Trong xu thế hội nhập với tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế, việc phát huy vai trò chủ thể của nông dân luôn được lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta quan tâm. Tại TP Cần Thơ, thực hiện Kết luận số 61-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Đề án "Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010-2020", 5 năm qua, các cấp Hội Nông dân TP Cần Thơ không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động nhằm góp phần xây dựng giai cấp nông dân ngày càng vững mạnh.
Nâng cao hiệu quả các mô hình kinh tế tập thể
Được xem là bệ đỡ cho kinh tế hộ, trong sản xuất nông nghiệp, hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác có vai trò khá quan trọng giúp các hộ nông dân phát triển sản xuất. Thực hiện Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg về chính sách khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác, Thành ủy Cần Thơ đã tập trung chỉ đạo Hội Nông dân các cấp tiếp tục đổi mới và phát triển các hình thức kinh tế tập thể, tổ hợp tác liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản.
Theo đồng chí Trần Thị Thiên Thư, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP Cần Thơ, kinh tế hợp tác là vấn đề chủ lực để phát triển kinh tế tại địa phương. Thời gian qua, Hội Nông dân TP Cần Thơ đã chỉ đạo cơ sở tập trung đẩy mạnh việc vận động, hướng dẫn nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể, hợp tác, liên kết sản xuất. Hàng năm, mỗi một cơ sở Hội đều phát triển từ 1-2 mô hình kinh tế tập thể. Hội Nông dân TP Cần Thơ cũng thường xuyên kiểm tra và hỗ trợ để giúp đỡ các mô hình kinh tế tập thể phát triển bền vững. Theo thống kê của Hội Nông dân TP Cần Thơ, tính đến nay, toàn thành phố có 79 HTX nông nghiệp, 1.246 Tổ hợp tác hoạt động theo nhu cầu của nhóm nông dân khi vào mùa vụ bơm tưới, gieo sạ hay thu hoạch, tiêu thụ nông sản và có 7 trang trại được cấp giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn mới. Các địa phương, đơn vị cũng tập trung xây dựng phong trào "Cánh đồng mẫu lớn". Qua mô hình sản xuất tập trung này đã tạo điều kiện phát huy hiệu quả "liên kết bốn nhà", thúc đẩy nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm và tăng thu nhập cho nông dân.
HTX Tân An Hưng (phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt) là một trong những HTX hoạt động hiệu quả. Anh Nguyễn Minh Hải, Giám đốc HTX Tân An Hưng, cho biết: "Trước đây, bà con nơi đây chỉ trồng lúa lương thực lợi nhuận thấp. Sau thời gian nghiên cứu học tập, tôi chuyển sang trồng lúa giống và đạt hiệu quả. Từ đó, tôi phối hợp cùng Hội Nông dân phường vận động bà con thành lập tổ hợp tác vào năm 2013. Ban đầu chỉ có 7 thành viên tham gia với tổng diện tích khoảng 10ha". Để thu hút các thành viên tham gia, Hội Nông dân phường đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động. Đồng thời, tìm nguồn tiêu thụ; phối hợp tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật canh tác; tín chấp cho các thành viên vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội;
Hiệu quả hoạt động của tổ hợp tác ngày càng được khẳng định nên đến đầu năm 2015, tổ hợp tác được phát triển xây dựng thành HTX, diện tích đất của các thành viên được quy hoạch thành cánh đồng lúa giống chất lượng cao và sản phẩm lúa giống của HTX được đăng ký thương hiệu mang tên Tân An Hưng. Theo các thành viên của HTX, lợi nhuận thu được từ việc trồng lúa giống cao hơn khá nhiều so với trồng lúa lương thực, thu nhập hàng năm đạt hàng trăm triệu đồng. Anh Nguyễn Văn Niềm, thành viên của HTX cho biết: "Tôi tham gia từ lúc HTX chỉ mới là tổ hợp tác. Tôi thấy việc liên kết tập thể này có nhiều thuận lợi như: đầu ra ổn định, lợi nhuận cao hơn. Nhà tôi có 20 công ruộng. Trước đây trồng lúa lương thực chỉ thu lời khoảng 90 triệu đồng/năm; còn hiện tại trồng lúa giống lời hơn 130 triệu đồng/năm. Tôi còn được hỗ trợ vay 25 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để mua giống, phân bón,
". Với hiệu quả kinh tế mang lại các thành viên trong HTX Tân An Hưng cũng tích cực tham gia xây dựng quê hương, đóng góp hàng chục triệu đồng và ngày công lao động để xây dựng 2 cầu bê tông, 1.000 mét đường giao thông nông thôn tại khu vực Tân An, phường Thuận Hưng vào cuối năm 2014.
|
Cán bộ Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư TP Cần Thơ hướng dẫn các thành viên HTX Tân An Hưng cách nhân giống lúa. |
HTX rau an toàn Long Tuyền (khu vực Bình Thường A, phường Long Tuyền, quận Bình Thủy) được thành lập từ tháng 7-2005 với số lượng ban đầu có 11 thành viên tham gia, diện tích trồng rau màu chỉ có 3,3 ha. Ông Triệu Công Đỉnh, Chủ nhiệm HTX cho biết: "Các thành viên của HTX trồng nhiều nhất là dưa hấu; số ít trồng các loại bí đao, dưa leo, khổ qua, ớt,
Mỗi năm HTX thu hoạch trên 800 tấn sản phẩm các loại. Việc trồng rẫy này thu lời gấp 3 lần trồng lúa, ước tính 1 ha trồng màu cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm. Đến nay, HTX có 16 thành viên tham gia với diện tích 11,2ha. Hiện nay, sản phẩm của HTX đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ chứng nhận là sản phẩm an toàn và sắp được công nhận việc đăng ký nhãn hiệu
". Theo ông Đỉnh, đồng hành cùng sự phát triển của HTX, các cấp Hội Nông dân cũng thường xuyên vận động, tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật (KHKT), hỗ trợ vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội, hỗ trợ giới thiệu quảng bá sản phẩm... giúp cho các thành viên phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.
Phát huy vai trò của Hội Nông dân các cấp
Cùng với việc vận động, hướng dẫn nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể, liên kết sản xuất, để triển khai thực hiện Kết luận 61 đi vào cuộc sống, Thành ủy Cần Thơ cũng đã chỉ đạo thành lập Ban Chỉ đạo Đề án 61 cấp thành phố; các quận, huyện cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo để triển khai thực hiện tốt Kết luận 61-KL/TW. Theo đồng chí Lê Bá Phước, Chủ tịch Hội Nông dân TP Cần Thơ kiêm Phó Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án 61, việc tuyên truyền, quán triệt Kết luận 61 của Ban Bí thư được các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các cơ quan, đoàn thể triển khai sâu rộng. Về phía Hội Nông dân TP đã chủ động, sáng tạo, kịp thời đề xuất, phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan để tham mưu ban hành các cơ chế, chính sách và trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ hội viên nông dân đầu tư phát triển kinh tế. 5 năm qua, Hội Nông dân TP đã phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giúp trên 3.570 hộ nông dân vay vốn với số tiền trên 439 tỉ đồng. Bên cạnh đó, từ nguồn Ngân hàng Chính sách Xã hội, Hội đã hỗ trợ cho 109 hộ vay vốn với số tiền trên 2,3 tỉ đồng. Ngoài ra, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cũng đầu tư cho 26 dự án với tổng số tiền trên 11,2 tỉ đồng, đã giải quyết cho 283 hộ nông dân vay phát triển sản xuất, dịch vụ. Để hỗ trợ nông dân tiếp cận KHKT, các cấp Hội Nông dân thành phố đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức 812 lớp tập huấn KHKT cho 26.528 lượt hội viên, nông dân về kỹ thuật chăm sóc lúa, hoa màu và cây ăn trái; tổ chức 1.829 cuộc hội thảo đầu bờ và học tập kinh nghiệm cho trên 35.970 lượt cán bộ, hội viên tham gia
Qua đó, đã góp phần nâng cao kiến thức, kinh nghiệm trong sản xuất, phục vụ phát triển kinh tế xã hội ở nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
Thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, các cấp Hội đã phối hợp cùng ngành nông nghiệp tích cực triển khai các chủ trương, chính sách hỗ trợ lãi suất cho nông dân mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp. Các cấp Hội cũng tăng cường các hoạt động dịch vụ, tư vấn và hỗ trợ nông dân, làm cầu nối để ký kết hợp đồng sản xuất tiêu thụ nông sản; phối hợp với một số địa phương, đơn vị triển khai, thực hiện ký kết hợp động sản xuất, tiêu thụ lúa gạo cho nông dân; tư vấn, hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu nông sản;
Hội Nông dân thành phố còn tích cực phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Lao động, Thương binh & Xã hội và các quận, huyện tập trung tuyên truyền, tư vấn dạy nghề và giới thiệu việc làm cho hội viên nông dân. 5 năm qua, các cấp Hội đã mở được 1.072 lớp, thu hút 19.621 học viên tham dự. Tỷ lệ có việc làm sau đào tạo nghề trên địa bàn TP đạt 73,34%, thu nhập bình quân từ 1,5-4 triệu đồng/người/tháng đã góp phần giúp cho nhiều hộ vươn lên thoát nghèo bền vững, ổn định cuộc sống.
Đồng chí Lê Bá Phước, Chủ tịch Hội Nông dân TP Cần Thơ kiêm Phó Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án 61, khẳng định: "Kết luận 61 có ý nghĩa to lớn đối với giai cấp nông dân Việt Nam nói chung và nông dân Cần Thơ nói riêng. Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, Ban Chỉ đạo Đề án 61 tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền; kiện toàn, củng cố Ban Chỉ đạo Đề án của thành phố và các quận, huyện; các cấp Hội Nông dân tiếp tục đóng vai trò trung tâm và nòng cốt trong công cuộc xây dựng nông thôn mới
".
Bài, ảnh: H. Vân