19/10/2019 - 21:25

Khơi nguồn lực đầu tư logistics

Theo Hiệp hội Cảng biển Việt Nam, thời gian qua, tại khu vực ĐBSCL đã có nhiều chương trình, dự án để phát triển giao thông, cảng biển và dịch vụ logistics. Tuy nhiên, do điều kiện tự nhiên, các dự án kết nối luồng lạch ở nhóm cảng biển số 6 (khu vực ĐBSCL) hiện vẫn chưa mang lại hiệu quả. Thương mại quốc tế của vùng đồng bằng và cả hàng quá cảnh của Campuchia vẫn phải thông qua các cảng biển nhóm 5, khu vực TP Hồ Chí Minh và Bà Rịa-Vũng Tàu.

Tại TP Cần Thơ, cảng biển Cần Thơ bao gồm các khu bến: Cái Cui, Hoàng Diệu -Bình Thủy, Trà Nóc - Ô Môn - Thốt Nốt đã và đang được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để trở thành cảng tổng hợp quốc gia đầu mối khu vực loại I theo quy hoạch cảng biển ĐBSCL (thuộc nhóm cảng biển số 6). Trong đó, khu bến Cái Cui đã xây dựng hoàn thành bến số 1 và bến số 2 với quy mô tiếp nhận tàu lên đến 20.000 tấn. Song, hiện nay cần tiếp tục đầu tư xây dựng các bến số 3 và số 4 để đạt quy mô hoàn chỉnh gồm 4 bến theo quy hoạch. Trong khi đó, Dự án luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu qua kênh Quan Chánh Bố đã thông luồng kỹ thuật vào tháng 4-2017. Tàu biển có tải trọng 10.000 tấn đầy tải và 20.000 tấn vơi tải đã ra vào được các cảng trên sông Hậu. Tuy nhiên, hiện nay luồng đang bị bồi lắng trên đoạn dài khoảng 3,8km nên tàu có tải trọng lớn chưa thể lưu thông được.

Cùng với hệ thống cảng biển, tại Cần Thơ hiện nay có khoảng 30 doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ logistics. Ngành nghề kinh doanh chính của các doanh nghiệp chủ yếu là dịch vụ vận tải, kho bãi, cảng biển, bốc dỡ hàng hóa, giao nhận vận tải, đại lý vận tải, tàu biển, chuyển phát nhanh, đại lý hải quan và các dịch vụ logistics có liên quan khác. Nhìn chung, quy mô các doanh nghiệp giao nhận vận tải kho vận không lớn, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp chủ yếu bằng giá cả chưa phải bằng việc đầu tư chiều sâu, nâng cao chất lượng dịch vụ.

TP Cần Thơ đang quy hoạch Trung tâm logistics hạng II thuộc Tiểu vùng kinh tế trung tâm ĐBSCL tại TP Cần Thơ với diện tích hơn 242ha, vốn đầu tư dự kiến 183 triệu USD. Mục tiêu của trung tâm logistics hạng II là khai thác có hiệu quả thị trường dịch vụ logistics của TP Cần Thơ và vùng kinh tế ĐBSCL; hỗ trợ lưu thông hàng hóa từ sản xuất, nhập khẩu đến tiêu dùng xuất khẩu của vùng, kết nối với hệ thống cảng biển, cảng hàng không, mạng lưới giao thông đường bộ. TP Cần Thơ đã đưa dự án này vào mời gọi đầu tư trong và ngoài nước tại Hội nghị Xúc tiến Đầu tư vào TP Cần Thơ năm 2018. Đồng thời giới thiệu mời gọi đầu tư vào các dự án trong các chuyến xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore...

Trên thực tế, mục tiêu khơi thông luồng vào sông Hậu để phát triển cảng trung tâm ĐBSCL tiếp nhận được tàu lớn trên 10.000 tấn xuất nhập khẩu trực tiếp mà không qua cụm cảng tại TP Hồ Chí Minh vẫn còn là kỳ vọng. Tiềm năng lưu thông hàng hóa khu vực ĐBSCL là rất lớn song vướng lớn nhất vẫn là khâu vận chuyển. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp kinh doanh logistics tại Cần Thơ cho rằng chỉ cần những ách tắc về hạ tầng logistics được tháo gỡ, diện mạo và vị thế của TP Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL sẽ thay đổi. Do đó, song song với quá trình thu hút nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước, rất cần có những định hướng hỗ trợ của Trung ương cho Cần Thơ trong việc xây dựng cơ cở hạ tầng vật chất, kỹ thuật cho trung tâm logistics hạng II; xây dựng hành lang pháp lý minh bạch và thống nhất để quản lý, chỉ đạo, điều hành loại hình dịch vụ này.

THANH ĐÌNH

Chia sẻ bài viết