Chi phí logistics đang là gánh nặng làm giảm khả năng cạnh tranh của các sản phẩm sản xuất ra tại ÐBSCL, nhất là sản phẩm nông nghiệp. Do đó, việc hoàn thiện chuỗi dịch vụ logistics, đầu tư phát triển ngành logistics là những giải pháp quan trọng góp phần khơi thông dòng chảy nông sản đến thị trường, tạo đà phát triển bền vững cho ngành Nông nghiệp vùng ÐBSCL.
Còn điểm nghẽn
Trong những năm qua, ÐBSCL đã khai thác tốt được lợi thế so sánh của mình và bước đầu thành công trong tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng xoay trục sản phẩm chủ lực thủy sản - trái cây - lúa gạo chất lượng cao, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên. Ðã hình thành các mô hình chuyên canh lúa, cây ăn trái và thủy sản, áp dụng công nghệ cao, tạo ra khối lượng hàng hóa lớn, hiệu quả, tăng lợi thế cạnh tranh trên thương trường quốc tế. Tuy nhiên điểm nghẽn lớn nhất đối với sản xuất nông nghiệp cũng như quá trình phát triển kinh tế ÐBSCL chính là hệ thống logistics kết nối tất cả các bên trong toàn bộ chu trình sản xuất tới tiêu dùng.
Chi phí logistics tại ÐBSCL đang là gánh nặng đối với năng lực cạnh tranh của các sản phẩm sản xuất ra tại ÐBSCL. Theo thống kê của Bộ Công Thương, chi phí logistics tại ÐBSCL chiếm tới 30% giá thành sản phẩm. Nguyên nhân chính của điểm nghẽn này được các chuyên gia đánh giá là do hệ thống logistics còn thiếu liên kết và đồng bộ, trong đó, hệ thống cảng biển còn thiếu, nhất là cảng nước sâu cho tàu vận chuyển container xuất khẩu. Vận chuyển hàng hóa chủ yếu bằng đường bộ và thuỷ nội địa, trong khi tình trạng một số cảng trọng điểm tại miền Ðông thường xuyên quá tải, dẫn tới phí dịch vụ, lưu kho bãi, thời gian chờ đợi đều tăng… Bên cạnh đó, Vùng ÐBSCL còn thiếu các trung tâm logistics trọng điểm và các hệ thống trung tâm vệ tinh, thiếu bãi container rỗng, hệ thống kho ở các cảng, đơn vị kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm, chiếu xạ đạt chuẩn...
Xếp dỡ hàng hóa nông sản vào container trước khi chuyển xuống sà lan tại Cảng Tân Cảng Cái Cui, TP Cần Thơ.
Theo thống kê của Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) trong 13 tỉnh ÐBSCL hiện chỉ có 1.461 DN cung cấp dịch vụ logistics, chiếm khoảng 4,39% số lượng DN logistics của cả nước, trong đó, DN cung cấp dịch vụ logistics chuyên nghiệp rất hạn chế, chủ yếu là các DN nông nghiệp mà đặc biệt là DN thủy sản tự cung cấp hạ tầng logistics cho sản phẩm của mình, điều này làm gia tăng chi phí cho các DN, giảm sức cạnh tranh của nông sản ÐBSCL nói riêng và nông sản Việt nói chung.
Tại diễn đàn “Hoàn thiện chuỗi dịch vụ Logistics cho nông sản ÐBSCL” vừa diễn ra tại TP Cần Thơ do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh tại Cần Thơ và Tạp chí Diễn đàn DN phối hợp tổ chức, ông Nguyễn Thành Phong, Phó Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương, cho rằng: Phát triển hệ thống logistics cho nông sản ÐBSCL là một giải pháp cấp bách hiện nay để nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng nông sản Việt Nam nói chung và sự phát triển bền vững cho nông sản ÐBSCL nói riêng. Sự xuất hiện của những hạt lúa, trái xoài, trái bưởi … của ÐBSCL trên kệ của các siêu thị lớn trên thế giới chính là những đại sứ thương hiệu đầu tiên cho các sản phẩm Việt Nam xâm nhập thị trường thế giới. Mở rộng sự hiện diện của sản phẩm ÐBSCL tất yếu đòi hỏi phải phát triển hệ thống logistics cho nông sản ÐBSCL một cách tương xứng.
Thắt chặt liên kết
Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội DN dịch vụ logistics, chia sẻ: Cần hợp tác giữa các DN đến hoạt động logistics cả trong và ngoài nước tạo dựng dây chuyền kho nông sản, nhất là hệ thống dây chuyền lạnh đủ tiêu chuẩn bảo quản, đóng gói, quy trình sơ chế - xử lý. Qua đó hạn chế tỷ lệ hao hụt hàng hóa trái cây, nông sản, thủy sản sau thu hoạch, hiện nay từ 30%-35%, bảo đảm chất lượng hàng hóa xuất khẩu. Việc kiểm tra chất lượng, chiếu xạ hoa quả cần tiến hành tại chỗ thay vì đưa đi xa như hiện nay. Ứng dụng khoa học công nghệ về thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch, ứng biến với từng thị trường. Tận dụng được lợi thế về thị trường mới và thuế mà các Hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA và RCEP mang lại. Giảm thiểu hàng hóa xuất khẩu hoa quả tiểu ngạch. Xác định mặt hàng chủ lực của mỗi địa phương trong khu vực, tập trung quy trình chuẩn và có cơ chế đặc biệt để phát triển thâm nhập các thị trường xuất khẩu khó tính nhất và chính ngạch.
Theo PGS.TS Hồ Thị Thu Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam, nhân lực logistics là một trong những nhân tố quan trọng trong việc phát triển chuỗi cung ứng bền vững ở vùng ÐBSCL. Trong vấn đề đào tạo nhân sự logistics, cần thay đổi định hướng về hệ thống giáo dục đào tạo đặc thù của vùng, tăng tính thực tế, đào tạo ngành nghề mũi nhọn cho vùng, đặc biệt trong các lĩnh vực được xác định là các cụm ngành có tiềm năng hay có lợi thế. Chú trọng mô hình đào tạo nghề với sự tham gia của DN theo hình thức đào tạo kép; kết nối chặt chẽ giữa DN và nhà trường để xây dựng chương trình đào tạo có tính thực tiễn cao. Bồi dưỡng nâng cao trình độ kiến thức chuyên sâu cho các cán bộ quản lý nhà nước và giảng viên ngành logistics. Phát triển nguồn nhân lực chung của vùng trong công tác đào tạo nhân lực logistics theo hướng cung cấp dịch vụ logistics phù hợp phục vụ phát triển các ngành lợi thế của vùng; khuyến khích áp dụng ứng dụng khoa học công nghệ trong tổ chức, quản lý, khai thác dịch vụ logistics.
Theo ông Nguyễn Thành Phong, để phát triển logistics trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu hiện nay thì cần phải xây dựng được các trung tâm logistics lớn, các doanh nghiệp logistics lớn đủ tiềm lực để khép kín hệ sinh thái logistics với giải pháp tích hợp đầu cuối từ vận tải quốc tế bằng đường biển sang logistics nội địa với hệ thống kho bãi, môi giới hải quan, công nghệ vận tải đường bộ, qua đó giúp tiết kiệm được chi phí nhờ quy mô. Hiện nay, Cần Thơ, Long An, Hậu Giang đang quy hoạch các trung tâm logistics tại từng địa phương. Tuy nhiên cần đảm bảo tính kết nối của các trung tâm này với nhau và với trung tâm logistics TP Hồ Chí Minh.
Bài, ảnh: MINH HUYỀN