13/04/2009 - 09:43

Khi nhà nông thuê kỹ thuật

Sự kiện “có một không hai” từ trước đến nay vừa xảy ra ở tỉnh Trà Vinh: Ngày 4-4-2009 vừa qua, 13 nông dân Khmer của tổ trồng màu ấp Trà Kháo (xã Hòa Ân, huyện Cầu Kè) đã cùng nhau bỏ tiền để thuê chuyển giao kỹ thuật cho mình và có ký hợp đồng ràng buộc trách nhiệm hẳn hoi.

Người được nông dân ký hợp đồng là thạc sĩ Phạm Chí Tùng, Trưởng bộ môn Trồng trọt và Phát triển nông thôn Trường Đại học Trà Vinh. Hợp đồng thuê kỹ thuật của bà con xuất phát từ mô hình trồng màu tại xã Hòa Ân vừa kết thúc hồi tháng 2-2009. Mô hình do tổ chức Oxfam kết hợp với Dự án nâng cao đời sống “Sinh kế bền vững cho người nghèo” của tỉnh Trà Vinh và Trường Đại học Trà Vinh triển khai thực hiện, với 8 hộ dân trong tổ trồng màu ở ấp Trà Kháo tham gia. Mỗi hộ tham gia mô hình dành 1.000 m2 đất trồng 4 loại: khổ qua, cà chua, dưa leo và ớt. Sau gần 4 tháng triển khai, mỗi hộ tham gia mô hình đạt lợi nhuận từ 5-8 triệu đồng/1.000m2, tăng gấp 3 lần so với cách trồng màu truyền thống của bà con. Nhờ đó, đã tác động đến suy nghĩ của bà con trong tổ trồng màu ấp Trà Kháo. Bà con đã thấy rõ việc áp dụng kỹ thuật cao vào sản xuất giúp hạn chế rủi ro về sâu bệnh, chủ động được lịch thời vụ và kéo dài chu kỳ thu hoạch của cây màu... qua đó, hiệu quả kinh tế cũng được nâng lên rất nhiều.

 Nông dân Thạch Sết (trái) rất vui mừng trước mô hình trồng cà chua được Thạc sĩ Phạm Chí Tùng chuyển giao mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 3 lần so với cách trồng truyền thống. Ảnh: Thạc sĩ PHẠM CHÍ TÙNG.

Anh Thạch Sết, một trong 13 nông dân của tổ trồng màu ấp Trà Kháo tham gia hợp đồng thuê kỹ thuật, cho biết: “Mô hình của dự án vừa kết thúc, tôi nhận ra kinh nghiệm trên 5 năm trồng cây màu của mình chẳng thấm vào đâu so với kỹ thuật trồng màu hiện đại. Có sự hướng dẫn trực tiếp của kỹ sư, tôi mới thấy tay nghề của mình vẫn còn non. Vì thực tế mô hình nào của nông dân trong tổ có sự chuyển giao kỹ thuật đều có lãi rất cao. Tôi trồng 1.000m2 cà chua thu hoạch được gần 2,5 tấn trái, bán được gần 10 triệu đồng, trong đó lãi gần 8 triệu đồng. Điều mà tôi tâm đắc nhất là được chuyển giao kỹ thuật mới, thu hoạch cà lần thứ hai mà không phải trồng lại từ đầu. Trong khi từ hồi nào đến giờ tôi trồng cà chỉ thu hoạch 1 đợt là nhổ bỏ cây”.

Từ sự thành công của mô hình, 13 nông dân trong tổ trồng màu ấp Trà Kháo đã bàn nhau tự bỏ tiền túi tiếp tục thực hiện hợp đồng với thạc sĩ Tùng giúp chuyển giao kỹ thuật trồng màu theo hình thức “cầm tay chỉ việc”. Theo hợp đồng được ký kết, mỗi người trong tổ nếu trồng màu 1.000m2 đất sẽ trả chi phí chuyển giao kỹ thuật 100.000 đồng, thạc sĩ Tùng sẽ trực tiếp “đứng đồng” với các nông dân mỗi tuần 1 ngày. Thạc sĩ Tùng có nhiệm vụ chuyển giao, hướng dẫn quy trình kỹ thuật và tư vấn cho nông dân chọn trồng những cây màu nào phù hợp theo nhu cầu thị trường để tối đa hóa lợi nhuận cho nông dân và xây dựng mô hình sản xuất an toàn, đáp ứng về tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, tránh việc phát triển mang tính tự phát. Bên cạnh đó, thạc sĩ Tùng còn tham gia làm nhịp cầu nối giữa nông dân với các địa chỉ tiêu thụ rau màu. Cam kết của thạc sĩ Tùng với người dân là giúp nông dân trồng màu chắc chắn có lãi cao hơn so với cách canh tác truyền thống, ngoại trừ những nguyên nhân khách quan như: thiên tai, dịch bệnh. Hợp đồng chuyển giao kỹ thuật có thời hạn 6 tháng, hết hợp đồng nếu nông dân có nhu cầu sẽ tiếp tục ký hợp đồng mới. Anh Kim Thai, tổ trưởng tổ trồng màu, nói: “Trước đây, bất kể mưa nắng mỗi khi nghe chúng tôi nêu lên thắc mắc gì về cây màu mình đang trồng là thạc sĩ Tùng lặn lội ra đồng để tìm hiểu nguyên nhân và hướng dẫn cách xử lý phù hợp. Sự nhiệt tình, am hiểu về vùng đất nơi này của thạc sĩ Tùng khiến nông dân chúng tôi tin tưởng tuyệt đối khi ký hợp đồng”.

Thạc sĩ Phạm Chí Tùng cho biết, khi tham gia thực hiện dự án “Sinh kế bền vững cho người nghèo” ở xã Hòa Ân, anh từng gặp thất bại do người dân chưa tin tưởng. Nhờ kiên trì ra tận đồng cùng bà con và chịu khó tìm hiểu những nguyên nhân mà nhà nông đưa ra, anh đã thuyết phục được họ làm theo hướng dẫn của mình và đạt kết quả. Bà con đã “mắt thấy tai nghe”, chấp nhận áp dụng kỹ thuật hiện đại vào sản xuất là niềm vui của người làm chuyên môn như anh. Theo hợp đồng nhằm giúp nông dân thành công với cây màu ở vùng đất Hòa Ân nước ngọt quanh năm, anh sẽ đưa ra 2 nhóm gồm: cây ăn trái (cà chua, khổ qua, dưa leo, ớt) và rau ăn lá (rau cần, hành lá, hẹ) là đối tượng trồng phù hợp với truyền thống của người dân, để bà con chọn trồng vào từng thời điểm phù hợp có lợi thế về giá cả, giảm chi phí sản xuất. Bên cạnh chuyển giao kỹ thuật trồng màu an toàn cho bà con, anh sẽ cố gắng hợp tác với dự án nâng cao đời sống tìm cách đưa sản phẩm của bà con vào hệ thống siêu thị Co.opMart.

Ông Trương Thiên Hải, Chủ tịch UBND xã Hòa Ân, cho biết: “Chuyện nông dân tổ trồng màu ở ấp Trà Kháo mạnh dạn thuê kỹ sư ngành nông nghiệp sẽ được lãnh đạo địa phương chúng tôi xem xét nhân rộng và đứng ra làm cầu nối giữa nông dân với kỹ sư nếu nông dân có nhu cầu. Theo kế hoạch, chúng tôi đang chỉ đạo xây dựng và phát triển tiếp 3 tổ trồng màu với 66 thành viên ở ấp Sóc Kha. Khi đó, tại các ấp vành đai của xã Hòa Ân sẽ hình thành mô hình trồng màu chất lượng, sản lượng cao, đáp ứng theo nhu cầu thị trường, song song với việc mở rộng đầu mối tiêu thụ rau sạch tại các siêu thị và trung tâm chợ đầu mối...”.

CAO DƯƠNG

Chia sẻ bài viết