Học tập Bác ở tinh thần đoàn kết, tấm lòng yêu thương, giúp đỡ người nghèo, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Trung Nhứt, quận Thốt Nốt, đã đẩy mạnh triển khai, thực hiện nhiều mô hình làm theo gương Bác hiệu quả, thiết thực. Qua đó, giúp nhiều hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, vươn lên thoát nghèo, xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc.
 |
Chị Nguyễn Thị Thiên Kim (thứ 2 từ phải qua), hội viên Phụ nữ khu vực Tràng Thọ B chia sẻ kinh nghiệm thoát nghèo với các cán bộ Hội LHPN phường Trung Nhứt. |
Khuôn mặt nhễ nhại mồ hôi, chị Lê Thị Phượng (ở khu vực Phúc Lộc 1, phường Trung Nhứt) sắp xếp, phân loại ve chai, sắt vụn vợ chồng chị mới mua. Chị Phượng bộc bạch: "Trước đây, do không có vốn, mua được "mớ" nào bán "mớ" đó, lãi không nhiều. Từ ngày được Hội LHPN giới thiệu cho vay vốn ưu đãi, tôi có điều kiện "vựa" hàng lại và chọn lọc, phân loại để bán có giá hơn, vì thế cuộc sống gia đình ổn định hơn". Kể về quá trình vượt khó của 2 vợ chồng, chị Phượng hay nhắc đến cô Nguyễn Thị Tuyết, Chi hội trưởng Phụ nữ khu vực Phúc Lộc 1, như một ân nhân đã tận tình giúp đỡ, hướng dẫn cách làm ăn cho gia đình chị vào những ngày đầu khốn khó. Chị Phượng kể: "Hồi trước, cuộc sống gia đình tôi vất vả lắm. Do không có ruộng đất sản xuất, hai vợ chồng làm lụng quần quật vẫn không đủ ăn. Nhờ cô Tuyết động viên tham gia Hội Phụ nữ, "móc tiền túi" cho vợ chồng tôi mượn 600.000 đồng làm vốn mua bán ve chai, phế liệu cuộc sống đỡ chật vật hơn". Cứ sáng sáng, 2 vợ chồng lại tẻ đi 2 hướng thu mua phế liệu. Cô Nguyễn Thị Tuyết, Chi hội trưởng Phụ nữ khu vực Phúc Lộc 1, chia sẻ: "Thấy vợ chồng Phượng chí thú làm ăn, tôi đã mạnh dạn giới thiệu vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để có điều kiện phát triển kinh tế. Năm 2011, gia đình cháu Phượng đã vươn lên thoát nghèo".
Chị Nguyễn Thị Thiên Kim, hội viên phụ nữ khu vực Tràng Thọ B, phường Trung Nhứt, vươn lên khấm khá nhờ mô hình nấu rượu, nuôi heo và bán cá. Chị Kim cho biết: "Nhờ cán bộ Hội giới thiệu vay vốn ngân hàng, hướng dẫn cách sử dụng đồng vốn đúng mục đích, hiệu quả, cuộc sống gia đình tôi ổn định và còn xây được căn nhà kiên cố, khang trang". Chị Nguyễn Thị Thu Sương, Chi hội trưởng Phụ nữ khu vực Tràng Thọ B, bộc bạch: "Tùy theo điều kiện, hoàn cảnh, nhu cầu của mỗi hội viên mà tôi có cách tư vấn, giúp đỡ thích hợp". Nhận thấy đa số chị em gặp khó khăn về vốn, chị Thu Sương đã cho nhiều chị (5-6 chị) mượn tiền để mua bán. Các chị em có hoàn cảnh khó khăn thường mượn tiền vào buổi sáng để mua cá đem bán ở chợ kiếm lời. Tan chợ, chị em trả vốn cho chị Sương, hôm sau lại mượn tiếp
Theo chị Sương, làm như thế tuy khá mất công nhưng là cách để chị em ý thức việc sử dụng đồng vốn có hiệu quả.
Được triển khai thực hiện tại phường Trung Nhứt từ năm 2009, mô hình "Mỗi ủy viên Ban Chấp hành (BCH) Hội LHPN phường nhận đỡ đầu một phụ nữ nghèo" đã giúp nhiều hội viên phụ nữ trên địa bàn có hoàn cảnh khó khăn, vươn lên ổn định cuộc sống. Chị Nguyễn Thị Kim Hoàng, Chủ tịch Hội LHPN phường Trung Nhứt, cho biết: "Vì là nhận đỡ đầu trực tiếp, nên các ủy viên BCH phải thường xuyên đến thăm hỏi, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của chị em để có biện pháp hỗ trợ thiết thực, hiệu quả, như: hướng dẫn hồ sơ, thủ tục để vay vốn chăn nuôi, mua bán; tư vấn, giới thiệu việc làm, hướng dẫn xây dựng mô hình phát triển kinh tế. Riêng đối với những phụ nữ đơn thân, lớn tuổi, bệnh tật, gặp khó khăn về nhà ở thì tranh thủ vận động các nguồn xây dựng, sửa chữa nhà, giới thiệu việc làm cho con em họ
". Trong số 7 hộ hội viên phụ nữ nghèo được các ủy viên BCH nhận đỡ đầu năm 2012, đến nay đã có 5 hộ được giới thiệu, đề nghị cất nhà Đại đoàn kết, nhà tình thương; 5 hộ được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, hoặc cho mượn vốn không lãi
và hầu hết đều xây dựng được mô hình làm ăn hiệu quả, ổn định cuộc sống. Dự kiến đến cuối năm sẽ có 2-3 hộ thoát nghèo. Chị Hoàng chia sẻ: "Để duy trì thực hiện tốt mô hình, đối với những hộ được giúp đỡ thoát nghèo những năm trước, các cán bộ Hội vẫn thường xuyên thăm hỏi, giữ mối liên hệ cũng như động viên chị em tích cực tham gia sinh hoạt Hội để có điều kiện chia sẻ, kinh nghiệm cách làm ăn với hội viên khác, góp phần thắt chặt thêm tình đoàn kết, tương thân tương ái trong hội viên với nhau".
Hàng tháng, trong các cuộc họp BCH, Hội LHPN phường Trung Nhứt lồng ghép triển khai việc tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, xây dựng lề lối làm việc khoa học, nâng cao hiệu quả công tác Hội. Qua đó, triển khai sâu rộng đến từng chi hội, tổ, nhóm để mỗi chị em đều có điều kiện đăng ký tham gia với những việc làm tiêu biểu, thiết thực. Trong đó, nhiều mô hình mang tính tập thể được duy trì, như: Mô hình tiết kiệm "Nuôi heo đất" gây quỹ học bổng Nguyễn Thị Định giúp con em hội viên nghèo; mô hình "Hũ gạo tình thương" tặng gạo cho phụ nữ nghèo. Hay những mô hình cá nhân tiết kiệm tại gia đình, như: Tiết kiệm chi tiêu có 293 chị đăng ký, tiết kiệm tận dụng đất trống trồng hoa màu, chăn nuôi cải thiện thu nhập có 207 chị đăng ký; thực hành tiết kiệm trong mua sắm, đám tiệc có 116 chị đăng ký thực hiện
Hiệu quả bước đầu của các mô hình hỗ trợ, giúp đỡ hội viên thiết thực gắn với các phong trào thi đua, nhiệm vụ trọng tâm công tác Hội đã góp phần đưa phong trào phụ nữ phường Trung Nhứt ngày càng khởi sắc.
Bài, ảnh: QUỲNH LAM