21/02/2009 - 22:00

Kho trữ lúa gạo góp phần chủ động trong an ninh lương thực và xuất khẩu

Tại hội nghị tổng kết Bộ NN& PTNT vào cuối năm 2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu ngành Nông nghiệp ngay trong năm 2009 phải chỉ đạo xây dựng hệ thống kho dự trữ 4 triệu tấn lúa. Đến vụ thu hoạch, các DN cứ thu mua hết cho nông dân, đảm bảo bà con lãi 30%, sau đó mới tính toán xuất khẩu dần, tránh tình trạng bị ép giá. Bộ NN-PTNT cần phối hợp với các địa phương lập một đề án về việc này.

Theo Thủ tướng, Bộ NN&PTNT cần phối hợp với các địa phương lập một đề án chi tiết về vốn, quy hoạch hệ thống kho và đất đai, giải phóng mặt bằng. Chính phủ sẽ cho vay vốn ưu đãi trong vòng 6 tháng đến một năm để xây dựng. Ví dụ, tỉnh Tiền Giang xem xét cần có mấy kho trên địa bàn để quy hoạch đất đai, giải tỏa đền bù - đây là giải pháp đầu tiên tháo gỡ khó khăn cho từng mặt hàng. Đến vụ thu hoạch, các DN thu mua hết lúa, gạo cho nông dân đảm bảo bà con lãi 30%, sau đó mới tính toán xuất khẩu dần, tránh tình trạng bị ép giá.

Giá xuống thấp, lại thiếu kho dự trữ lúa gạo nên trong mùa lũ năm 2008, nhiều nông dân ở ĐBSCL
phải tạm chứa lúa gạo trong nhà như thế này để chờ giá lên. Ảnh: VŨ HÀ 

Năm 2008, sản lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam không tăng so với năm 2007, nhưng giá trị tăng gấp đôi với 2,9 tỉ USD. Hiện giá gạo trắng xuất khẩu của Việt Nam vượt qua mức 676 USD một tấn, cao hơn 20 - 30 USD so với gạo cùng loại của Thái Lan. Năm 2009, Việt Nam dự kiến sẽ xuất khẩu từ 4,5- 5 triệu tấn gạo, trong đó, 6 tháng đầu năm sẽ xuất khẩu khoảng 2,8 triệu tấn, riêng 2 tháng đầu năm 2009 này có thể sẽ đạt sản lượng xuất khẩu lên đến 900 ngàn tấn. Tuy nhiên, theo dự báo của FAO trong bối cảnh hiện nay các nước phải tăng cường dự trữ lương thực trước những rủi ro từ khủng hoảng nhằm đảm bảo an ninh lương thực, ngay cả những nước xuất gạo lớn như Thái Lan, Ấn Độ... Trong khi đó, ở Việt Nam do thiếu hệ thống kho bãi dự trữ lúa gạo, lúa trong dân dư thừa, dẫn đến lúa gạo Việt Nam giảm sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Mỗi năm, vùng Đồng bằng sông Cửu Long sản xuất ba vụ lúa, bình quân tổng sản lượng từ 20 tới 22 triệu tấn lúa, xay ra gạo thành phẩm ít nhất cũng được 14 tới 15 triệu tấn. Phần tiêu thụ nội địa sẽ phân phối về các kho hàng ở tỉnh thành, ở các cửa hàng lương thực hoặc siêu thị, hạt gạo sẽ đi về các thùng chứa ở các hộ gia đình trên toàn quốc. Đối với gạo xuất khẩu, từ trước tới nay gạo VN luôn kém giá hơn gạo Thái Lan. Mạng lúa gạo quốc tế Rice Online cho rằng doanh nghiệp VN chào giá gạo 15% tấm là 425 USD/tấn trong khi gạo Thái Lan cùng loại chào giá tới 600 USD/ tấn, chênh lệch tới 175 USD. Sự thua kém của hạt gạo VN so với Thái Lan, ngoài chuyện giống lúa thì chủ yếu do công nghệ sau thu hoạch, trong đó có vấn đề phơi sấy tồn trữ.

GS.TS. Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, trăn trở: “Ở ĐBSCL, hệ thống kho dự trữ lúa gạo của nông dân chỉ có khả năng trữ trung bình 2 tháng/năm là rất đáng lo ngại...”. TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng viện lúa vùng ĐBSCL nhận định: “Kho tàng ở các nước khác như Thái Lan là do các doanh nghiệp (DN) họ làm, vì thế họ phát triển được. Ở VN, nhà nước cũng không làm việc này mà chỉ hỗ trợ và giao cho các DN làm, nhưng các DN về lương thực không được mạnh. Đúng ra nếu làm tốt thì các DN sẽ thu mua lúa cho dân từ đầu vụ, tồn trữ phơi sấy cho đạt chất lượng cao, để chủ động trong vấn đề nắm được hạt gạo trong tay và dự báo đúng lúc nào bán tốt, lúc nào thị trường có giá mới bán, thì mới được. Hiện nay, khâu này của VN làm rất yếu thành ra rất khó”.

Muốn nông dân và DN xuất khẩu cùng tạm trữ gạo, chờ giá lên thì phải có cơ sở kho tàng và tài chính để tồn trữ lúa gạo. Hiện nay, ĐBSCL chỉ có khả năng tồn trữ khoảng 500.000 tấn lúa, gạo. Với sản lượng lúa, gạo hàng hóa lên tới hàng triệu tấn như hiện nay, ĐBSCL cần phải có từ 40 - đên 50 silo (mỗi silo chứa 10.000 tấn). Số tiền đầu tư cho mỗi silo là 3,7 triệu USD. Như vậy, để có 50 silo, ĐBSCL phải đầu tư gần 200 triệu USD. Đây là số tiền lớn nhưng mang lại hiệu quả cao, nếu Nhà nước lấy tiền thu thuế xuất khẩu gạo hoặc lợi nhuận từ xuất khẩu gạo để đầu tư xây dựng silo. Các silo này có thể dự trữ lúa, gạo không chỉ vài tháng mà có thể kéo dài hàng năm, chờ cơ hội tốt để xuất khẩu. Điều đó không chỉ chấm dứt tình trạng doanh nghiệp đầy kho không còn chỗ thu mua lúa cho nông dân như hiện nay, mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh về giá gạo trên thị trường vừa đảm bảo được an ninh lương thực quốc gia.

Ông Nguyễn Văn Sơn, chuyên gia kinh tế, đã phát biểu: Ở Thái Lan có một Quỹ dự trữ quốc gia, dưới đó là Cục dự trữ lúa gạo lo việc an toàn lương thực. Quỹ dự trữ này có nguồn vốn là ngân sách, có thể vay vốn của các ngân hàng, được giao nhiệm vụ bảo đảm an toàn lương thực trong nước, điều hòa lương thực tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Trong khi đó, Việt Nam giao việc xuất khẩu gạo và điều hòa an ninh lương thực cho Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA). VFA có lẽ chỉ chuyên tâm làm kinh doanh (thu mua xuất khẩu) mà xem nhẹ nhiệm vụ an toàn lương thực quốc gia. Đến nay, qua tình hình thị trường lúa gạo, có thể thấy hình như VFA thiếu một kế hoạch an toàn lương thực cho từng tháng trong năm, đặc biệt là cho những tháng thu hoạch rộ và tháng giáp hạt để tiến hành thu mua và đảo kho. Cách làm việc cũng rất thụ động, chỉ khi Thủ tướng nói xuất tiền thu mua lúa của dân thì mới đi mua!

Chiến lược nông nghiệp-nông thôn và nông dân của chúng ta nói đến việc hợp tác “bốn nhà”, nhưng trong thực tế trồng giống gì, bán ra sao, chủ yếu là do nông dân tự lo. Nhà nước chưa đầu tư kho dự trữ lớn, nhà khoa học thường dừng lại ở nghiên cứu hoặc chậm triển khai, nhà DN thì chỉ chăm chút cho quyền lợi trước mắt của riêng mình. Trong khi đó, nhà nông tự nhân giống hoặc tự tìm giống, sản xuất ra thì không có kho dự trữ, phải bán lúa ngay để lấy tiền trả nợ, đầu tư làm vụ kế tiếp nên buộc phải bán theo giá của doanh nghiệp đặt ra. Nếu xây dựng được kho trữ lúa gạo sẽ góp phần chủ động trong an ninh lương thực và xuất khẩu.

LÊ HIỀN (TTXVN)

Chia sẻ bài viết