12/11/2016 - 15:42

Khởi Nghĩa Nam Kỳ ở Vĩnh Long

Nhiều người nghiên cứu Khởi Nghĩa Nam Kỳ ở nhiều góc độ khác nhau. Trong bài này, người viết xin được nêu những nghiên cứu riêng về cuộc Khởi nghĩa ở Vĩnh Long.

Điều kiện khách quan của cuộc khởi nghĩa

 Bà Nguyễn Thị Hồng (1915-1992), nguyên Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Vũng Liêm, người chỉ huy cuộc Khởi Nghĩa Nam Kỳ tại Vũng Liêm thắng lợi hoàn toàn. Duy nhất ở Vũng Liêm giành được chính quyền.

Thứ nhất, cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ vào tháng 9 năm 1939. Thực dâp Pháp ở chính quốc bị phân hóa thành hai phe: De Gaule và Pétain. Nhật lăm le xâm chiếm Đông Dương. Thực dân Pháp tăng cường bắt lính thuộc địa đi đánh thuê, chết thay cho họ, đã tạo ra một làn sóng phản chiến mạnh mẽ trong đội ngũ lính đánh thuê. Cụ thể là lực lượng đánh thuê ở Thái Lan sẵn sàng phản chiến.

Thứ hai, toàn quyền Đông Dương Catroux ký nghị định: "Cấm tất thảy mọi người hoạt động trực tiếp hay gián tiếp tuyên truyền các khẩu hiệu của Quốc tế Cộng sản hay những tổ chức do Quốc tế Cộng sản kiểm soát". Thực dân Pháp ra tay đàn áp phong trào cách mạng. Mặt trận Dân chủ không còn thích hợp hoạt động và Mặt trận Phản đế Đông Dương ra đời.

Thứ ba, đời sống nhân dân cùng cực đến mức không thể cùng cực hơn.

Nỗ lực tự thân

Bí thư xứ ủy Nam kỳ lúc này, đồng chí Tạ Uyên, hoạt động ở Vĩnh Long, từng là Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, từng là Bí thư liên tỉnh ủy Cần Thơ. Đồng chí Quản Trọng Hoàng, Bí thư liên tỉnh ủy Cần Thơ lúc này, đặt trụ sở hoạt động tại đường Lò Rèn bên cạnh chợ Cầu Lầu, Phường Tư, Thành phố Vĩnh Long, ngày nay. Điểm liên lạc là Nhà may Cây Kéo lớn số 82 đường Salicetty (nay là đường 30 tháng 4, Phường 1, thành phố Vĩnh Long).

Đội ngũ lãnh đạo là những nhà trí thức hoạt động có bài bản, đã từng gây dựng phong trào và có uy tín đối với nhân dân Vĩnh Long. Đã xây dựng được tổ chức Đảng cấp huyện và một số xã. Công tác binh vận tổ chức nắm được lực lượng phản chiến trong lòng địch. Tổ chức được đội quân du kích có huấn luyện quân sự, có vũ khí tự tạo.

Những tổn thất về lực lượng trước cuộc khởi nghĩa

Đêm 17-7-1940, tại làng Phú Lộc (nay là địa bàn các xã Hậu Lộc, Tân Lộc, Hòa Lộc và Mỹ Lộc, huyện Tam Bình, Vĩnh Long) địch bắt trên 100 người, phần lớn là Hội viên Hội ái hữu. Ngày 19-9-1940, Chủ quận Tam Bình đã bắt Bí thư Quận ủy Mai Văn Tám. Từ đó khai thác tài liệu vây bắt trụ sở Tỉnh ủy, Liên tỉnh ủy ở chợ Cầu Lầu, bắt đồng chí Trần Văn Bảy- Bí thư Tỉnh ủy, Lưu Văn Tài- Bí thư Quận ủy Châu Thành (hồi ấy chưa có đơn vị thị xã). Tiếp theo là đồng chí Lê Quang Phòng- Bí thư Huyện ủy Vũng Liêm bị bắt. Kế tiếp, đồng chí Quản Trọng Hoàng bị bắt và bị giải về giam ở Cần Thơ. Rất may, đồng chí Hoàng vượt ngục thành công về tham gia chỉ đạo khởi nghĩa.

Ngày 22-11-1940, đồng chí Tạ Uyên, Bí thư Xứ ủy bị bắt. Cuộc khởi nghĩa không diễn ra trong cả nước mà chỉ nổ ra ở một số tỉnh Nam kỳ, trong tình hình bị lộ bí mật.

Diễn biến cuộc khởi nghĩa ở tỉnh lỵ Vĩnh Long

Chiều 22-11-1940, Chủ tỉnh Élie Pammez đã liên tiếp nhận được điện chỉ thị của Thống đốc Nam kỳ thông báo về kế hoạch "Nổi dậy của Cộng sản" trong đêm ấy.

 Bà Ngô Thị Huệ, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long cùng nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, người đã từng tham gia Khởi nghĩa tại Bắc Nước Xoáy, Vũng Liêm trong một cuộc gặp gỡ của những nhà cách mạng ở Nam kỳ (ảnh tư liệu).

Theo lời kể của đồng chí Ngô Thị Huệ, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, người chỉ huy hướng tấn công tỉnh lỵ và huyện Châu Thành, theo kế hoạch, trước tiên phải phá khám Vĩnh Long để giải thoát cho các đồng chí Trần Văn Bảy, Lê Quang Phòng, Lưu Văn Tài và nhiều đồng chí bị bắt giam trong khám lớn. Sau đó, lực lượng này kết hợp với lực lượng tại chỗ do các ông Nguyễn Hùng Minh, Nguyễn Hùng Phước chỉ huy, phối hợp cùng lực lượng phản chiến đánh chiếm tỉnh lỵ Vĩnh Long. Đồng chí Lê Thị Khéo (người chỉ huy lực lượng nội ứng) sẽ giật chuông nhà thờ chánh tòa (lúc ấy nằm cạnh khám lớn, tức khu vực Trường Nguyễn Trường Tộ trước đây, nay là Quảng trường thành phố Vĩnh Long) vào lúc 12 giờ đêm làm ám hiệu cho binh lính phản chiến và các lực lượng bên trong, bên ngoài phối hợp hành động.

Tối hôm ấy, cơ sở binh vận báo tin đơn vị phản chiến đã bị tước vũ khí, cắm trại. Ở các ngả đường, địch thiết lập các chốt kiểm soát gắt gao. Kế hoạch bị bại lộ. Các ông Hùng Minh, Hùng Phước chuyển hướng phá Bắc Mỹ Thuận, lực lượng còn lại chia nhau phá cầu Ông Me, đốt cầu Ngã Tư để hỗ trợ cho Vũng Liêm và Tam Bình. Ông Hồng Phước thuê một chiếc xe đò đi xuống Bắc Mỹ Thuận thì bị chặn lại dọc đường. Tài xế bỏ xe chạy trốn, đồng chí phải tự lái xe trở về.

24 giờ đêm 22 rạng 23-11-1940, khởi nghĩa nổ ra thắng lợi ở Vũng Liêm, đồng chí Nguyễn Thị Hồng chỉ huy chiếm nhà việc Trung Trạch rồi bung ra giải phóng xã Trung Ngãi và các xã lân cận. Đồng chí Nguyễn Hiếu Tự chiếm Cái Ngang (nhà việc Phú Lộc Đông- nay là xã Mỹ Lộc), người dân đi chợ mừng rỡ xé bỏ giấy thuế thân, bỏ trôi đầy sông.

Cuộc Khởi Nghĩa Nam Kỳ nổ ra khá thành công ở hai huyện Vũng Liêm và Tam Bình trong điều kiện kế hoạch bị lộ đã nói lên tinh thần kiên trung bất khuất của nhân dân Vĩnh Long. Mặt khác, tất cả những nỗ lực đều đúng bài bản, đúng phương pháp nhưng ở góc độ chủ quan thì chưa đến điều kiện chín muồi để cách mạng nổ ra trong cả nước.

Tuy nhiên, cuộc Khởi Nghĩa Nam Kỳ đã trui rèn tinh thần chiến đấu bất khuất, để lại những bài học xây dựng và diễn tập lực lượng cho cuộc Cách Mạng Tháng 8 thành công sau này. Điều quan trọng nhất là Khởi nghĩa khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản trong công cuộc giải phóng dân tộc khỏi ách thực dân.

Nguyễn Ngọc

Chia sẻ bài viết