17/11/2020 - 15:22

Khi người trẻ ly hôn... 

Tình trạng ly hôn ở người trẻ ngày một nhiều. Nguyên nhân thì muôn hình vạn trạng và đôi khi chỉ vì những bất đồng hết sức nhỏ nhặt, các cặp đôi cũng sẵn sàng dắt nhau ra tòa.

Công chức Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả của UBND phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt hướng dẫn người dân làm thủ tục kết hôn.

Tại quận Thốt Nốt, tình trạng ly hôn ở những cặp vợ chồng trẻ chiếm trên 70% số vụ ly hôn mà Tòa án Nhân dân (TAND) quận thụ lý, chủ yếu tập trung ở độ tuổi 8X, 9X. Theo đánh giá của ngành Tòa án, nếu như các vụ ly hôn của những cặp vợ chồng trên 40 tuổi với lý do chủ yếu là bạo hành thì ở các cặp vợ chồng trẻ tuổi thường là không hợp nhau, bất đồng quan điểm… Bà Hoàng Ngọc Hạnh, Chánh án TAND quận Thốt Nốt, cho biết: Những người trẻ ly hôn thường không có mâu thuẫn rõ ràng, chỉ cần bức xúc đơn giản về quan điểm, cách sống là có thể ly hôn. Thậm chí, nhiều người yêu nhau vài năm rồi mới kết hôn, nhưng khi sống chung với nhau được thời gian ngắn lại đường ai nấy đi. Số vụ ly hôn ở những cặp vợ chồng trẻ ngày càng tăng cao. Ðáng nói là trên 70% số vụ đều rơi vào các cặp vợ chồng kết hôn từ 10 năm trở lại, trong đó có trường hợp chỉ mới kết hôn được vài tháng.

Anh N.T.A (sinh năm 1980) và chị T.N.H.H (sinh năm 1981), ngụ phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt đến với nhau vì tình yêu. Cưới nhau được 3 năm, anh chị sinh bé trai đầu lòng. Anh A cho biết: “Tôi đi làm ở huyện Cờ Ðỏ, vợ tôi đi làm ở huyện Thới Lai. Khi sinh con xong, vợ tôi cho rằng nhà ở của chúng tôi xa chỗ làm, nên dọn về nhà ngoại ở ké, để tiện đi lại. Dần dà, 1 tuần, 2 tuần, thậm chí cả tháng, chúng tôi mới “đoàn tụ” một lần. “Xa mặt cách lòng”, mâu thuẫn vợ chồng ngày một nhiều, rồi dẫn đến ly hôn”.

Chị N.T.H (ở phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn) quyết định ly hôn sau 13 năm chung sống. Chị H bộc bạch: “Ðối với tôi, có lẽ chia tay nhau là quyết định đúng đắn. Khi vợ chồng không còn sống cho nhau, không quan tâm, chia sẻ và cùng nhau xây dựng hạnh phúc thì giải thoát cho nhau. Bây giờ với tôi, đứa con là chỗ dựa tinh thần, giúp tôi vượt qua khó khăn của cuộc sống”. 

“Chén trong sóng còn khua”, vì thế, trong cuộc sống vợ chồng, xảy ra cự cãi là chuyện bình thường. Tuy nhiên, nếu như vợ hoặc chồng xử lý không khéo thì mâu thuẫn sẽ ngày một tăng, không thể hàn gắn. Vợ chồng anh Nguyễn Văn Tuấn, ở xã Trường Thắng, huyện Thới Lai, chung sống đã hơn 15 năm. Dù kinh tế còn khó khăn, nhưng cuộc sống gia đình anh chị khá ấm êm, hạnh phúc. Vợ anh Tuấn sinh được 2 con gái, con gái lớn đang học lớp 11 và con gái nhỏ học lớp 5. Anh làm thuê, còn chị dạy học. Thu nhập của 2 anh chị khoảng hơn 10 triệu đồng/tháng, đủ xoay xở cho các khoản chi tiêu trong nhà. Anh Tuấn bộc bạch: “Vợ chồng tôi đôi lúc cũng xảy ra chuyện rầy rà hoặc cự cãi lẫn nhau. Tuy nhiên, chúng tôi mỗi người biết nhường nhịn nhau, nên không xảy ra những mâu thuẫn trầm trọng. Qua mỗi lần như thế, chúng tôi càng hiểu rõ hơn về tính cách của nhau để vun đắp tình cảm vợ chồng”.

Từ ngày 1-10-2019 đến ngày 30-9-2020, TAND cấp huyện trên địa bàn thành phố đã thụ lý 3.379 vụ việc liên quan đến hôn nhân. Trong đó, độ tuổi ly hôn từ 18 đến 30 chiếm 1.463 vụ việc. Theo nhận định của TAND thành phố, nguyên nhân dẫn đến ly hôn do độ tuổi kết hôn trẻ nên còn bồng bột, vội yêu, vội cưới, không biết cách dung hòa, cũng không biết cách giải quyết mâu thuẫn. Bên cạnh đó, các cặp vợ chồng cưới sớm chưa có sự chuẩn bị về cuộc sống hôn nhân, gia đình, có trường hợp chưa có việc làm, phụ thuộc vào cha mẹ. Hoặc nhiều cặp vợ chồng chỉ tập trung vào công việc, không ai quán xuyến việc gia đình, vợ chồng lại ít dành thời gian cho nhau, có khi quan điểm và lối sống giữa hai người không hợp nhau nên thường xuyên xảy ra tranh cãi. Ngoài ra, còn do bạo lực gia đình, vấn đề ngoại tình, ghen tuông, mâu thuẫn về tài chính, công việc…

“Qua xét xử các vụ án ly hôn cho thấy, nếu hôn nhân không hạnh phúc, mâu thuẫn, các cặp vợ chồng trẻ sẵn sàng ly hôn. Họ nhìn nhận đơn giản về hôn nhân, không có sự chuẩn bị cho cuộc sống chung bền vững. Tuy nhiên, sau ly hôn là hệ lụy đáng buồn cho những đứa trẻ không được sống trong gia đình trọn vẹn, không nhận được sự yêu thương, quan tâm chăm sóc, giáo dục đầy đủ của cha lẫn mẹ, có thể dẫn đến tình trạng bỏ học, lêu lổng… từ đó, phạm tội ở tuổi thanh, thiếu niên”- bà Hoàng Ngọc Hạnh cho biết.

Tình trạng người trẻ ly hôn tăng cao không còn là chuyện riêng của mỗi gia đình. Ðể góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững, thiết nghĩ, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức các lớp tiền hôn nhân, trang bị kiến thức cần thiết về xây dựng cuộc sống gia đình. Ðối với nam và nữ, trước khi tiến đến hôn nhân, cần tự chuẩn bị tâm lý, tìm hiểu thật kỹ, phải biết nhẫn nhịn, cảm thông và chia sẻ… Có như vậy mới giữ được lửa tình yêu, hạnh phúc.

Bài, ảnh: CHẤN HƯNG

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
ly hôn