17/12/2017 - 22:58

Khởi sự doanh nghiệp cho giới trẻ vùng ĐBSCL 

Nhằm tìm kiếm những ý tưởng mới có tính sáng tạo, khơi gợi tinh thần và quyết tâm thành lập doanh nghiệp của giới trẻ Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) thực hiện chương trình khởi nghiệp VCCI Cần Thơ và chung kết cuộc thi khởi nghiệp ĐBSCL 2017. Đây còn là hoạt động kết nối và đẩy mạnh công tác khởi nghiệp của các tỉnh, thành ĐBSCL, qua đó tạo ra hệ sinh thái khởi nghiệp chung của vùng ĐBSCL.

Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH MTV Phạm Nghĩa T&N - Một trong những doanh nghiệp khởi nghiệp thành công tại TP Cần Thơ. Ảnh: KHÁNH NAM

Cuộc thi khởi nghiệp ĐBSCL bắt đầu khởi động và thực hiện năm 2016. Ngay năm đầu thực hiện, cuộc thi đã thu hút được sự quan tâm phối hợp của các địa phương và sự tham gia tích cực của các thí sinh. Chương trình đã nhận được 51 hồ sơ. Năm thứ 2 tổ chức (2017) cuộc thi nhận được 100 hồ sơ (44 cá nhân và 56 nhóm) với hơn 250 thí sinh tham gia. Các đề tài tham gia dự thi nhiều nhất vẫn là những giải pháp kinh doanh 32 hồ sơ, 5 hồ sơ lĩnh vực công nghệ thông tin, 3 hồ sơ về công nghệ thực phẩm, 26 hồ sơ nông nghiệp, 10 hồ sơ sản xuất thương mại, 7 hồ sơ tủ công mỹ nghệ, 3 hồ sơ về môi trường, 11 hồ sơ là các lĩnh vực cơ khí chế tạo, du lịch trải nghiệm, tự động hóa trong sản xuất, kỹ thuật và sửa chữa. Trong đó, tỉnh An Giang có 11 hồ sơ; tỉnh Bến Tre có 12 hồ sơ; TP Cần Thơ 14 hồ sơ; tỉnh Đồng Tháp 23 hồ sơ; tỉnh Hậu Giang 1 hồ sơ; tỉnh Tiền Giang 4 hồ sơ; tỉnh Trà Vinh 23 hồ sơ và tỉnh Vĩnh Long 12 hồ sơ.

Theo VCCI Cần Thơ, để công tác chấm điểm, xét chọn công bằng và minh bạch, VCCI Cần Thơ đã xây dựng các tiêu chí và thành lập hội đồng giám khảo, đặc biệt có cả giám khảo là thành viên các cuộc thi khởi nghiệp ở nước ngoài, để tiến hành xét chọn. Qua kết quả vòng sơ khảo (vòng 1), hội đồng đã lựa chọn 44 hồ sơ vào vòng 2. Sau đó, căn cứ vào đề án hoàn chỉnh của các thí sinh, hội đồng giám khảo sẽ chọn ra những hồ sơ nổi bật vào vòng chung kết. Chung kết cuộc thi dự kiến tổ chức ngày 28-12-2017 tại Hội trường Khách sạn Mường Thanh (TP Cần Thơ). Tại cuộc thi, các thí sinh sẽ tham gia thuyết trình và phản biện trước hội đồng giám khảo để chọn ra những đề án xuất sắc nhất để trao giải với cơ cấu giải thưởng gồm: 1 giải nhất trị giá 20 triệu đồng, 1 giải nhì trị giá 17 triệu đồng; 2 giải ba mỗi giải trị giá 15 triệu đồng. Trong khuôn khổ cuộc thi, ban tổ chức còn thực hiện trưng bày các sản phẩm khởi nghiệp của các thí sinh để tạo cơ hội giao lưu, giới thiệu sản phẩm, kết nối giữa các thí sinh của cuộc thi và nhà đầu tư tiềm năng (dự kiến có 15 sản phẩm được trưng bày). Ngoài ra, tổ chức hội thảo với chủ đề “Khởi nghiệp – Kết nối để thành công” nhằm tôn vinh khởi nghiệp, đồng thời giúp các thí sinh có định hướng rõ ràng trong công tác tiếp cận thị trường, tạo dựng thương hiệu và kết nối với nhà đầu tư, các đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp, nhà tư vấn cho chính ý tưởng của mình.

 Bà Nguyễn Thị Thương Linh, Phó Giám đốc VCCI Cần Thơ, cho biết: Cuộc thi năm nay có sự khác biệt khá lớn, bên cạnh cơ quan chủ trì là VCCI Cần Thơ còn có sự kết nối giữa các địa phương, các cơ quan phối hợp là các thành viên mạng lưới khởi nghiệp ĐBSCL (Mekong Connect). Ngay sau khi triển khai, VCCI Cần Thơ tiến hành 3 hoạt động chính làm việc với các địa phương, thành viên Mekong conect về cách thức phối hợp triển khai cuộc thi căn cứ vào điều kiện thực tế của địa phương; thông báo cuộc thi rộng rãi trên các phương tiện thông tin, các đối tác thực hiện và các địa phương; phối hợp địa phương tổ chức lớp học, tư vấn trực tiếp cho các đối tượng tiềm năng. VCCI Cần Thơ còn phối hợp với địa phương tổ chức các khóa đào tạo về lập kế hoạch kinh doanh và kỹ năng thuyết trình.

Ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ cho rằng, khởi nghiệp nhằm thúc đẩy chất lượng, năng suất hàng hóa cao hơn. Thông qua cuộc thi, VCCI Cần Thơ mong muốn tạo ra cơ hội phát triển và hỗ trợ kết nối các ý tưởng sáng tạo, tiềm năng với các nhà đầu tư trong tất cả lĩnh vực, đặc biệt là nông nghiệp, công nghệ thông tin,… Đồng thời, đẩy mạnh liên kết giữa các địa phương giúp hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp và tạo đà phát triển cho hoạt động khởi nghiệp của vùng ĐBSCL.

VCCI Cần Thơ hiện cũng đã xây dựng đề án khởi nghiệp cho khu vực ĐBSCL giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 với các nhiệm vụ trọng tâm như: xây dựng mạng lưới khởi nghiệp ĐBSCL; cuộc thi khởi nghiệp; đào tạo khởi nghiệp; sàn ý tưởng khởi nghiệp; xây dựng mạng lưới chuyên gia; mạng lưới nhà đầu tư thiên thần; trung tâm khởi nghiệp ĐBSCL và quỹ hỗ trợ khởi nghiệp. Để thực hiện hiệu quả những nhiệm vụ trọng tâm trong đề án, VCCI Cần Thơ đã từng bước thực hiện các hoạt động. Đến nay, đã xây dựng và thành lập được mạng lưới Mekong Connect gồm 19 thành viên là các sở ngành, viện trường, trung tâm khởi nghiệp địa phương trong khu vực. Mạng lưới nhằm kết nối thế mạnh của từng cá nhân, từng địa phương tạo nên sức mạnh tổng thể, hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp vùng ĐBSCL.

Hiện nay, phong trào khởi nghiệp cũng đang được nhiều tổ chức, từng địa phương tích cực thực hiện. Chẳng hạn, năm 2017 UBND tỉnh An Giang đưa ra thông điệp là mỗi một huyện phải có ít nhất 1 dự án khởi nghiệp đối với sản phẩm đặc trưng tại địa phương, đoàn thanh niên sẽ cùng cơ quan ban ngành sẽ hỗ trợ thực hiện. Tỉnh Trà Vinh cũng đang thực hiện chương trình khởi sự doanh nghiệp. Hay Chương trình Đồng khởi khởi nghiệp tại tỉnh Bến Tre... Trong thời gian tới, bên cạnh những hoạt động đã thực hiện được, VCCI Cần Thơ sẽ tập trung vào các hoạt động thực hiện sàn giao dịch ý tưởng, đồng thời tăng cường liên kết địa phương thông qua đẩy mạnh hoạt động của mạng lưới nhằm hỗ trợ, kết nối cho các thí sinh với các chuyên gia và các nhà đầu tư tiềm năng, qua đó từng bước phát triển hoạt động khởi nghiệp chung của vùng.

KHÁNH NAM

Chia sẻ bài viết