(CT) - Ngày 30-10, Trường Ðại học Cần Thơ (ÐHCT) tổ chức Diễn đàn quốc tế Phát triển bền vững ÐBSCL năm 2022 với chủ đề “Khoa học và công nghệ - Ðộng lực cho đổi mới và phát triển bền vững”.
Ông Huỳnh Thành Ðạt, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; ông Trần Duy Ðông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Ðầu tư; ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ; cùng lãnh đạo các cơ quan hợp tác quốc tế, các chuyên gia trong nước và quốc tế; lãnh đạo các viện, trường, doanh nghiệp; lãnh đạo các tỉnh khu vực ÐBSCL... dự diễn đàn.

GS.TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐHCT ký kết hợp tác với lãnh đạo Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF). Ảnh: DUY KHÔI
GS.TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ÐHCT, cho biết: Tại Hội nghị Phát triển bền vững ÐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu lần thứ 3 vào năm 2021 tại TP Cần Thơ, sơ kết Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ, Thủ tướng đã giao Trường ÐHCT tổ chức Diễn đàn đối thoại khoa học phát triển bền vững ÐBSCL, tầm nhìn 2045. Trên cơ sở đó, Trường đề xuất và chủ trì “Diễn đàn Phát triển bền vững ÐBSCL - Tầm nhìn 2045” (SDMD 2045). Ðồng thời, định kỳ 2 năm 1 lần trường sẽ tổ chức SDMD. Trong lần đầu tiên này, SDMD 2022 chọn chủ đề “Khoa học và công nghệ - Ðộng lực cho đổi mới và phát triển bền vững”. Với nguồn nhân lực, cơ sở vật chất hiện có, Trường ÐHCT cam kết đồng hành cùng các cơ quan, đơn vị, đặc biệt kết nối các tổ chức quốc tế, để thực hiện tốt nhất sứ mệnh và trách nhiệm xã hội, góp phần phát triển bền vững ÐBSCL.
Thay mặt Chính phủ phát biểu chỉ đạo tại SDMD 2022, ông Trần Duy Ðông nhấn mạnh: Ðảng, Nhà nước luôn quan tâm đến phát triển bền vững vùng ÐBSCL và đã có nhiều quyết sách, cơ chế, chính sách, giải pháp huy động nguồn lực để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Tuy nhiên ÐBSCL đã, đang và sẽ đối mặt với những thách thức và tác động rất lớn của biến đổi khí hậu, nước biển dâng... gây ra những bất lợi cho hệ sinh thái tự nhiên, sản xuất nông nghiệp, đời sống người dân và phát triển bền vững kinh tế - xã hội của vùng. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Ðầu tư đề nghị lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng ÐBSCL, các viện, trường, cộng đồng doanh nghiệp và tổ chức quốc tế tổ chức thực hiện đầy đủ mục tiêu phát triển bền vững ÐBSCL. Các mục tiêu này cần được lồng ghép, tích hợp hài hòa trong chiến lược phát triển của từng địa phương, từng đơn vị trong giai đoạn mới. Ðồng thời, các hành động chiến lược của từng mục tiêu phải được cụ thể hóa bằng những chương trình, dự án hoạt động cụ thể. TP Cần Thơ phối hợp với các bộ, ngành, Trường ÐHCT và các đơn vị liên quan sớm thành lập và vận hành hiệu quả Trung tâm Khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo vùng ÐBSCL để thúc đẩy hoạt động khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, trọng tâm là các mục tiêu đã được xác định tại Quy hoạch vùng ÐBSCL.
Trong khuôn khổ SDMD 2022 đã diễn ra 2 phiên thảo luận chuyên đề. Các đại biểu tham luận xoay quanh các vấn đề cấp thiết ở vùng ÐBSCL như nhân lực; ứng dụng khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp, thủy sản; giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu; phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế biển...
Dịp này, Trường ÐHCT ký kết hợp tác về các lĩnh vực trong công tác nghiên cứu, đào tạo của trường, với các đơn vị: Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA Vietnam), Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF), Ðại học Hải dương Ðài Loan (NTOU), Trường Ðại học Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, Công ty Cổ phần phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC), HD Bank, VNPT Cần Thơ, Công ty TNHH ESUHAI.
Tại SDMD 2022, các doanh nghiệp cũng trao tài trợ học bổng cho sinh viên Trường Ðại học Cần Thơ với tổng số tiền 520 triệu đồng.
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ: Phát triển TP Cần Thơ là trung tâm động lực khoa học công nghệ và liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ÐBSCL
Tại SDMD 2022, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, phát biểu với chủ đề “Phát triển TP Cần Thơ là trung tâm động lực khoa học công nghệ (KHCN) và liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ÐBSCL”. Báo Cần Thơ xin lược ghi giới thiệu đến bạn đọc.
... Từ quan điểm xây dựng và phát triển Cần Thơ trở thành thành phố trung tâm vùng, sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc sông nước ÐBSCL theo tinh thần Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 5-8-2020 của Bộ Chính trị, thành phố đã có các định hướng phát triển mang tính đột phá, trong đó có đẩy mạnh phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và tập trung thực hiện liên kết, sản xuất, chế biến - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ÐBSCL.
Ðể hiện thực hóa mục tiêu này, thành phố tập trung 5 định hướng lớn.
Thứ nhất, đầu tư phát triển hạ tầng KHCN trên cơ sở đầu tư xây dựng Khu công nghệ cao Cần Thơ, Sàn giao dịch công nghệ, Trung tâm Khởi nghiệp và Ðổi mới sáng tạo TP Cần Thơ thực hiện vai trò, chức năng, nhiệm vụ của vùng ÐBSCL, kết nối với các trung tâm trong nước và quốc tế. Tăng cường tiềm lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, chuyên sâu cho các tổ chức KHCN công lập trên địa bàn để phục vụ nhu cầu cả vùng như Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Ðo lường Chất lượng, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN, Trung tâm Thông tin KHCN.
Thứ hai, thúc đẩy phát triển thị trường KHCN của thành phố và vùng ÐBSCL thông qua các hoạt động kết nối cung cầu công nghệ, đẩy mạnh phát triển mạng lưới đổi mới - sáng tạo - khởi nghiệp. Chú trọng kết nối hiệu quả giữa các viện, trường, trung tâm nghiên cứu với doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước.
Thứ ba, tập trung nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ theo các công nghệ ưu tiên như công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, công nghệ chế biến - bảo quản, công nghệ chế tạo phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững và tăng cường thực hiện chuyển giao, ứng dụng vào sản xuất để hình thành các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, giúp nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp đặc thù của vùng.
Thứ tư, thành phố đang tập trung triển khai thủ tục lập quy hoạch và xây dựng Khu công nghệ cao Cần Thơ, Khu công nghệ thông tin, Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh, Khu công nghiệp Ô Môn và 3 khu nông nghiệp công nghệ cao cùng với việc đẩy mạnh xúc tiến, mời gọi các nhà đầu tư. Ngày 17-10, Thủ tướng Chính phủ Chính phủ ban hành quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh (giai đoạn 1) cho Nhà đầu tư VSIP. Ðây là dự án trọng điểm của thành phố, với định hướng phát triển khu công nghiệp xanh, không chỉ giải quyết vấn đề lao động - việc làm, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách thành phố, mà còn có sức lan tỏa mô hình công nghiệp xanh, sạch, thân thiện với môi trường, quản lý thông minh, hiện đại của vùng ÐBSCL.
Thứ năm, UBND TP Cần Thơ đang khẩn trương hoàn thiện Ðề án trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ÐBSCL tại Cần Thơ theo tinh thần Nghị quyết số 45/2022/QH15 ngày 11-1-2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ. Trung tâm được xây dựng với định hướng là trung tâm của các trung tâm trong vùng, giúp kết nối các khu chế biến xuất khẩu nông sản của các địa phương thành một hệ thống liên hoàn thống nhất, trong đó có sự phân công về thị trường, vùng nguyên liệu theo năng lực và lợi thế của từng địa phương...
ĐĂNG HUỲNH (lược ghi)
|
DUY KHÔI