm. Vì chưa có bảo hiểm tín dụng nông nghiệp đi kèm, nên biến động thị trường, thiên tai, dịch bệnh… làm ảnh hưởng lớn đến khả năng trả nợ của nông dân, nên các ngân hàng chỉ cho vay nhỏ giọt. Lẽ đó, nếu ngân hàng nào cũng chung tay huy động nhiều công ty bảo hiểm cùng tham gia bảo hiểm tín dụng nông nghiệp sẽ thúc đẩy doanh số cho vay, góp sức đưa vùng ĐBSCL phát triển mạnh mẽ hơn.

Các chuyên gia tài chính cho rằng, NHNN cần đẩy mạnh nghiên cứu chính sách tín dụng cho nông nghiệp nông thôn, ưu đãi lãi suất vay đối với những doanh nghiệp tham gia bao tiêu cánh đồng mẫu lớn, bao tiêu nông sản cho nông dân. Đầu tư có trọng điểm để vốn đến đúng địa chỉ nhằm đưa ngành nông nghiệp vùng phát triển lên tầm cao mới.

Song Nguyên

 

Chia sẻ bài viết