11/11/2023 - 08:54

Khơi động lực tăng trưởng từ kinh tế số 

Kinh tế số được TP Cần Thơ xác định là một trong ba trụ cột chuyển đổi số (CÐS) và được xem là động lực tăng trưởng quan trọng nhằm đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và nâng cao chất lượng tăng trưởng. Tuy nhiên, quá trình phát triển kinh tế số của thành phố vẫn chưa đạt như kỳ vọng và vướng phải nhiều cản ngại. Từ đó, đòi hỏi phải có các giải pháp đồng bộ hỗ trợ chính quyền và quyết tâm mạnh mẽ từ cộng đồng doanh nghiệp (DN).

Các nhà cung ứng công nghệ số giới thiệu các giải pháp chuyển đổi số đến doanh nghiệp.

Nỗ lực

Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nhấn mạnh: TP Cần Thơ cơ bản hoàn thiện đầy đủ khung pháp lý, xác định nội dung và giải pháp trọng tâm về CÐS TP Cần Thơ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, TP Cần Thơ xác định mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số chiếm 20% GRDP và chiếm 30% GRDP vào năm 2030. Hiện nay, tỷ trọng kinh tế số của thành phố chiếm 8,4% GRDP. Vì vậy, TP Cần Thơ mong muốn thúc đẩy phát triển kinh tế số, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của TP Cần Thơ. Thành phố đang dồn sức đẩy nhanh tiến độ xây dựng Khu công nghệ thông tin tập trung và xúc tiến mời gọi các nhà đầu tư vào đầu tư.

Các sở ngành hữu quan tùy vào chức năng, nhiệm vụ cũng chung tay cùng thành phố phát triển kinh tế số. Theo đó, Sở Kế hoạch và Ðầu tư TP Cần Thơ phối hợp triển khai các lớp tập huấn cho các DN trên địa bàn thành phố với nhiều nội dung liên quan đến quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, CÐS của DN. Ðơn cử, giới thiệu 62 DN tham gia Chương trình DN tiên phong do Bộ Kế hoạch và Ðầu tư khởi xướng thông qua dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (USAID IPSC). Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cạnh tranh cho 120 DN thông qua việc phối hợp Cục Phát triển DN với chuyên đề như mở rộng thị trường, thương mại điện tử, thiết kế bao bì hàng hóa cho các DN nhỏ và đang tăng trưởng (SGBs) trên địa bàn thành phố. Nhiều mô hình liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính nhằm hỗ trợ các DN trong quá trình hoạt động như trả kết quả trong 1 ngày làm việc đối với 8 thủ tục, tiếp nhận và trả kết quả theo mô hình dịch vụ công trực tuyến toàn trình trong lĩnh vực đăng ký DN, kết quả hiện nay tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt trên 74%.

Về phía các DN cũng xác định CÐS là xu thế tất yếu và chủ động nhập cuộc. Ông Trịnh Hữu Phúc, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Cấp thoát nước TP Cần Thơ, cho biết: "Hiện công ty đã thực hiện CÐS trong các khâu sản xuất nước, ứng dụng riêng và quản lý khách hàng. Cũng nhờ CÐS kịp thời, công ty ứng phó tốt với khủng hoảng dịch bệnh COVID-19 vừa qua và chủ động dòng tiền thu về. Ðơn cử, ở khâu quản lý khách hàng, chúng tôi đã ứng dụng công nghệ số gần như toàn bộ từ lắp đặt, ký kết hợp đồng đến thông thông báo, thanh toán và gửi hóa đơn. Nhờ đó, công ty kết nối hơn 37.000 khách hàng tương tác qua zalo và giảm khiếu nại tại chi nhánh; đồng thời tăng nhanh tỷ lệ khách hàng thanh toán qua các đối tác thu hộ đạt hơn 99%, trong đó tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt hơn 84,5%, tồn thu chỉ ở mức 0,1%".

Giải pháp đồng bộ

Mặc dù đem lại nhiều lợi ích, nhưng trên thực tế, CÐS là vấn đề phức tạp, vướng phải nhiều khó khăn. Quá trình CÐS nói chung và phát triển kinh tế số của thành phố còn khá chậm, thiếu tính chủ động do hạ tầng phục vụ quá trình CÐS còn hạn chế; nhiều DN bị động, năng lực tiếp cận, ứng dụng công nghệ hiện đại còn thấp. Tốc độ đổi mới công nghệ và thiết bị sản xuất của DN tuy có tiến bộ song nhìn chung chưa đạt yêu cầu về mặt bằng phát triển chung của nền kinh tế số. Ða số DN công nghệ số trên địa bàn thuộc loại hình nhỏ và siêu nhỏ, các DN chưa quan tâm nhiều đến việc chuyển đổi số; các cơ chế, chính sách hỗ trợ DN mới được ban hành nên chưa đạt kết quả cụ thể.

Từ thực tế đó, để quá trình CÐS nói chung và CÐS lĩnh vực kinh tế đạt kết quả như mong đợi cần sự phối hợp đồng bộ và sự vào cuộc quyết liệt từ Trung ương đến cơ sở, đặc biệt là người đứng đầu. Thời gian tới, TP Cần Thơ tiếp tục triển khai các nhiệm vụ theo Kế hoạch số 95/KH-UBND sớm hình thành đưa vào hoạt động Khu Công nghệ thông tin tập trung, thu hút DN công nghệ số; kế hoạch phát triển DN công nghệ số; Quyết định số 1299/QÐ-UBND về việc phê duyệt chương trình hỗ trợ DN nhỏ và vừa tham gia CÐS TP Cần Thơ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; đề án hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố, trong đó ưu tiên lĩnh vực CÐS...

Bà Lý Thị Bích Ngân, Trưởng phòng Khách hàng DN, MobiFone Cần Thơ, nhấn mạnh: "Trong thời điểm hiện nay, khi CÐS ngày càng diễn ra mạnh mẽ không còn tình trạng "cá lớn nuốt cá bé" sẽ thay thế bằng "cá nhanh nuốt cá chậm". Ðể tận dụng thời cơ phát triển kinh tế số, DN nên xem CÐS là khoản đầu tư chứ không phải là chi phí. Quá trình CÐS nên áp dụng công thức 3H (heart, head, hand). Trong đó, "heart" mang ý nghĩa DN thực hiện CÐS xuất phát từ trái tim, "head" là DN cần suy nghĩ, tư duy và đưa ra quyết định và "hand" là DN cần bắt tay vào làm ngay từ những điều nhỏ, bắt tay cùng đơn vị đồng hành,
 tin tưởng".

Hiến kế để thúc đẩy tiến trình CÐS trong DN, góp phần phát triển kinh tế số thành phố, PGS.TS. Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất Sở Thông tin và Truyền thông TP Cần Thơ cần thành lập bộ phận tư vấn CÐS cho DN. Qua đó, hướng dẫn DN tự đánh giá năng lực CÐS trên cổng dbi.gov.vn, digitalbusiness.gov.vn; tìm các nền tảng CÐS phù hợp trên cổng smdedx.vn. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động theo hướng "mỗi người dân trưởng thành một tài khoản thanh toán số". Ðối với các vùng chưa được tiếp cận với dịch vụ ngân hàng, địa phương có thể phối hợp với nhà mạng triển khai Mobile Money. Tài khoản này gắn với tài khoản SIM điện thoại sử dụng thanh toán ngay cả khi sử dụng điện thoại đời cũ (feature phone); triển khai các sáng kiến thúc đẩy thanh toán số như xã số, khu phố không dùng tiền mặt từ đó nhân rộng, lan tỏa…

Bài, ảnh: MỸ THANH

 

Chia sẻ bài viết