
Không ít phụ nữ gặp phải những ông chồng nghiện cờ bạc, dẫn đến cảnh nợ nần, gia đình mâu thuẫn. Nhiều chị em tận tình khuyên giải, để bạn đời trở lại đường ngay lối thẳng nhưng cũng có người đành ngậm ngùi đoạn tuyệt bởi không thể cải thiện tình hình.
Từ chơi cho vui đến...
Chị Lan và anh Hải quê ở Tiền Giang, là một đôi từ thời sinh viên. Chị học sư phạm, còn anh theo chuyên ngành công nghệ thông tin. Lúc mới quen, chị Lan đã biết anh Hải ham vui, thỉnh thoảng có tham gia cá độ bóng đá cùng bạn bè nhưng chị nghĩ sau khi kết hôn anh Hải sẽ thay đổi, chững chạc. Thế nhưng, sau ngày cưới, anh Hải ngày càng lún sâu vào những trò “đỏ đen”. Hằng ngày, hết giờ làm việc, anh cùng bạn bè la cà quán xá, bù khú nhậu nhẹt, tham gia các đường dây cá độ bóng đá, nợ nần chồng chất.
Chị Ngọc Hân ở quận Ninh Kiều, cũng khổ tâm vì anh Tâm - chồng chị nghiện cờ bạc. Anh Tâm làm thợ điện nước. Nhóm của anh sau giờ làm việc thường tranh thủ lúc nghỉ trưa để cà phê, cuối tuần thì lai rai. Khi đó mọi người rủ nhau chơi vài ván bài cho vui. Ban đầu chỉ là hơn thua chầu cà phê, ăn sáng. Dần dần, anh bị cuốn vào cơn sát phạt lúc nào không biết. Đến khi vỡ lỡ, anh Tâm nhiều tháng không có tiền lương đưa cho vợ, trong khi nhà còn con nhỏ và bà nội chồng tuổi đã ngoài 70 cần chăm sóc, phụng dưỡng.
Vợ chồng anh Tuấn, chị Hoa ở huyện Cờ Đỏ, trước kia cũng rất hạnh phúc với hai con chăm ngoan, học giỏi. Anh Tuấn làm thợ hồ, chị Hoa chăn nuôi heo. Anh là người hiền lành, chí thú làm ăn, tuy nhiên có tính mê “lô đề”. Ban đầu, chị Hoa cũng nghĩ chồng thỉnh thoảng chơi cho vui, nhưng càng ngày anh càng nghiện. Nợ nần chồng chất, không có tiền trả, anh Tuấn trốn lên TP Hồ Chí Minh, để lại cho vợ con một số nợ lớn.
Đừng để tan cửa nát nhà vì “đỏ đen”
Để có tiền trả nợ cho chồng, chị Lan vừa dạy học ở trường, vừa nhận dạy kèm và bán hàng. Tuy nhiên, số tiền quá lớn, một mình chị không kham nổi. Chủ nợ còn dọa sẽ đến trường của chị để báo lãnh đạo. Lúc này, chị Lan đành cầu cứu cha mẹ chồng. Ông bà bắt anh Hải viết cam kết không tái phạm và cho mượn giấy tờ đất để thế chấp vay ngân hàng, có tiền trả nợ. Nhìn người thân khổ sở do lỗi lầm mình gây ra, anh Hải quyết tâm từ bỏ thói hư tật xấu. Tan giờ làm việc, anh không còn la cà ở quán xá mà phụ vợ việc nhà, chăm con, giao hàng. Cuộc sống gia đình dần đầm ấm lại như xưa.
Bôn ba ở xứ người, anh Tuấn nhớ nhà, trong lòng hối hận không nguôi, nhất là khi anh biết vì nợ nần mình gây ra mà vợ con phải khổ sở gánh gồng. Vợ anh ngoài chăn nuôi, còn nhận gia công đan ráp lú tại nhà để có thêm thu nhập. Quyết tâm sửa chữa lỗi lầm, anh Tuấn đã quay về gặp mọi người xin lỗi và hứa sẽ chí thú làm ăn, tích lũy tiền để trả dần. Đa số chủ nợ của anh Tuấn đều là người thân, bạn bè nên mọi người cho anh trả chậm để có cơ hội sửa chữa, hàn gắn tình cảm gia đình.
Sau một thời gian cầm cự không nổi, chị Hân xin bà nội chồng bán căn nhà do bà đứng tên để giải quyết nợ nần. Gia đình dọn về sống trong một căn nhà nhỏ. Tuy nhiên, mới đây anh Tâm lại gây nợ. Lần này chị Hân dứt khoát nộp đơn ly hôn bởi không còn chịu đựng nổi người chồng nghiện cờ bạc, vô trách nhiệm. Chị Hân bộc bạch: “Tôi nhiều lần gánh nợ cho chồng vì nghĩ anh sẽ thay đổi. Thế nhưng anh vẫn cứ chứng nào tật nấy. Cho đến nay, số nợ tiếp tục lên đến vài trăm triệu đồng, bản thân tôi không còn niềm tin, hy vọng gì về chồng”.
Đồng cảnh ngộ chị Hân, gia đình chị Hằng ở huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang cũng rơi vào cảnh ly tán vì chồng vướng vào cờ bạc online. Gia đình chị Hằng gia giáo, nề nếp. Bố mẹ chị đều là giáo viên nghỉ hưu, chị là viên chức nhà nước, chồng công tác ngành điện lực. Khoảng 3 năm trước, chị thường xuyên thấy chồng ôm điện thoại chơi game. Chỉ vài tháng sau đó chồng chị nghỉ việc và báo với vợ đã vay cả tỉ đồng chỉ vì những ván bài trên mạng. Thương chồng, chị Hằng cầm nhà trả nợ. Đáng nói hơn là căn nhà xây dựng từ phần đất bố mẹ cho riêng chị từ thời con gái. Và chỉ 1 năm sau, chồng chị lại tiếp tục gây nợ. Lần này chị quyết định bán đứt căn nhà trả nợ và dứt khoát ly hôn. “Khi tôi đưa hai con về nương tựa nhà ngoại, tôi rất buồn, xấu hổ với bố mẹ nhưng không còn lựa chọn nào khác. Giờ đây tôi thấy nhẹ lòng vì không còn nơm nớp lo sợ những cuộc điện thoại đòi nợ, đe dọa ảnh hưởng đến công việc cơ quan, họ hàng, lối xóm…” - chị Hằng nói.
Theo các chuyên gia tâm lý, lòng tham và tâm lý không muốn lao động mà vẫn có tiền chính là nguyên nhân khiến nhiều người sa vào tệ nạn cờ bạc, dẫn đến những hệ lụy xấu cho gia đình và xã hội. Do đó, mỗi người cần nâng cao nhận thức, phải luôn tỉnh táo, sáng suốt và lường trước hậu quả để không bị rơi vào cạm bẫy của cờ bạc.
HẢI THƯ